Đi giữa phố phường Hà Nội đông đúc và nhộn nhịp, đôi lúc người ta như chững lại khi bắt gặp những cổng làng. Có cổng làng đã tồn tại hàng trăm năm, mang trong mình bao giá trị văn hóa, kiến trúc giống như một nhân chứng kể lại cho các thế hệ về lịch sử, văn hóa, bản sắc của từng cộng đồng dân cư. Thế nhưng, người ta lo ngại khi những cổng làng như thế cứ ngày một mất dần...
Hà Nội hiện nay là đô thị sầm uất với những tòa cao ốc san sát và các khu phố hiện đại. Giữa nhịp sống hối hả ấy, vẫn còn đó những cánh cổng làng đượm dấu thời gian...
Cổng làng không chỉ là lối ra vào
Phố Thụy Khuê chạy dọc theo bờ nam hồ Tây (Hà Nội) từng là nơi tập trung nhiều làng cổ ven hồ. Hiện nơi đây vẫn còn những cổng làng đứng trầm mặc giữa phố thị ồn ào. Nằm liền kề nhau dọc theo trục phố Thụy Khuê là các làng Yên Thái, An Tho, Đông Xã, Hồ Khẩu. Từ ngày xưa, dân làng nơi đây đã đặt cho những cổng làng bằng tên gọi thân thuộc mà ngắn gọn như cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh…
Người dân nơi đây cũng không ai rõ những chiếc cổng này có tự bao giờ, chỉ biết rằng sinh ra cổng làng đã đứng đó và tồn tại đến ngày nay. Mỗi cổng làng mang một dáng vẻ riêng, từ kích thước đến kiến trúc riêng không thể hòa lẫn.
Điển hình như cổng làng Yên Thái, nay là ngõ 562 Thụy Khuê. Cổng có kết cấu như một gian nhà lớn. Theo lời các cụ trong làng kể lại, xưa kia Yên Thái vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Ngay trước cổng làng là một giếng nước to, gọi là Long Tỉnh. Vì vậy cổng làng Yên Thái còn có một tên khác gọi là cổng Giếng. Trước đây làng Yên Thái có mấy cổng, ngoài cổng chính của làng là cổng Giếng, còn có hai cổng phụ là cổng Hầu, cổng Xanh.
Cũng nằm ngay trên con phố Thụy Khuê, cổng làng Đông Xã là một trong những cổng làng hiếm hoi còn giữ được nét nguyên bản. Không xa cổng làng Đông Xã là cổng làng Hồ Khẩu hay còn được gọi là cổng Cái có diện tích lớn nhất so với các cổng khác trên con phố Thuỵ Khuê.
Theo các chuyên gia văn hóa, cổng làng không chỉ đơn thuần là một lối ra vào mà còn là nơi ghi dấu những kỷ niệm, câu chuyện của bao thế hệ. Trước kia, mỗi khi có ai đi xa trở về, bước qua cổng làng là chạm vào ký ức, là trở lại với không gian thân thuộc của quê nhà. Cổng làng còn là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, là ranh giới phân định giữa không gian bên trong làng và bên ngoài phố thị.
Quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian xung quanh, những cánh cổng cổ giờ đây nằm lọt thỏm giữa nhà cửa, đường sá, mất đi phần nào dáng vẻ uy nghiêm. Tuy nhiên, với những bậc cao niên, cổng làng vẫn là một phần của ký ức, một biểu tượng thiêng liêng không thể thay thế.
Mặc dù ngoài kia phố nhộn nhịp, nhưng sau cổng làng, cuộc sống tại đây vẫn diễn ra bình lặng mỗi ngày. Ông Nguyễn Hữu Quyết (73 tuổi), một người dân làng Yên Thái tự hào khi kể về lịch sử truyền thống của làng mình và sự tồn tại của cổng làng cổ kính rêu phong giữa lòng phố thị tấp nập.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Thời gian khiến cho nhiều thứ thay đổi nhưng nét xưa của làng vẫn còn đó. Bên ngoài, phố xá ngày càng sầm uất, nhà cao tầng mọc san sát, nhưng sau cánh cổng làng nhỏ bé này, mọi thứ vẫn bình yên, dung dị. Dẫu một số công trình đã được trùng tu theo thời gian, nhưng làng vẫn giữ được gần như nguyên vẹn dáng dấp xưa. Cổng làng nhỏ, ô tô không thể đi qua, đôi lúc có chút bất tiện, nhưng với chúng tôi, đó là một phần không thể thiếu của ký ức, của hồn làng. Người trong làng phần lớn là những ai đã sinh ra và lớn lên tại đây, vẫn gắn bó với nếp sống truyền thống, giữ gìn tình nghĩa xóm giềng” - ông Quyết chia sẻ.
Là một người trẻ, sinh ra và lớn lên trên vùng đất Thụy Khuê, anh Phùng Đức Phú (46 tuổi), vẫn giữ nguyên ký ức về những cánh cổng làng từ thuở ấu thơ. "Chúng tôi đã quen với nhịp sống gắn liền với cổng làng. Đối với người dân nơi đây, cổng làng không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm. Đó là điểm khởi đầu của những hành trình và cũng là nơi mà ai đi xa cũng luôn mong mỏi tìm về. Giữa nhịp sống hối hả ngoài kia, phía sau cánh cổng làng, cuộc sống vẫn giữ được sự yên bình, không xô bồ, không vội vã. Những sinh hoạt đời thường vẫn mang hơi thở của làng quê, tạo nên một nét riêng giữa lòng phố thị" - anh Phú chia sẻ.
