Công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng tầm nhìn đến năm 2050

Thanh Tiến 09/10/2023 12:02

Sáng 9/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Phấn đấu trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL

Theo Quyết định số 995/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2030 sẽ là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Đồng thời, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng ĐBSCL gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng.

Theo quy hoạch, thời gian tới Sóc Trăng sẽ tổ chức 2 hành lang kinh tế là hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông – Tây.

Hành lang kinh tế Bắc - Nam gồm các tuyến TP.HCM - Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quốc lộ 1) sẽ đảm nhận phần lớn khối lượng hàng hóa liên tỉnh. Tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quản Lộ Phụng Hiệp và tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng (Quốc lộ 91B) sẽ là tuyến thu gom nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, mở rộng cửa ngõ vùng cho cảng biển Trần Đề. Tuyến Sóc Trăng - Bạc Liêu kết nối tỉnh Sóc Trăng với tỉnh Bạc Liêu thông qua tuyến đường bộ ven biển. Quốc lộ 60 kết nối thị xã Ngã Năm, TP Sóc Trăng với các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành, Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) và tỉnh Trà Vinh.

Hành lang kinh tế Đông - Tây gồm các tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây ĐBSCL và Campuchia. Đường tỉnh 937B kết nối thị xã Ngã Năm - huyện Thạnh Trị - huyện Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu. Đường tỉnh 934B sẽ là một trong những trục động lực phát triển của tỉnh, kết nối TP Sóc Trăng với huyện Trần Đề.

Quang cảnh hội nghị.

Cũng theo quy hoạch, Sóc Trăng sẽ tổ chức bốn vùng kinh tế - xã hội là vùng ven biển, vùng ven sông Hậu, vùng nội địa, vùng Cù Lao Dung. Trong đó, vùng ven biển là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của TP Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực, trung tâm phát triển, lan tỏa; phát triển kinh tế vùng ven biển theo hướng tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch - nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển, cảng biển.

Vùng ven sông Hậu là vùng gồm toàn bộ diện tích của huyện Châu Thành, huyện Kế Sách và huyện Long Phú; phát triển kinh tế theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Vùng nội địa là vùng gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Tú và huyện Mỹ Xuyên; phát triển kinh tế theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Vùng này được xem là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Vùng Cù Lao Dung là vùng chỉ có huyện Cù Lao Dung; định hướng phát triển chủ yếu về du lịch kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của tỉnh với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của người dân trong và ngoài tỉnh.

Tiền đề để Sóc Trăng hiện thực hoá khát vọng phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ biểu dương và chúc mừng tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ, định hướng tiền đề để Sóc Trăng hiện thực hoá khát vọng phát triển của mình.

“Mục tiêu quy hoạch của tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, tỉnh phải nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức. Nhất là trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp; kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn; biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai diễn biến khó lường ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội” - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, việc xây dựng, lập Quy hoạch đã khó, việc triển khai còn khó hơn và đòi hỏi phải rất khẩn trương. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sóc Trăng tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công bố quy hoạch tỉnh Sóc Trăng tầm nhìn đến năm 2050

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO