Được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 4,7 ha với tổng mức kinh phí khoảng 30 tỷ đồng để làm nơi nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, học tập và gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm của cán bộ, hội viên Hội Nông dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân- nông thôn khu vực miền Trung- Tây Nguyên cũng chỉ để hoang vắng.
Công trình 30 tỷ đồng đìu hiu, xuống cấp, gây lãng phí.
Xây xong rồi bỏ hoang…
Chi nhánh Trung tâm này được khánh thành vào cuối tháng 3-2011 trên khu đất có diện tích gần 4,7ha trên đường ven biển ở phía bắc TP Tuy Hòa, cách khu công sở của tỉnh Phú Yên hơn 3km. Trung ương Hội Nông dân VN đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để làm khối nhà tổ chức dịch vụ cao bốn tầng, diện tích xây dựng 4.500m2 làm nơi ăn nghỉ, phòng hội thảo, đào tạo tin học, câu lạc bộ… và khối nhà hai tầng có diện tích 1.078m2 làm hội trường và nhà ăn. Chi nhánh Trung tâm này được xây dựng làm nơi nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, học tập và gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm của cán bộ, hội viên Hội Nông dân các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, những ngày đầu năm 2016, chúng tôi tìm đến Trung tâm trên con đường vắng tanh dọc đường ven biển TP Tuy Hòa, hỏi người dân nơi đây đều không biết đến Trung tâm.
Khi “mục sở thị” nơi này, chúng tôi không khỏi “sốc”. Cổng chính ở phía Bắc của Trung tâm luôn đóng kín vì cửa sắt lớn đã bị han gỉ, không thể mở được, phải đi bằng lối cổng phụ. Đập vào mắt chúng tôi là những đống cát ngổn ngang trước cổng chính với những sợi dây điện lòng thòng vắt ngang qua. Vào trong sân, cảnh cây cỏ mọc um tùm, cây khô, cỏ rác vung vãi. Người bảo vệ đang cố gắng chăm sóc một vài cây cảnh còn sót lại.
Ở khối nhà bốn tầng (tầng trệt để trống) có tấm biển treo “Nhà khách Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân – nông thôn miền Trung – Tây Nguyên” vắng hoe, nhiều mảng sơn mặt tiền đã bong tróc. Còn khối nhà làm hội trường và nhà ăn phía sau thì im ỉm cửa đóng then cài. Bên trong nhà khách đồ sộ này chỉ có một mình chị Thúy Hạnh, là nhân viên kế toán của Chi nhánh Trung tâm. Vừa nghe hỏi về tình hình hoạt động, chị Hạnh cho biết: “Chi nhánh ở xa trung tâm TP. Tuy Hòa quá, quanh vùng này cũng vắng vẻ, không có dịch vụ ăn uống hay giải trí gì, nên hầu như quanh năm suốt tháng không đón tiếp được khách nào”.
Làm việc ở đây từ năm 2011 đến nay, chị Hạnh cho biết trong vài năm đầu, mỗi năm cũng có một số hoạt động của Trung ương Hội Nông dân VN tổ chức, thỉnh thoảng cũng có một số đoàn khách ở Tây Nguyên đến lưu trú. “Nhưng hai năm nay thì không có sự kiện nào của Hội Nông dân các cấp tổ chức ở đây. Chúng tôi không đón được vị khách nào cả” – chị Hạnh cho biết.
Hiện nơi này chỉ có một nhân viên kế toán, một nhân viên buồng phòng và một bảo vệ, chủ yếu để gìn giữ tài sản. Theo chị Hạnh, cả khu này có 38 phòng nghỉ, sức chứa khoảng 100 khách, nhưng chưa bao giờ có sự kiện gì mà nhiều khách ở kín khu này. Theo tìm hiểu của phóng viên thì do vắng khách nên tầng một của Trung tâm dùng để cho một số gia đình cán bộ chưa có nhà thuê ở tạm, còn mấy chục phòng tầng hai và tầng ba thì luôn đóng cửa.
Đưa chúng tôi leo cầu thang bộ lên “tham quan” tầng hai và tầng ba của khu nhà khách, chị Hạnh ái ngại cho biết thang máy ở nơi này không sử dụng nhưng hiện đã hỏng. Vì vắng khách nên tầng hai và tầng ba 1-2 tháng mới thuê người làm vệ sinh một lần, bụi bặm bám khắp nơi. Sau mấy cơn mưa lớn, các phòng nghỉ, hội trường nhỏ ở tầng hai, tầng ba đều sũng nước trên sàn.
Rồi lại … đầu tư giai đoạn 2!
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân – nông thôn Trung ương Hội Nông dân VN, cơ quan chủ quản của Chi nhánh Trung tâm này – cho biết năm 2005, Trung ương Hội Nông dân VN quyết định đầu tư Chi nhánh Trung tâm tại TP.Tuy Hòa. “Lúc đó chắc các anh lãnh đạo cũng “nhìn xa trông rộng” nghĩ là sau này phát triển, nên mới ra ngoài đấy có đất rộng để xây dựng công trình này. Đến nay thì thanh quyết toán vẫn chưa xong, vẫn còn nợ các nhà thầu mấy tỉ đồng. Khi xây dựng thì cũng không lường được là ở đấy bị ảnh hưởng của hơi nước biển nặng khiến một số hạng mục nhanh hư hỏng” – bà Hương cho hay.
Được hỏi làm thế nào để phát huy được hiệu quả của công trình đã đầu tư hàng chục tỉ đồng nhưng bỏ lãng phí nhiều năm qua, bà Hương cho hay Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có nghị quyết đầu tư giai đoạn hai nhằm sửa chữa, chỉnh trang, nâng cấp để đưa Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ nông dân – nông thôn miền Trung – Tây Nguyên vào hoạt động hiệu quả hơn.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch từ năm ngoái, chờ Trung ương Hội phê duyệt xong mới thực hiện giai đoạn 2. Chủ yếu là sửa chữa một số hư hỏng do ảnh hưởng hơi nước biển gây ra và tôn tạo cảnh quan. Phải chờ phê duyệt xong mới biết con số kinh phí chính thức cho giai đoạn 2 là bao nhiêu. Còn hoạt động thì các chương trình của hội, các lớp tập huấn, các thứ này nọ cũng cố gắng đưa về Phú Yên cho nó có hoạt động, để giới thiệu là Hội có Trung tâm ở địa bàn Phú Yên, quảng bá thêm cho tỉnh” – bà Hương cho hay.
Một công trình đầu tư để phục vụ người nông dân nhưng xây xong lại để hoang phí. Tiếc lắm thay.