Kinh tế

Cộng hưởng sức mạnh để hút vốn ngoại

H.Hương 05/07/2025 09:41

Môi trường đầu tư tại Việt Nam đã liên tục được cải thiện thông qua cải cách hành chính, hoàn thiện pháp luật, nâng cấp hạ tầng. Nhờ đó, Việt Nam vẫn là địa điểm ưu tiên lựa chọn đầu tư của các tập đoàn quốc tế lớn.

tren.jpg
Việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ tạo nên một không gian phát triển mở rộng, mà còn hình thành một hệ sinh thái kinh tế - xã hội với sự tương hỗ giữa các địa phương. Ảnh: M.H.

Nhà đầu tư vững niềm tin

Ngày 3/7 vừa qua, Công ty Tetra Pak - đơn vị thuộc tập đoàn hàng đầu thế giới đến từ Thụy Điển trong lĩnh vực giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đã khánh thành giai đoạn 2 nhà máy sản xuất bao bì tiệt trùng tại khu công nghiệp VSIP II-A, phường Vĩnh Tân, TPHCM.

Ông Adolfo Orive - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành toàn cầu của Tetra Pak, cho biết: “Việc mở rộng nhà máy tại Việt Nam không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn thể hiện cam kết lâu dài của chúng tôi đối với khu vực. Chúng tôi tin tưởng rằng, thông qua năng lực đổi mới, sản xuất hiện đại và mô hình bền vững, Tetra Pak sẽ tiếp tục đồng hành với sự phát triển của Việt Nam và khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Minh Thạnh cũng nhấn mạnh, việc Tetra Pak tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam là minh chứng sống động cho khả năng gắn kết bền chặt giữa doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và đổi mới công nghệ. Đây cũng là tín hiệu tích cực trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Thụy Điển nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trước đó, trong cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với các DN Anh quốc đang đầu tư tại Việt Nam, đại diện các DN Anh quốc, ông Nitin Kapoor – Phó Chủ tịch khu vực và quốc tế, ngành hàng vaccine và miễn dịch của Tập đoàn AstraZeneca, Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam cũng tái khẳng định cam kết lâu dài của các DN Anh tại Việt Nam: Anh và Việt Nam là hai đối tác mạnh mẽ với tầm nhìn chung một tương lai thịnh vượng, toàn diện và bền vững. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình phát triển sắp tới.

Môi trường đầu tư tại Việt Nam đã liên tục được cải thiện thông qua cải cách hành chính, hoàn thiện pháp luật, nâng cấp hạ tầng. Nhờ đó, Việt Nam vẫn là địa điểm ưu tiên lựa chọn đầu tư của các tập đoàn quốc tế lớn.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn mua cổ phần cũng đều tăng lên cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư trong nước tiếp tục được củng cố, không chỉ đến đầu tư mới mà còn mở rộng quy mô hoạt động hiện hữu.

Hình thành các lợi thế cạnh tranh

Từ ngày 1/7, Việt Nam chính thức có 34 tỉnh/thành phố sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Theo đó, cả nước có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương. Sau sáp nhập, những lợi thế riêng biệt của từng địa phương được tích hợp lại, bổ trợ và bù đắp cho nhau, từ đó triệt tiêu các điểm yếu và cộng hưởng các thế mạnh.

Giới chuyên gia đánh giá sự hợp nhất này tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về nhiều mặt, hình thành những lợi thế cạnh tranh hoàn toàn mới, không chỉ kế thừa mà còn vượt trội hơn trước. Những điểm mạnh từ mỗi địa phương khi được kết nối và hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo thành lực đẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc sáp nhập sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển hạ tầng, không chỉ để kết nối các địa phương, mà còn để tạo nền tảng bền vững cho sự phát triển lâu dài. Đây chính là điểm cộng lớn để nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy, từ đó đưa ra quyết định đầu tư.

Lấy ví dụ về việc sáp nhập TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, điều này không chỉ tạo nên một không gian phát triển mở rộng, mà còn hình thành một hệ sinh thái kinh tế - xã hội với sự tương hỗ rõ rệt giữa các địa phương.

Theo Đính, Bình Dương hiện là trung tâm công nghiệp lớn, nhưng lại đang thiếu hụt các hệ thống dịch vụ tài chính, logistics và nguồn lao động chất lượng cao.

Trong khi đó, TPHCM có đầy đủ các yếu tố: Hệ thống cảng biển, tài chính, logistics phát triển, cùng với nguồn nhân lực chất lượng và nền tảng dịch vụ mạnh.

Nhìn lại bức tranh về thu hút FDI, hiện tại, TPHCM đã hút hơn 59,723 tỷ USD vốn đăng ký, Bình Dương là 42,854 tỷ USD; Đồng Nai là 38,858 tỷ USD; Bà Rịa - Vũng Tàu là 38,187 tỷ USD…

Sau khi sáp nhập, TPHCM có thêm không gian mới để hút vốn ngoại. Đáng chú ý Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, lâu dài, bền vững; triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng nhân lực và "bộ tứ trụ cột" về phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập quốc tế xây dựng và thực thi pháp luật; triển khai cuộc cách mạng tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, các khu thương mại tự do…

Giới chuyên gia đánh giá, cơ quan quản lý đang quyết tâm cải cách sâu rộng ở nhiều khâu, từ chính sách thuế, thủ tục hải quan đến các quy trình đầu tư. Mục tiêu là nâng cao hiệu suất, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cộng hưởng sức mạnh để hút vốn ngoại