Công bố khoa học của Việt Nam: Số lượng tăng, hiệu quả thấp

Thu Hương 25/12/2015 00:31

Công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam 5 năm qua tăng gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2006-2010, trong đó Toán học giữ vị trí cao so với khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo GS Phạm Duy Hiển, đầu tư cho khoa học sẽ không hiệu quả nếu sản sinh ra quá nhiều bài báo công bố quốc tế nhưng lại ít được ai sử dụng.

Công bố khoa học của Việt Nam: Số lượng tăng, hiệu quả thấp

Trong phòng thí nghiệm.

Tiềm lực nhiều, kết quả hạn chế

Theo báo cáo sơ kết giai đoạn 2011-2015 của Bộ KH&CN, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân đạt 19,5%, đạt mức cao so với mục tiêu.

Trong đó, Toán học, Vật lý và Hóa học là những lĩnh vực có thế mạnh, chiếm tới 40% tổng công bố quốc tế. Riêng với Toán học, Việt Nam có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

So với các nước trên thế giới, tổng công bố quốc tế của Việt Nam xếp thứ 59 (năm 2006-2010 xếp thứ 66 và 2001-2005 xếp thứ 73) và thứ 4 Đông Nam Á, sau Singapore (32 thế giới), Malaysia (38 thế giới) và Thái Lan (43 thế giới).

Trong khi đó, Việt Nam hiện có hơn 4,2 triệu người có trình độ từ CĐ, ĐH trở lên, trong đó có 24 nghìn TS, 101 nghìn thạc sĩ. Số người trực tiếp làm công tác nghiên cứu và phát triển là trên 62 nghìn người. Tổng số giảng viên, ĐH CĐ trên cả nước là hơn 84 nghìn người, trong đó có hơn 2,6 nghìn GS, PGS, 9,1 nghìn TS và 36 nghìn Thạc sĩ. Bên cạnh đó có hơn 100 nghìn du học sinh, 300 nghìn trí thức kiều bào ở nước ngoài.

Nói về nghịch lý đáng buồn này, PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó chủ nhiệm khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) thẳng thắn: “Xét về hiệu quả, Việt Nam chưa có nhiều công trình, sản phẩm khoa học công nghệ mang tính đột phá ở tầm khu vực và thế giới. Các bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế tăng hàng năm nhưng giá trị tuyệt đối và chỉ số trích dẫn còn thấp, nhất là khi so sánh với khu vực và thế giới. Vai trò của các nhà khoa học, trong đó có các nhà khoa học trẻ đối với nền khoa học công nghệ nước nhà chưa thật sự đậm nét”.

Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia chỉ ra phần lớn công bố quốc tế xuất phát từ Việt Nam đều là bài báo, công trình đứng chung tên với tác giả nước ngoài. Chỉ số trích dẫn quốc tế và chỉ số tác động khoa học còn chưa đạt mức trung bình thế giới.

Bài toán số lượng và chất lượng

Theo đại diện Bộ KH&CN, một trong những lý do làm tăng lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua so với giai đoạn trước đó xuất phát từ việc tăng quy mô và hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khoa học cơ bản về lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội từ nguồn ngân sách Nhà nước thông qua Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED).

Câu chuyện thực tế của PGS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ về nhóm nghiên cứu của ông hiện có 4 nghiên cứu sinh, 3 học viên cao học và một số bạn sinh viên. Nhóm duy trì hoạt động seminar khoa học thường xuyên, tích cực trao đổi với các nhóm nghiên cứu khác. Tất cả các bạn nghiên cứu sinh trong nhóm đều đã có những công trình được đăng và nhận đăng trên các tạp chí quốc tế trong danh mục ISI. Các bạn khác trong nhóm cũng đã có những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.

“Nếu có thể làm chủ nhiệm một đề tài của NAFOSTED và một đề tài cấp Bộ thì cán bộ nghiên cứu khoa học có thể đảm bảo kinh phí để trang trải các hoạt động cho nhóm làm việc của mình” - PGS.TS Lê Anh Vinh “hiến kế” để các cán bộ khoa học có nguồn kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu khoa học trong điều kiện không thể yêu cầu các trường ĐH, các viện nghiên cứu của Việt Nam phải có cơ sở vật chất hoàn hảo, kinh phí ngân sách dồi dào thì mới làm khoa học.

Theo GS Phạm Duy Hiển, không nên chạy theo số lượng mà quan trọng là chất lượng và hiệu quả. “Mười năm trước chúng ta khuyến khích đưa kết quả nghiên cứu lên tạp chí quốc tế. Giờ đến lúc phải xem chất lượng và hiệu quả là mục tiêu hàng đầu. Đầu tư cho khoa học sẽ không hiệu quả nếu sản sinh ra quá nhiều bài báo SCI nhưng lại ít được ai sử dụng” – ông Hiển cảnh báo.

Ở khía cạnh khác, một chuyên gia nêu vấn đề bên cạnh việc nâng cao số lượng, chất lượng các bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế, cần đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu chuyên sâu để các công trình này có thể viết thành sách, phổ biến sâu rộng hơn đến mọi người. Như thành tựu phẫu thuật gan của GS Tôn Thất Tùng mới chỉ dừng lại ở báo cáo/bài báo khoa học, chứ chưa thể thành sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố khoa học của Việt Nam: Số lượng tăng, hiệu quả thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO