Hiện tượng nhiều loài cá chết nổi tại hồ Tây (Hà Nội) bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 9/2022, đến cuối tháng 10 không còn nhưng những ngày đầu tháng 11 này lại xuất hiện. Số lượng cá chết lác đác, phân tán trên hồ vào ban đêm và rạng sáng, trôi dạt vào ven hồ khu vực đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Thanh Niên. Ngày 6/11, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã vớt được khoảng 50 - 60kg cá các loại chết nổi.
Trước hiện tượng này Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo chính thức gửi UBND thành phố Hà Nội, lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Theo Sở Xây dựng, qua phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước thành phố thực hiện quan trắc môi trường tại nhiều vị trí của hồ Tây trong thời gian qua, kết quả bước đầu cho thấy, nhiều chỉ số vượt quy chuẩn cho phép.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nhận xét sơ bộ của liên ngành, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân. Trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như, thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo,... gây ra), cá bị bệnh...
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các phòng liên quan, Công ty Thoát nước Hà Nội theo dõi, kiểm tra, thực hiện công tác duy trì vệ sinh, thu gom, vận chuyển về bãi xử lý theo quy định. Về giải pháp khắc phục, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với liên ngành thành phố khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước; đánh giá chất lượng nước hồ Tây; đề xuất phương án giảm mật độ cá trong hồ.
Trước đó, liên quan đến việc cá chết nổi tại hồ Tây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội và UBND quận Tây Hồ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại hồ Tây; đề xuất giải pháp khắc phục; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.
Hiện UBND quận Tây Hồ cũng đã hoàn thành tháo dỡ 30 phương tiện thủy nội địa gồm: nhà nổi, ụ nổi, cầu dẫn, phao, xuồng máy… đã dừng hoạt động tại khu vực Đầm Bẩy ra khỏi hồ Tây, trả lại sự thoáng đãng, sạch đẹp cho hồ Tây, giúp hạn chế ô nhiễm nước hồ Tây, tạo điều kiện cho các loài thủy sinh tại hồ sinh trưởng và phát triển tốt.