Công nghệ

Công nghệ bán dẫn là nền tảng để phát triển công nghệ số

Ngọc Bích 06/12/2023 21:36

Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề "Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam" đã làm rõ vị trí quan trọng của công nghệ bán dẫn trong quá trình hội nhập, qua đó đề ra giải pháp phát triển ngành trong thời gian tới.

Ngày 6/12/2023, Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề "Khoa học công nghệ thúc đẩy thịnh vượng - Cơ hội cho Việt Nam" do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra tại Hà Nội.

Trong buổi trao đổi, ông Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo kinh tế của CIEM đã nêu khái quát tình hình kinh tế Việt Nam, đồng thời nêu triển vọng của công nghệ bán dẫn trong quá trình phát triển.

dsc06677.jpg
Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam 2023 được tổ chức vào ngày 6/12.

Về thực trạng nền kinh tế nước ta hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thọ đánh giá, một số chỉ báo kinh tế vĩ mô đang đi theo chiều hướng tích cực với mức đầu tư công trong 11 tháng đạt 461 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ; vốn đăng ký FDI đạt 28,8 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 20,2 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm trở lại đây và kiểm soát tốt lạm phát.

dsc06409.jpg
Ông Nguyễn Hữu Thọ trình bày báo cáo "Tổng quan kinh tế Việt Nam 2023".

Tuy nhiên, một số khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cần phải kể đến bao gồm sự trầm lắng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản liên tục gặp "sóng gió", thị trường điện còn thiếu nguồn cung cục bộ theo vùng và điện sạch chưa được chú trọng.

Công nghệ bán dẫn đang trong giai đoạn bắt đầu

Theo ông Thọ, để phát triển kinh tế bền vững, việc ứng dụng khoa học và công nghệ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Phát triển công nghệ cao là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế nước ta.

Hiện nay, khoa học và công nghệ thuộc diện được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất về các loại thuế, phí. Thậm chí, lĩnh vực này còn được hỗ trợ thêm về hạ tầng, đào tạo, tín dụng. Trong đó, phát triển công nghệ bán dẫn ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

screenshot-2023-12-06-191924.png
Tỷ trọng số lượng và VA của doanh nghiệp công nghệ bán dẫn trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Nguồn: Báo cáo Tổng quan kinh tế Việt Nam 2023.

Trong năm 2021, có 0,13% tổng số doanh nghiệp tham gia vào công nghệ bán dẫn và đóng góp 3% tổng VA (giá trị gia tăng). Với kết quả này, tỷ trọng trong VA của doanh nghiệp có tham gia vào công nghệ bán dẫn đã tăng 2,04% kể từ năm 2011.

Về thực trạng ngành bán dẫn ở Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng viện Công nghệ thông tin (IoIT), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, ngành bán dẫn ở Việt Nam mới chỉ đang bắt đầu, năng lực trong ngành còn rất hạn chế. Tuy nhiên, nhu cầu về công nghệ bán dẫn đang ngày càng tăng lên do các nước phương Tây đang cấm vận Trung Quốc, trong khi đó, Trung Quốc là quốc gia hàng đầu ở lĩnh vực này.

dsc06464.jpg
PGS. TS Nguyễn Trường Thắng - Viện trưởng viện Công nghệ thông tin (IoIT), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ông Thắng cho rằng, bất kì một thiết bị hay chương trình thông minh nào cũng đều cần đến bán dẫn. Trong lâu dài, Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn để tự chủ về bán dẫn, tránh phụ thuộc vào nước ngoài.

Về nguồn lực, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm (loại đất sản xuất chất bán dẫn) lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu thô, chưa ứng dụng công nghệ để chế biến và gây lãng phí tài nguyên. Trong tương lai, việc ứng dụng khoa học để chế biến đất hiếm, sản xuất chất bán dẫn cho máy móc sẽ đem lại giá trị kinh tế cao hơn so với việc khai thác và xuất khẩu.

Tuy nhiên, ngành bán dẫn là lĩnh vực đòi hỏi lớn về yếu tố sáng tạo, hàm lượng kiến thức và chi phí đầu tư cao. Trong số các lựa chọn về ngành bán dẫn, điện tử dân dụng được cho là khả quan nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại với mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng.

Xe điện là sản phẩm tiêu biểu của ngành bán dẫn

Thời gian gần đây, xe điện ngày càng nhận được sự quan tâm từ các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Được biết, xe điện hoạt động dựa trên pin lithium - một loại pin được sản xuất từ nguyên liệu đất hiếm (đất tạo ra chất bán dẫn).

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Thắng cho biết, ngành xe điện Việt Nam đã qua giai đoạn "nóng" về truyền thông bởi các nhà sản xuất đang dần ưu tiên năng lượng sạch. Tuy nhiên, ngành xe điện đang có sự cạnh tranh lớn về công nghệ. Trước đây, các hãng xe điện chủ yếu sử dụng pin lithium để sản xuất, nhưng hiện tại một số doanh nghiệp đã dần chuyển sang công nghệ hydro để tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng nhận định, việc cạnh tranh công nghệ giữa các hãng xe để lại rủi ro cao bởi khó có thể dự đoán được hướng đi của thị trường trong nhiều năm tới.

screenshot-2023-12-06-193018.png
Ba quốc gia tiêu thụ xe điện nhiều nhất là Mỹ, Trung Quốc và Đức. Nguồn: Báo cáo "Đòn bẩy chủ yếu cho Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 5,5-6,5% trong năm 2024, tăng cường đầu tư cho công nghệ bán dẫn được đánh giá là xu thế tất yếu. Tại diễn đàn, PGS. TS Nguyễn Trường Thắng cho rằng, Việt Nam cần nuôi dưỡng và hoàn thiện hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về phía Chính phủ, cần ban hành những chính sách, khung quy định mở và quy chế thử nghiệm về công nghệ bán dẫn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn công nghệ hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển của nước ta cũng không kém phần quan trọng.

Về phía nguồn cung, lực lượng lao động cần được đào tạo bài bản, có trình độ cao, thường xuyên bồi dưỡng tay nghề, mở rộng hoạt động nghiên cứu trong sản xuất. Ngoài ra, việc hợp tác với quốc tế cũng góp phần thúc đẩy công nghệ bán dẫn phát triển, theo kịp xu hướng kinh tế toàn cầu.

Về phía cầu, các công ty, doanh nghiệp cần có tính cạnh tranh và sáng tạo hơn, chú trọng đầu tư vào công nghệ bán dẫn, thậm chí có thể sáp nhập và mua lại (M&A) nếu cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghệ bán dẫn là nền tảng để phát triển công nghệ số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO