Xuất phát từ lo ngại của người dân 8 xã “lọt” giữa cao tốc Bắc - Nam và hồ Kẻ Gỗ, từ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), các bên liên quan đến cao tốc Bắc - Nam đã bàn bạc, thống nhất phương án xử lý. Tuy nhiên, một số phương án điều chỉnh của chủ đầu tư cao tốc Bắc - Nam qua huyện Cẩm Xuyên vẫn khiến địa phương lo lắng.
Thống nhất hướng xử lý
Đại diện Chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (Ban Quản lý dự án Thăng Long cùng đơn vị tư vấn thiết kế) đã 2 lần làm việc với đại diện UBND huyện Cẩm Xuyên và các đơn vị liên quan. Trong đó, xem xét, thống nhất xử lý những kiến nghị của huyện Cẩm Xuyên về việc tiêu thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ.
Tại biên bản làm việc ngày 25/5/2023, chủ đầu tư đã nghiên cứu di dời hầm chui ở xã Cẩm Duệ ở vị trí Km522+963 về vị trí Km523+060 và điều chỉnh quy mô cống chui từ BxH = 4.0x3.0 thành BxH = 5.0x3.0 để khi có lũ lụt xảy ra, nước lũ tràn về qua cống chui sẽ ít ảnh hưởng đến các hộ dân tại khu vực này, vì đây là khu vực có dân cư đông đúc.
Đối với đề xuất ở xã Cẩm Thịnh, về tuyến đường cứu hộ cứu nạn đập chứa nước Thượng Tuy, chủ đầu tư thống nhất giao đơn vị thiết kế thực hiện theo 2 phương án, một là điều chỉnh vị trí hầm chui, bổ sung cải tạo đường vuốt nối về 2 đầu hầm chui; hai là thiết kế cầu vượt quy mô theo quy hoạch.
Tại xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Xuyên đề nghị chủ đầu tư kiểm tra cao độ đáy hạ lưu cống thoát nước qua đường tại lý trình Km538+450 để đảm bảo cao hơn cốt đáy của tuyến mương tiêu nhằm tránh ngập úng cục bộ trong khu vực. Nội dung này cũng được chủ đầu tư giao đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra, thiết kế cao độ đáy cống đảm bảo thoát nước thủy lợi.
Đối với kiến nghị ở xã Cẩm Minh, địa phương đề xuất bố trí cống thoát nước bằng bê tông cốt thép kích thước BxH=3x3m tại Km 546+438. Đây là vị trí thấp trũng nhất, là vị trí để thoát nước của vùng ruộng và dân cư thôn 2 và thôn 3 xã Cẩm Minh. Tuy nhiên dự án đang bố trí cống hộp BxH=2x2m qua đường, theo kinh nghiệm của người dân địa phương khẩu độ cống này chưa đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực về mùa mưa lũ. Nội dung này được chủ đầu tư thống nhất, giao đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu phương án điều chỉnh kích thước cống thoát theo đề nghị của địa phương, nâng khẩu độ lên BxH = 3x3m.
Tuy nhiên, tại các cuộc làm việc, đối với đề xuất của UBND huyện Cẩm Xuyên về việc tăng khẩu độ cầu, cống thoát lũ phù hợp với đỉnh lũ năm 2020 tại địa bàn các xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ và Cẩm Quan, không được chủ đầu tư điều chỉnh. “Các khẩu độ cầu, cống đã được lập mô hình tính toán đảm bảo đủ khẩu độ thoát lũ, trong đó đã xét đến đỉnh lũ năm 2020; vì vậy giữ nguyên theo hồ sơ thiết kế được duyệt. Tư vấn thiết kế bổ sung báo cáo giải thích đồng thời gửi 1 bộ hồ sơ tính toán thủy lực, thủy văn cho địa phương để giải thích với người dân” - nội dung biên bản làm việc ngày 25/3/2025 nêu rõ.
Theo ông Phạm Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, 3 xã Cẩm Thạch, Cẩm Duệ và Cẩm Quan là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt vì nằm ở vị trí xả lũ của hạ du hồ Kẻ Gỗ, địa phương hết sức lo lắng nên đề xuất nhiều lần việc tăng khẩu độ cầu, cống, bố trí thêm điểm tiêu thoát lũ. Phía chủ đầu tư khẳng định đã tính toán, thiết kế theo đỉnh lũ năm 2020 nên gửi hồ sơ cho huyện để huyện giải thích thêm với người dân hiểu. Dù vậy, địa phương vẫn còn băn khoăn vấn đề này.
Tăng cường khả năng thoát lũ hồ Kẻ Gỗ
Hồ Kẻ Gỗ được xây dựng từ năm 1976, đưa vào vận hành năm 1983 với dung tích gần 350 triệu m3, đây vốn được xem như “quả bom nước” treo trên đầu hàng vạn hộ dân các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh. Sau trận lũ lịch sử năm 2020, người dân nơi đây kỳ vọng dự án tiêu thoát lũ hồ Kẻ Gỗ sớm được triển khai thi công.
Giữa năm 2023, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Dự án Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ. Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư Hợp phần đầu mối hồ Kẻ Gỗ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư Hợp phần hạ du hồ Kẻ Gỗ.
Ông Hoàng Xuân Thịnh - Giám đốc Ban 4 cho biết: Thiết kế của hợp phần đầu mối hồ Kẻ Gỗ được phê duyệt trước khi xây dựng cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi có cập nhật quy hoạch cao tốc Bắc - Nam. Dự án nếu triển khai, sẽ góp phần tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập cho vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ.
Dự án “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ” có 6 nhóm giải pháp thoát lũ: Nâng cao đỉnh đập lên 2m nhằm tăng dung tích phòng lũ lên khoảng 25 triệu m3 nước so với quy trình vận hành năm 2011; giảm nhu cầu dùng nước hạ lưu; mở rộng tràn xả lũ Dốc Miếu, đóng hoàn toàn tràn trong cống lấy nước; xây dựng hồ chứa ở thượng lưu để cắt tần suất lũ về hồ Kẻ Gỗ; điều chỉnh quy trình vận hành và hoàn thiện thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát vận hành.
Cũng theo ông Thịnh, hợp phần đầu mối hồ Kẻ Gỗ sẽ góp phần giảm tần suất xả lũ 0,5%, tức là giảm lưu lượng xả lũ lớn nhất 1.360m3/s xuống còn 900m3/s. Hiện nay, cao tốc Bắc - Nam được thiết kế theo khả năng xả lũ cũ (lưu lượng xả lớn nhất 1.360m3/s) với đỉnh lũ năm 2020.
Dự án “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ” sẽ triển khai xây dựng vào quý IV năm 2024. Người dân vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ đang kỳ vọng, dự án sẽ góp phần cải thiện tình trạng ngập lụt so với trước đây. Tuy nhiên, mối lo lũ lụt vẫn còn hiện diện trong lòng người dân địa phương, bởi cao tốc Bắc - Nam đang hoàn thiện từng ngày, tạo thành đường bao dọc theo 8 xã của huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.