Công xưởng im lặng

Đức Huy 25/03/2022 11:10

“Kym” trong từ “kim khâu”, “Việt” trong tên Tổ quốc – Việt Nam, Kym Việt là cái tên mang trong mình những khát khao lớn lao, ước vọng đem niềm tự hào về sản phẩm thủ công Việt vươn mình từ một cộng đồng nhỏ vươn ra thế giới. Được vận hành bởi đa số công nhân là người khuyết tật, doanh nghiệp mong muốn tạo ra việc làm ổn định cho chính những người khuyết tật, giúp họ hòa nhập cuộc sống.

Linh hồn của Kym Việt

Anh Phạm Việt Hoài, người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt, đồng thời cũng là một người khuyết tật giàu nghị lực. Do một tai nạn năm 7 tuổi, cột sống đã bị chấn thương nặng. Từ đó, Hoài đã mất khả năng đi lại.

Bố anh Hoài đã phải lặn lộn khắp Hà Nội tìm cho anh một chiếc xe lăn để anh có thể đi học. Nhìn bạn bè chạy nhảy, vui đùa ngoài sân khiến anh vô cùng tùi thân.

Năm 29 tuổi, trong một lần ăn cơm, anh Hoài chợt nghĩ: “Người khỏe mạnh họ cũng ăn như mình, tại sao họ đi làm kiếm ra tiền được còn mình thì không”.

Ý nghĩa đó khiến Hoài cảm thấy day dứt với bản thân hơn và càng lo lắng khi bố mẹ anh ngày một già đi mà anh vẫn chỉ loanh quanh trong bốn bức tường.

Từ đó, Phạm Việt Hoài đã lặng lẽ khảo sát thị trường và cùng một số người bạn tốt nghiệp trường Mỹ thuật Công nghiệp tạo ra sản phẩm làm từ vải vụn. Đó chính là những con thú nhồi bông với hình dáng vui tươi, màu sắc bắt mắt.

Ngay từ đầu anh đã xác định phải chinh phục khách hàng bằng những sản phẩm thật sự giá trị, tức là không chỉ dừng lại ở mẫu mã đẹp, chất lượng cao, mà sản phẩm phải truyền tải được thông điệp nhân văn, ý nghĩa tới cộng đồng.

Anh Hoài chia sẻ: “Trước đây tôi đã từng làm rất nhiều công việc, trải qua rất nhiều nghành nghề. Trước khi mở Kym Việt tôi chưa từng nghĩ mô hình của mình sẽ được nhiều người ủng hộ, quan tâm. Sau khi Kym Việt được thành lập tôi không ngờ nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ, đồng cảm từ rất nhiều người. Đó chính là động lực to lớn để tôi tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình này”.

Anh Phạm Việt Hoài, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Kym Việt.

Phạm Việt Hoài cũng cho biết, lúc đầu nhiều người nghi ngại, không biết người khuyết tật câm, điếc, thậm chí thiểu năng trí tuệ thì sẽ làm việc như thế nào? Chính vì định kiến về người khuyết tật rất nặng nề nên cơ hội việc làm của họ thấp, họ bị gạt sang lề xã hội.

Nhưng giờ đây, anh đã chứng minh người khuyết tật có năng lực, có giá trị qua cách họ tạo nên một sản phẩm của Kym Việt, từng công đoạn cắt-khâu kỹ lưỡng đã được thực hiện tỉ mỉ ra sao và người thợ nào đã làm ra sản phẩm ấy.

Nhờ sự chủ động, tích cực và hướng tiếp cận đầy mới mẻ, Kym Việt đã trở thành doanh nghiệp xã hội tiêu biểu, nhận bằng khen của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cũng như giải thưởng về thiết kế sản phẩm của thành phố Hà Nội.

Sản phẩm của Kim Việt còn được bình chọn vào Top 3 hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích nhất và giành được rất nhiều giải thưởng danh giá khác.

Mái nhà của người khuyết tật

Bước vào Kym Việt chúng tôi bị bất ngờ trước sự yên tĩnh nơi đây. Bốn bề lặng thinh, không một tiếng người chỉ nghe thấy tiếng cót két của những chiếc máy khâu. Đi vào sâu trong, chúng tôi mới hiểu rằng tất cả những công nhân ở đây đều câm, điếc. Cách duy nhất để chúng tôi trao đổi thông tin với họ là sử dụng ngôn ngữ ký hiệu

Mặc dù không phải người câm điếc, anh Hoài vẫn dành thời gian để học cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ đó, anh có thể trò chuyện với nhân viên của mình mỗi ngày. Những câu chuyện của họ không chỉ thể hiện qua những cử chi của ngón tay mà còn là biểu cảm khuôn mặt. Mỗi khi được anh Hoài đến hỏi chuyện, các nhân viên đều cười rất tươi, thân tình như với người thân trong một gia đình.

Anh Hoài chia sẻ: “Những người thợ khuyết tật luôn tâm niệm: Chúng ta là những người khuyết tật nhưng chúng ta không tạo ra những sản phẩm khuyết tật. Mỗi sản phẩm phải đạt yêu cầu mẫu mã, màu sắc và chất lượng để thị trường chấp nhận chứ không phải dựa vào sự thương cảm”.

Đối với người khuyết tật, tìm được công việc là điều vô cùng khó khăn, thấu hiểu được điều đó anh Phạm Việt Hoài đã xây dựng và cố gắng để mọi người ở đây thấy được sự bình đẳng, để mọi người xem công ty như ngôi nhà của mình, vì vậy ai cũng cố gắng làm việc hết khả năng.

Anh Hoài đang trò chuyện với các công nhân bằng ngôn ngữ ký hiệu

Mỗi sản phẩm thủ công của người khuyết tật làm ra vô cùng tinh xảo và tỉ mỉ từng chi tiết không kém gì những nghệ nhân chuyên nghiệp. Những sản phẩm này sẽ được phân phối trong các khu du lịch như: Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An… các sản phẩm mang thương hiệu Kym Việt đều được du khách trong nước và quốc tế vô cùng ưa chuộng

Nâng cao nhận thức về người khuyết tật cho trẻ em

“Kym Viet Chơi” là chương trình giáo dục trải nghiệm độc đáo dành riêng cho đối tượng học sinh. Chương trình được xây dựng bởi doanh nghiệp xã hội Kym Việt và những chuyên gia giáo dục uy tín.

“Kym Việt Chơi” nằm trong khuôn khổ của “Kym Việt Edu”, một nhánh thuộc hệ sinh thái Kym Việt. Với chương trình công phu, ý nghĩa và hấp dẫn, Kym Việt khát khao chung tay phát triển giáo dục, cùng xã hội vun đắp những thế hệ Việt ưu tú, giàu cảm xúc, kĩ năng và trải nghiệm.

Chị Nguyễn Thúy Hà (một giáo viên mầm non tư thục tại Thanh Xuân) từng đưa lớp học đến Kym Việt để trải nghiệm chia sẻ: “Đây là một không gian rất tuyệt vời cho các em nhỏ có thể thỏa sức sáng tạo, tìm hiểu thêm về cuộc sống xung quanh. Việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cũng giúp các em phần nào nhận thức rõ hơn về cộng đồng người khuyết tật trong xã hội”.

Trải nghiệm “ Kym Việt Chơi” dành cho các học sinh Trung học cơ sở.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Công xưởng im lặng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO