Nhiều loại khoáng sản của Việt Nam ngày càng vơi dần do chính sách khai thác và quản lý, đặc biệt, công nghệ khai thác kém cũng là một phần của nguyên nhân cạn kiệt tài nguyên, trong đó có tài nguyên than – một trong những loại khoáng sản “trời phú” cho Việt Nam. Một số liệu thống kê cho biết, nguồn than đá của nước ta chỉ còn đủ để khai thác trong khoảng 156 năm nữa.
Than đá ở Việt Nam được dự báo có thể khai thác trong vòng 156 năm nữa là cạn kiệt. Cùng với than, nhiều loại tài nguyên khoáng sản của nước ta cũng đang ngày càng trở nên vơi đi do chúng ta đang tập trung vào khai thác và xuất khẩu thô, thiếu chế biến sâu, công nghệ khai thác kém, và bên cạnh đó, một yếu tố nữa là bất cập trong vấn đề quản lý khai thác tài nguyên cũng đang khiến cho một đất nước vốn giàu tài nguyên khoáng sản như Việt Nam đang ngày càng trở nên cạn kiệt.
Nói như TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam sắp hết một số loại khoáng sản là do chúng ta duy trì trong một thời gian dài chính sách khai thác và quản lý khai thác tài nguyên gây lãng phí, thiếu hiệu quả, ít chế biến sâu và bán giá rẻ. Sự thiếu hiệu quả và lãng phí ấy đang làm khánh kiệt tài nguyên khoáng sản quý giá của đất nước.
Dù nghiên cứu của các nhà khoa học nhận định rằng, nguồn than của nước ta đang dần cạn kiệt, thế nhưng tại buổi công bố Quy hoạch ngành than đến năm 2020, có xét tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ý kiến của các nhà chức trách cho rằng, nguồn than của nước ta vẫn còn rất giàu tiềm năng, có thể khai thác được thêm vài trăm năm nữa với sản lượng khai thác không hề nhỏ.
Cụ thể, theo ông Lê Văn Duẩn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin, hiện Việt Nam đã khai thác được xuống độ sâu dưới hơn 300 mét, và chủ yếu khai thác ở bể than Đông Bắc. Bể than Sông Hồng là bể than lớn nhất, giàu tiềm năng nhất với trữ lượng than lên đến vài chục tỷ tấn, riêng dải Khoái Châu – Tiền Hải dự tính sẽ khai thác khoảng 42 tỷ tấn. Tuy nhiên, hiện việc khai thác bể than Sông Hồng vẫn đang ở dạng quy hoạch. “Nếu khai thác bể than Sông Hồng, lượng than ở đây sẽ cho chúng ta khai thác thêm vài trăm năm nữa” – ông Duẩn nhấn mạnh.
Mặc dù dự báo khả năng khai thác than tại bể sông Hồng lớn như vậy, song ông Duẩn cũng thừa nhận, công nghệ khai thác than của ta vẫn còn yếu, chưa phục vụ được cho việc khai thác, chế biến sâu, do đó, tất cả vẫn chỉ ở dạng tiềm năng.
Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành trong trong năm 2016 này vào khoảng 41-44 triệu tấn. Con số này đến năm 2020 sẽ vào khoảng 47-50 triệu tấn, 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và đến năm 2030, sản lượng than khai thác dự báo khoảng 55-57 triệu tấn.
Mặc dù, sản lượng than sản xuất trong nước khoảng 40 triệu tấn /năm, nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), sản lượng này vẫn thiếu hụt so với nhu cầu sản xuất, đặc biệt là sản xuất than cho điện. Chính vì vậy khả năng sẽ phải nhập khẩu một lượng lớn than cho điện.
Giới chuyên gia trong ngành đánh giá, thời gian qua, ngành than sử dụng công nghệ khai thác lạc hậu, chủ yếu là thiết bị, cầu cảng thủ công, bán cơ giới nên năng suất khai thác rất kém. Bằng chứng là, ngành than được Chính phủ giao xây dựng 48 mỏ than mới từ cách đây nửa thập kỷ (năm 2011), thế nhưng do chúng ta bị hạn chế về công nghệ khai thác dẫn đến mục tiêu xây dựng số mỏ than nói trên là không thực hiện được.
Nguy cơ cạn kiệt than ở nước ta là rất lớn nếu chúng ta vẫn duy trì công nghệ khai thác như hiện nay. Do đó, đổi mới công nghệ khai thác để nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu đặt ra đầu tiên đối với ngành than hiện nay.