Sáng 11/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua.
1/ Luật Nhà giáo
2/ Luật Việc làm
3/ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
4/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
5/ Luật Hóa chất
6/ Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
7/ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
8/ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cả Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
9/ Luật Ngân sách Nhà nước
Giới thiệu về Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, ngày 16/6/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà giáo với 94,35% đại biểu có mặt tán thành. Đây là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định đầy đủ vị trí pháp lý, quyền, nghĩa vụ và chính sách dành cho đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trên cả nước.
Luật gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, tập trung vào 5 chính sách lớn: Định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh; sử dụng, đãi ngộ và điều kiện làm việc; đào tạo, bồi dưỡng và tôn vinh; vai trò quản lý nhà nước.
Điểm mới nổi bật là lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng, không chỉ là người lao động theo hợp đồng như trước. Luật khẳng định vai trò then chốt của nhà giáo, đồng thời mở rộng quyền tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khởi nghiệp.
Luật quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Bổ sung các khoản hỗ trợ vùng khó khăn, thuê nhà, đào tạo, sức khỏe định kỳ, thu hút nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, Luật hợp nhất hai hệ thống tiêu chuẩn (chức danh nghề nghiệp và chuẩn nghề nghiệp) thành một hệ thống chức danh gắn với chuẩn năng lực nghề nghiệp, áp dụng thống nhất cho cả công lập và ngoài công lập.
Giới thiệu về Luật Hóa chất (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, ngày 14/6/2025, Quốc hội thông qua Luật với 99,32% đại biểu có mặt tán thành. Luật gồm 7 chương, 48 điều, có hiệu lực từ 1/1/2026, sửa đổi toàn diện Luật Hóa chất năm 2007.
Luật có các nội dung mới liên quan đến xây dựng chính sách phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất...
Luật Hóa chất được xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính; áp dụng tối đa công nghệ thông tin nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
Cùng với đó, Luật Hóa chất đã bổ sung hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp phù hợp để không tạo khoảng trống trong quản lý và giảm thiểu khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Luật Hóa chất là bước cụ thể hóa quan trọng, kịp thời thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất; đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ con người, cơ sở vật chất, tài sản, môi trường.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Việc làm số 74/2025/QH15, gồm 8 chương, 55 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoàn thiện thể chế, tháo gỡ "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, hướng tới bảo đảm việc làm bền vững cho tất cả lao động.
Luật Việc làm năm 2025 quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm, đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý nhà nước về việc làm và áp dụng đối với tất cả người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc (bao gồm cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động, người thất nghiệp).
Luật Việc làm năm 2025 đã kế thừa các quy định đã được thực hiện có hiệu quả từ Luật Việc làm năm 2013, sửa đổi các quy định không còn phù hợp, trọng tâm là bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa 4 Nghị quyết đột phá - "bộ tứ trụ cột" đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới..
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm 4 chương, 11 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. So với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2025 có nhiều điểm mới.
Về đối tượng chịu thuế, ngoài những hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt kế thừa tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn quốc gia có hàm lượng đường trên 5g/100 ml vào đối tượng chịu thuế; quy định điều hòa nhiệt độ công suất trên 24.000 đến 90.000 BTU (thay cho điều hòa nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống) thuộc đối tượng chịu thuế; sửa đổi, bổ sung một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu, bia, ô tô, tàu bay... để đồng bộ với pháp luật chuyên ngành.
Ngoài những nội dung về đối tượng không chịu thuế kế thừa tại Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã sửa đổi, bổ sung đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa do tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, thuê gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán, ủy thác cho tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để xuất khẩu ra nước ngoài; sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với: "Máy bay, trực thăng, tàu lượn, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch và máy bay, trực thang, tàu lượn sử dụng cho các mục đích an ninh, quốc phòng, cứu thương, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, huấn luyện đào tạo phi công, quay phim, chụp ảnh, đo đạc bản đồ, sản xuất nông nghiệp"; bổ sung đối tượng "xe ô tô chở người, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ không đăng ký lưu hành và chỉ chạy trong phạm vi khu vui chơi, giải trí, thể thao, di tích lịch sử, bệnh viện, trường học và xe ô tô chuyên dùng khác"....
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026; được xây dựng trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với những vấn đề mới, biến động thường xuyên, chưa ổn định; hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đổi mới tư duy trong quan điểm, cách thức quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Các quy định mới quan trọng, mang tính đột phá trong Luật là đã bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; về từ ngữ tiếng Việt trong sản phẩm quảg cáo; yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và điều kiện quảng cáo; quảng cáo trên báo nói, báo hình, trên mạng, ngoài trời...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/8/2025.
Luật gồm 8 chương, 59 điều, kế thừa các quy định còn phù hợp và sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát quyền lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Về những nội dung đổi mới, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; không có cụm từ "sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh" và "giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp" như Luật số 69/2014/QH13, nội hàm "quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp" đã bao gồm nội dung về sử dụng, giám sát vốn nhà nước và đã kế thừa có chọn lọc các quy định của Luật số 69/2014/QH13.
Luật xác định rõ đối tượng áp dụng, trong đó bao gồm doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp; tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ Ngân hàng chính sách (theo đó không chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như Luật số 69/2014/QH13).
Đồng thời, tại điều khoản thi hành có quy định tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên được áp dụng Luật này để thực hiện việc quản lý và đầu tư vốn của tổ chức tại doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư, quản lý vốn của các tổ chức này...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, với 4 chương, 20 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2025, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp được ban hành nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng đã được xác định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đề khắc phục khó khăn, vướng mắc phát sinh thời gian qua; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp với quy định của pháp luật có liên quan, nhất là pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, công nghệ số...
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025. So với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025 có các điểm mới liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế; thua nhập được miễn thuế; kỳ tính thuế, xác định thu nhập tính thuế và phương pháp tính thuế; các khoản chi được và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế suất thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 2 điều, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Luật đã bám sát 4 chính sách về: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quản lý, phát triển đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng....
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật có 7 chương, 79 điều, có hiệu lực từ năm ngân sách 2026.
Luật đã thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương; phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, gắn với quyền và trách nhiệm của từng cấp theo phương châm, cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp; cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục trong quy trình ngân sách nhà nước; thúc đẩy cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình.
Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026, Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 56/2024/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. 3 nhóm nội dung, được thực hiện từ ngày 1/7/2025 gồm: Việc phân cấp nhiệm vụ chi giữa ngân sách cấp tỉnh với ngân sách cấp xã đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách nhà nước, tổ chức chi ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tạm cấp ngân sách.