Du lịch

Công nghệ thúc đẩy du lịch

Phạm Sỹ 12/04/2025 10:30

Công nghệ số đang làm thay đổi cách con người trải nghiệm du lịch. Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành du lịch đang tận dụng tối đa các thành tựu công nghệ với nhiều ứng dụng, giải pháp công nghệ được đưa vào để nâng cao sức cạnh tranh. Tuy nhiên, một trong những rào cản trong quá trình ứng dụng công nghệ số vẫn là vấn đề bảo mật thông tin...

Nhiều thuận tiện

Với tiềm năng du lịch phong phú, Việt Nam đang nỗ lực ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm du khách và tăng cường hiệu quả kinh doanh. Mô hình "du lịch thông minh", giúp kết nối giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - du khách. Tại Đà Nẵng, Huế, TPHCM, du lịch thông minh đang được triển khai mạnh mẽ với: Wifi công cộng miễn phí, hệ thống bản đồ số tương tác, camera giao thông, hệ thống cảnh báo...

Anh cv
Ứng dụng công nghệ giúp du khách nâng cao trải nghiệm thực tế tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh

Các ứng dụng như Vietnam Travel, Izi.Travel... hay các app của địa phương (Hội An Smart Tourism, Đà Nẵng Fantasticity...) cung cấp thông tin, gợi ý lịch trình, đặt vé, đặt phòng, review địa điểm... giúp du khách chủ động và thuận tiện hơn trong hành trình. Điểm khác biệt mấu chốt so với du lịch truyền thống chính là du lịch công nghệ chú trọng đến lợi ích của du khách nhưng có thể đảm bảo được chi phí thấp nhất với sự tiện lợi tối đa.

Hiện các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được số hóa thông tin bằng ứng dụng QR code. Người dân và du khách chỉ cần dùng điện thoại, thiết bị thông minh quét mã QR là có thể tìm hiểu lịch trình tour, thông tin điểm đến, thông tin khách sạn, hãng lữ hành… Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được ngành đẩy mạnh trên cơ sở tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số. Hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D…

Hay như Sở Du lịch Đà Nẵng đã triển khai thử nghiệm hệ thống giám sát du lịch thông minh, lắp đặt 26 camera tại ba điểm du lịch nổi bật: chùa Linh Ứng Sơn Trà, Bảo tàng Đà Nẵng và Ngũ Hành Sơn. Hệ thống có khả năng nhận diện hơn 40.000 hướng dẫn viên, cảnh báo rác thải, bán hàng rong và đếm khách tham quan.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương khác như Ninh Bình, Hà Giang, Khánh Hòa, Nam Định… cũng tích cực triển khai việc quảng bá hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, giúp lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh về các điểm đến văn hóa một cách tích cực.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để nâng cao trải nghiệm du khách, như hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) tái hiện không gian học tập, thi cử của Nho sĩ xưa. Du khách cũng có thể quét mã QR để xem mô hình 3D bia tiến sĩ và thông tin về các danh nhân. Việc áp dụng vé điện tử và thanh toán không tiền mặt giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao tiện ích, góp phần hiện đại hóa di tích và thu hút du khách hơn.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp về vấn đề ứng dụng công nghệ, ông Lê Công Năng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP du lịch quốc tế WonderTour cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch không chỉ là một xu hướng mà còn trở thành một yếu tố cấp thiết để tồn tại và phát triển.

“Công nghệ số không chỉ giúp tự động hóa các quy trình đặt chỗ, thanh toán mà còn cho phép cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Chúng ta có thể tạo ra các gói dịch vụ phù hợp hơn bao giờ hết, đáp ứng đúng nhu cầu và sở thích của từng du khách. Lợi ích đáng kể từ việc cá nhân hóa này chính là khả năng tăng cường sự hài lòng và giữ chân khách hàng lâu dài” - ông Năng nói.

DU LICHảnh 2
Du khách trải nghiệm sản phẩm công nghệ kính thực tế ảo tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: P. Sỹ

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, công nghệ số đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Trước khi lựa chọn điểm đến và các dịch vụ liên quan, du khách thường xuyên sử dụng các nguồn dữ liệu từ công nghệ thông minh để tra cứu, từ đó đưa ra quyết định phù hợp.

Lo ngại bảo mật thông tin

Mặc dù có được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng du lịch Việt Nam vẫn đối mặt với một số thách thức. Hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ. Khả năng tiếp cận công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ cũng còn hạn chế, nhiều cơ sở lưu trú, dịch vụ vẫn chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào các giải pháp công nghệ mới.

Ngoài ra, vấn đề bảo mật thông tin cũng là một trở ngại khi không ít du khách lo ngại về an toàn dữ liệu cá nhân khi sử dụng các ứng dụng du lịch số.

PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng ngành du lịch hiện nay đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình ứng dụng công nghệ số. Trước hết, sự thay đổi liên tục của công nghệ khiến nhiều doanh nghiệp và nhà quản lý khó theo kịp, dẫn đến chậm thích ứng. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào công nghệ đòi hỏi chi phí và nguồn lực lớn, trong khi không phải địa phương hay doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện đáp ứng.

Ông Long cũng nhấn mạnh rằng, nhận thức hạn chế về vai trò của công nghệ số và thiếu hụt nhân lực có chuyên môn là những yếu tố cản trở quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Từ thực trạng đó, PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, để tháo gỡ các rào cản và khai thác hiệu quả tiềm năng mà công nghệ mang lại, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía trong hệ sinh thái du lịch. Không chỉ chính quyền và doanh nghiệp, mà cả người dân và du khách cũng cần vào cuộc. Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng chuyển đổi số, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại số hóa.

Cùng quan điểm, ông Lê Công Năng cho rằng, bên cạnh khó khăn về hạ tầng, nguồn nhân lực…thì việc ứng dụng công nghệ cao vào quản lý dữ liệu khách hàng cũng vô hình chung đặt ra mối lo ngại về việc bảo mật thông tin cá nhân. Nếu không có các biện pháp bảo vệ dữ liệu phù hợp, doanh nghiệp có thể đối mặt với những rủi ro đáng kể, dẫn đến mất lòng tin từ phía khách hàng.

Vì vậy, theo ông Năng, để khắc phục những hạn chế này, cần có giải pháp đồng bộ từ cả phía doanh nghiệp và chính quyền. Doanh nghiệp du lịch nên chủ động đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho nhân viên tiếp cận với các công nghệ mới và kỹ năng số.

“Một trong những điểm đáng lưu ý là ứng dụng công nghệ AI vào quy trình vận hành. AI có thể giúp tối ưu hóa quy trình dịch vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm, tuy nhiên, vai trò này vẫn cần phải đi đôi với việc đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng” - ông Năng nhấn mạnh.

Nâng cao trải nghiệm cho du khách

PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch – cho rằng việc ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch đã góp phần tạo dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển.

DU LICHảnh 6 PGS.TS Phạm Trung Lương

Ở từng sản phẩm cụ thể, công nghệ số giúp làm phong phú hơn trải nghiệm của khách tham quan. Tuy nhiên, việc ứng dụng này vẫn còn giới hạn ở một số địa phương và điểm đến có điều kiện triển khai tốt, trong khi phần lớn các địa phương khác vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ở giai đoạn hiện tại, ứng dụng công nghệ trong du lịch vẫn đang trong bước đầu thử nghiệm, các công nghệ hiện đại vẫn chưa được khai thác một cách rộng rãi và hiệu quả. Vì vậy, cần có sự đầu tư nghiêm túc vào công tác nghiên cứu nhằm tìm ra những giải pháp công nghệ phù hợp và hiệu quả nhất.

Nguồn nhân lực cũng là yếu tố quyết định trong việc ứng dụng công nghệ để thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, đặc biệt là đội ngũ xây dựng sản phẩm tại các doanh nghiệp lữ hành. Trong quá trình thiết kế sản phẩm, việc tích hợp công nghệ cần được thực hiện một cách sáng tạo và hợp lý. Đội ngũ này không chỉ cần trình độ chuyên môn và hiểu biết về công nghệ, mà còn cần có đam mê nghiên cứu, đổi mới, để biết cách áp dụng công nghệ vào từng khâu cụ thể một cách hiệu quả nhất.

Ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu

Ông Lại Quốc Tĩnh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang, nhận định rằng trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ số gần như là điều kiện bắt buộc để thích ứng và tồn tại, nếu không muốn bị tụt lại phía sau.

DU LICHảnh 7 Lại Quốc Tĩnh

Tại Hà Giang, nhiều đơn vị đã chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng quá trình chuyển đổi số và các nền tảng công nghệ để đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến cũng như sản phẩm du lịch địa phương. Nhờ đó, hình ảnh về con người và vùng đất Hà Giang đã được lan tỏa rộng rãi đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Thực tế cho thấy, phần lớn du khách tìm đến Hà Giang đều bắt nguồn từ việc tiếp cận thông tin trên các website, mạng xã hội… Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc đưa sản phẩm và hình ảnh du lịch lên các nền tảng số.

Trong những năm gần đây, lượng du khách đến với Hà Giang không ngừng tăng lên, đồng thời tình cảm dành cho mảnh đất này cũng ngày càng được củng cố. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại Hà Giang đã áp dụng các phần mềm chuyên dụng để quản lý sản phẩm, điều hành hoạt động – từ đó giúp tiết kiệm nhân lực, kiểm soát doanh thu theo ngày, theo mùa, và đưa ra các điều chỉnh kịp thời, hợp lý.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số hiện nay là vấn đề nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, Hà Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ một cách sâu rộng và toàn diện hơn, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công nghệ thúc đẩy du lịch