Đó là khẳng định của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi nói đến Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội.
PV:Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết này?
PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: Tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Hà Nội trong việc ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, từ đó giúp cho văn hoá của Thăng Long-Hà Nội tỏa sáng, tạo điều kiện cho sự phát triển của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung, đồng thời cũng sẽ có tác động tích cực trong việc xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch trong thời gian sắp tới.
Việc Hà Nội ban hành Nghị quyết về phát triển văn hóa không chỉ là tin vui đối với những người yêu văn hóa Hà Nội mà còn cả đối với những người yêu văn hóa Việt Nam.
Đây chính là một hành động quan trọng nhằm đáp ứng kỳ vọng của những người yêu văn hóa Hà Nội để làm sao sử dụng nguồn lực văn hóa, sáng tạo to lớn và phong phú của Hà Nội phát triển Thủ đô trong thời gian tới, nhất là khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới “Các thành phố sáng tạo của UNESCO” ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Theo ông, Hà Nội có lợi thế gì để hiện thực hóa những mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra?
- So sánh với các địa phương khác trong cả nước, Hà Nội có rất nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước, thậm chí là cả khu vực. Phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo thường tập trung vào ít nhất 3 khâu đột phá. Thứ nhất là tài năng sáng tạo; thứ hai là các tổ chức nghệ thuật; và thứ ba là tạo lập các không gian sáng tạo cho các nghệ sĩ, các mạng lưới, tổ hợp, trung tâm sáng tạo.
Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước tức là có một tiềm năng to lớn về sáng tạo. Nhiều trường văn hóa - nghệ thuật đã có những thương hiệu, dấu ấn riêng của mình, những tên tuổi của các nghệ sĩ với những bộ phim, bài hát, dòng tranh riêng cho Hà Nội, chưa kể khoảng 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu tạo ra những sản phẩm độc đáo của riêng Hà Nội.
Thương hiệu thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo của UNESCO với hệ thống các di sản văn hóa công nhận ở cấp quốc gia và quốc tế, phố cổ, hệ thống các đình, đền, chùa, làng cổ... Những không gian sáng tạo được thử nghiệm hay một số chương trình nghệ thuật, sáng tạo dưới sự hỗ trợ của đại sứ quán một số nước tại Việt Nam như Đức, Pháp, Anh… đã giúp tạo ra những môi trường sáng tạo cho thành phố.
Nếu được tạo điều kiện, nuôi dưỡng và khuyến khích phát triển, những mô hình trên sẽ được nhân rộng và trở thành điểm nhấn cho công nghiệp văn hóa - sáng tạo ở Thủ đô.
Theo ông, để thực hiện mục tiêu, những vấn đề nào mà Hà Nội cần ưu tiên quan tâm?
- Theo tôi, bên cạnh nhận thức ngày càng đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển thủ đô, đặc biệt thể hiện qua Nghị quyết 09 của Thành ủy, Hà Nội nên ưu tiên quan tâm đến một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần thực hiện tốt Kế hoạch hành động để Hà Nội triển khai sau khi đạt được danh hiệu thành phố sáng tạo, đặc biệt với những cam kết ở 3 dự án ở cấp độ địa phương gồm thành lập Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội, xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội và Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội; 3 dự án cấp độ quốc tế gồm Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội và Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.
Thứ hai, cần có những chính sách tốt để hình thành nên môi trường hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh sáng tạo có quy mô nhỏ. Sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ sẽ tạo ra sự thịnh vượng cho cả thành phố.
Thứ ba, việc tổ chức các sự kiện quy mô quốc gia và quốc tế để phát triển văn hóa, du lịch cũng có ích đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội.
Thứ tư, mỗi địa phương có những tiềm năng, lợi thế văn hóa, sáng tạo riêng của mình. Tất cả có thể là những chất liệu, những câu chuyện để những doanh nghiệp sáng tạo có thể tạo ra những sản phẩm riêng, độc đáo cho mình. Từ đó, tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương.
Thứ năm, xây dựng các thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa Hà Nội là một việc làm cần thiết. Để làm được điều này, Hà Nội cần có một chiến lược lựa chọn và phát triển thương hiệu. Từ di sản văn hóa, ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống đến các ngành công nghiệp giải trí mới…
Trân trọng cảm ơn ông!