Tại Hội nghị Liên tịch thường niên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các đại biểu tham dự đã cùng thảo luận để nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa hai bên đối với hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; hoạt động giám sát và công tác xây dựng pháp luật.
Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội phải thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, công khai nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và khơi dậy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của cử tri để nâng cao chất lượng, thực chất trong các cuộc tiếp xúc cử tri.
“Tiếp xúc cử tri trước mỗi kỳ họp, đại biểu Quốc hội phải chủ động khơi dậy ý kiến của cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với các chính sách pháp luật hiện hành mà trong kỳ họp Quốc hội sẽ thảo luận; đồng thời ít nhất mỗi năm một lần, đại biểu Quốc hội phải báo cáo việc thực hiện chương trình hành động đã hứa trước cử tri trong thời gian đi vận động bầu cử trước đây. Việc làm này sẽ gắn kết vai trò quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri và ngược lại”, ông Đỗ Duy Thường nêu ý kiến.
Cũng theo ông Đỗ Duy Thường, để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói chung, trong đó có việc tiếp xúc cử tri, cần bổ sung cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam trong công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Cùng với đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng phải có cơ chế đôn đốc, giám sát việc trả lời kiến nghị, như vậy mới đánh giá được kết quả, hiệu quả, thực chất của công tác này.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ, trong thời gian qua, Quốc hội và MTTQ Việt Nam đã kế thừa những kinh nghiệm của thế hệ đi trước và phát huy những sáng kiến đó trong hoàn cảnh mới.
Trong đó, MTTQ Việt Nam thực hiện khẩu hiệu “Đâu dân cần Mặt trận có, đâu dân khó có Mặt trận”, cán bộ Mặt trận ở các cấp “lăn xả” cùng nhân dân để lo cuộc sống cho dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đổi mới phương thức làm việc, nhiều quyết sách của Quốc hội chưa từng có đã tạo điều kiện cho Nhà nước có những quyết định kịp thời giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay.
Đề cập đến thực tế từ khi Luật MTTQ Việt Nam ra đời, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam không ngừng mở rộng và trách nhiệm nặng nề hơn, tuy nhiên bộ máy tổ chức của Mặt trận vẫn không có sự thay đổi và ông Nguyễn Túc đề nghị Quốc hội cần ủng hộ cho Mặt trận có bộ máy tương xứng với chức năng, nhiệm vụ hiện nay.
Nhấn mạnh trí tuệ Mặt trận là trí tuệ của toàn dân, trong đó có sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong các Hội đồng tư vấn, vừa chuyên sâu lý luận, vừa có kinh nghiệm thực tiễn, ông Nguyễn Túc cho rằng cần có thêm chính sách để các thành viên Hội đồng tư vấn có thêm điều kiện để phát huy tốt hơn vai trò của mình.
Trong quá trình phối hợp, hai cơ quan đã có nhiều sự tiến bộ được nhân dân ghi nhận, đặc biệt là tinh thần đấu tranh, phản biện trong các phiên họp của Quốc hội được nhân dân hết sức đồng tình.
Vì vậy, ông Nguyễn Túc mong muốn, trong năm tới, hoạt động này sẽ càng tiến bộ hơn, thực hiện được khẩu hiệu của Đại hội XIII đề ra “MTTQ Việt Nam là nòng cốt chính trị để thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc”, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tất cả vì tự do và hạnh phúc của nhân dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao nội dung công tác phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2021. Những kết quả đạt được đã góp phần thiết thực vào thành công chung của đất nước, trong đó MTTQ Việt Nam đã đẩy mạnh huy động nguồn lực để chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhận xét rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam ngày càng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả hơn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, trong năm 2022, hai bên cần phối hợp xây dựng pháp luật theo phương châm chuẩn bị từ sớm, từ xa.
Trong đó, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn trong phản biện, góp ý theo đúng tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giám sát cùng với các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“MTTQ Việt Nam cần huy động sự vào cuộc của MTTQ tại 63 tỉnh, thành phố để phối hợp chặt chẽ với HĐND các cấp và đoàn đại biểu Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, công tác tiếp xúc cử tri”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gợi mở.
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, MTTQ Việt Nam cần chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức thành viên và hơn 100.000 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư để tăng cường nắm bắt tình hình nhân dân kịp thời, sâu sắc hơn, để nghe dân nói, nói dân nghe và phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.