Cần ứng xử như di sản để bảo vệ
Bên cạnh những cổng làng đặc biệt trên tuyến phố Thụy Khuê vẫn còn hàng trăm cổng làng khác mang trong mình dấu ấn lịch sử, giá trị văn hóa và bản sắc riêng. Như cổng làng Yên Phụ (quận Tây Hồ), cổng làng Đại Từ (quận Hoàng Mai), cổng làng Trung Tự (quận Đống Đa), hay cổng làng Vòng (quận Cầu Giấy)...
Dù được xây dựng với những kiến trúc khác nhau nhưng mỗi cổng làng đều toát lên vẻ trang nghiêm mà vẫn gần gũi, thân thuộc. Sự hiện diện của chúng giữa những công trình hiện đại không chỉ là dấu ấn của lịch sử mà còn thể hiện vị thế, tinh thần của cộng đồng dân cư. Với những ai sinh sống bên trong cánh cổng làng, đó không chỉ là lối đi quen thuộc mà còn là biểu tượng của sự gắn kết, của những giá trị truyền thống vẫn trường tồn theo thời gian.
TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa cho rằng, giữa dòng chảy đô thị hóa, cổng làng Hà Nội vẫn giữ vai trò quan trọng. “Không chỉ là ranh giới địa lý, cổng làng còn gắn kết cộng đồng, nhắc nhở con cháu về cội nguồn. Với kiến trúc cổ kính, mái ngói, tường gạch và đôi câu đối, cổng làng tạo dấu ấn riêng giữa những công trình hiện đại. Dù có đô thị hóa, cổng làng vẫn là niềm tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết và gìn giữ cội nguồn” - ông Long nói.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, hiện nay Hà Nội vẫn còn khá nhiều cổng làng được xây dựng từ thế kỷ 18-19. Đây không chỉ là dấu ấn văn hóa của làng quê xưa mà còn mang đậm giá trị lịch sử. Mỗi cổng làng đều có nét đặc trưng riêng. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, việc gìn giữ những cổng làng trở nên vô cùng quan trọng.
“Một thực tế đang diễn ra là nhiều ngôi làng khi trở thành phố phường đều phải mở rộng đường sá để đáp ứng nhu cầu giao thông, trong khi cổng làng cũ lại khá hẹp. Nếu giữ nguyên, việc di chuyển trở nên khó khăn; nếu phá bỏ, lại đánh mất một phần di sản quý giá. Do đó, trong quy hoạch đô thị, đặc biệt tại những khu vực làng lên phố, cần có giải pháp hợp lý để bảo tồn cổng làng. Bởi cổng làng không chỉ là một công trình kiến trúc mà còn gắn liền với phong tục, tập quán, nếp sống - những giá trị văn hóa cần được trân trọng và bảo vệ” - ông Tiến bày tỏ.
Còn theo TS Phạm Việt Long, để bảo tồn cổng làng trước sức ép hiện đại hóa, chúng ta cần có sự kết hợp giữa bảo tồn nguyên trạng và cải tạo phù hợp với bối cảnh đô thị. Trước tiên, cần có các chính sách quy hoạch hợp lý, giữ gìn và trùng tu cổng làng dựa trên giá trị nguyên bản, tránh việc phá bỏ hoặc xây mới một cách tùy tiện làm mất đi nét đặc trưng vốn có.
Bên cạnh việc bảo tồn, có thể áp dụng những giải pháp kiến trúc sáng tạo để cổng làng vừa giữ được nét truyền thống vừa hài hòa với nhịp sống đô thị. Chẳng hạn, một số cổng làng có thể được bảo dưỡng và chỉnh trang, kết hợp với hệ thống chiếu sáng nghệ thuật hoặc thiết kế cảnh quan xung quanh để tạo điểm nhấn văn hóa, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử của người dân và du khách.
Đồng quan điểm, KTS Ngô Doãn Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định giá trị của cổng làng đối với văn hóa trong sự phát triển đô thị ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Chính vì vậy, việc bảo tồn là điều hết sức cần thiết. Mặc dù những cổng làng trong lòng phố to, nhỏ có kích thước và kiến trúc khác nhau nhưng hội tụ rất nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử.
(còn nữa)
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, cổng làng trên địa bàn quận là những dấu tích cổ kính, mang giá trị lịch sử và văn hóa, do đó cần được tôn tạo và bảo tồn. Nhận thức rõ ý nghĩa của cổng làng, UBND quận Tây Hồ đã tiến hành khảo sát để xây dựng dự án bảo tồn các cổng làng trong khu vực. Trên cơ sở khảo sát, các nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa và các bậc cao niên trong làng sẽ cùng đóng góp ý kiến nhằm đưa ra phương án bảo tồn phù hợp. Dựa trên những ý kiến này, quận sẽ triển khai thiết kế và kế hoạch bảo tồn trong thời gian tới. Dự kiến, dự án sẽ được khởi động vào quý IV năm nay.