Cong vẹo cột sống là căn bệnh khá phổ biến trong lứa tuổi học đường. Đáng chú ý, số trẻ em bị gù, vẹo cột sống chiếm từ 0,5 -1% dân số và đang ngày càng gia tăng.
Cong vẹo cột sống là một thuật ngữ mô tả tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc bị cong về phía trước hay phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý bình thường.
BS Nguyễn Thị Hạnh - Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Trung ương thông tin: Khoảng 1-4% dân số bị cong vẹo cột sống, trong đó lứa tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ trên 80%. Trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ gái lớn hơn trẻ trai. Cứ khoảng 25 trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên thì sẽ có 1 trẻ bị cong vẹo cột sống, đối với bé trai trong độ tuổi vị thành niên có tỷ lệ là 1/2.000. Tỷ lệ cong vẹo cột sống nặng ở trẻ gái cũng lớn hơn trẻ trai.
Cũng theo BS Hạnh, cong vẹo cột sống được chia thành 2 loại, cong vẹo cột sống không cấu trúc. Trong đó, cong vẹo cột sống không cấu trúc là trường hợp cột sống bị vẹo nhưng các đốt sống không bị biến đổi cấu trúc và không bị xoay, đường cong có thể hồi phục. Nguyên nhân chính thường do vẹo tư thế (tư thế bị lệch do thói quen), vẹo bù trừ (độ dài hai chân không bằng nhau, trật khớp háng...), vẹo do các bất thường về cơ, không rõ nguyên nhân 75-80%...
Cong vẹo cột sống cấu trúc là cột sống bị cong vẹo kèm theo sự thay đổi về cấu trúc của các đốt sống và sự xoay của các đốt sống. Nguyên nhân do bẩm sinh, do các bệnh thần kinh cơ, các bệnh lý chuyển hóa, loạn dưỡng xương sụn...
“Cong vẹo cột sống ở trường học thường phát sinh do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém làm học sinh không duy trì được tư thế tốt khi đọc, viết); do cường độ lao động không phù hợp với lứa tuổi... Ngoài ra, nguyên nhân còn có thể do các bệnh liên quan đến cột sống, thể trạng học sinh kém do suy dinh dưỡng, ít hoạt động thể chất...” – BS Hạnh lý giải.
Đáng chú ý, mặc dù cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này.
Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng, hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến quá trình sinh đẻ của trẻ em nữ khi trưởng thành. Bên cạnh đó, bệnh có thể gây ảnh hưởng thẩm mỹ, khiến trẻ tự ti, ảnh hưởng đến phát triển tâm sinh lý.
Để phòng ngừa cong vẹo cột sống ở trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi, chiều cao của trẻ và tư thế ngồi học phải đúng (đầu gối gập 90 độ, bàn chân đặt sát xuống sàn). Nơi học tập phải đảm bảo ánh sáng đầy đủ. Học sinh không mang cặp quá nặng, trọng lượng cặp sách không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Cặp phải có hai quai, khi sử dụng học sinh đeo đều hai vai, tránh đeo lệch một phía. Học sinh cần được khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp gù vẹo cột sống để có can thiệp điều trị kịp thời. Rèn luyện thể dục thể thao cho các cơ bắp, dây chằng, các khớp dẻo dai, khỏe mạnh và phát triển cân đối.
Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), trẻ bị vẹo cột sống thường có một số dấu hiệu sau: Thứ nhất là sự cân bằng vai. Cha mẹ để con đứng thẳng tựa vào tường, chân đi đất và so sánh 2 bên vai. Nếu 2 bên không cân mà bên cao bên thấp thì có thể trẻ có vấn đề ở cột sống. Thứ hai, cho trẻ đứng thẳng, 2 cánh tay thõng xuống thân mình, với trẻ bình thường sẽ tạo thành hình tam giác cân đối 2 bên. Với trẻ bị vẹo cột sống, cha mẹ có thể thấy vai lệch, một bên tay sát thân, một bên xa thân. Bác sĩ chỉ cách dễ dàng phát hiện trẻ bị vẹo cột sống. Thứ ba, nhìn phía sau lưng, bình thường cột sống trẻ thẳng nhưng nếu nhìn lưng chữ S thì có thể là dấu hiệu của vẹo cột sống. Thứ tư là phương pháp Adam, phương pháp này được áp dụng để sàng lọc trường hợp bị cong vẹo cột sống học đường. Cụ thể, trẻ đứng thẳng, cúi từ từ về phía trước, hai tay đặt đầu gối, cha mẹ quan sát con từ phía sau. Bình thường 2 vai sẽ cân xứng, nếu bị vẹo cột sống thì một bên vai sẽ nhô cao hơn, bên đối diện thấp xuống, xuất hiện ụ gồ vùng lưng.