Các đặc phái viên và các phái đoàn đang tham dự hội nghị nhằm cứu rỗi thế giới khỏi tình trạng biến đổi khí hậu ở Paris, đã trải qua một đêm làm việc đến sáng và dự kiến sẽ đưa ra một thỏa thuận lịch sử trong ngày hôm nay (12/12), nước chủ nhà Pháp cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng người đồng cấp Pháp Laurent Fabius
tại Hội nghị COP 21. (Nguồn: AFP).
11 ngày trong các nỗ lực ngoại giao quốc tế diễn ra tại thủ đô nước Pháp dường như đã mở ra cánh cửa đến một thỏa thuận khó nhọc, mà theo dự kiến đáng lẽ ra phải được công bố sau hạn chót hôm 11/12. “Nó sẽ được công bố vào sáng thứ Bảy và hoàn tất vào trưa cùng ngày”, hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ chính phủ Pháp cho hay.
Trước đó, sau khi công bố một bản dự thảo thỏa thuận vào tối thứ Năm (10/12), trong đó cho thấy một số vấn đề khúc mắc quan trọng đã được giải quyết giữa các bên, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã tự tin khẳng định rằng, một thỏa thuận đang đến “rất gần”.
Ông Fabius đã hướng dẫn các vị ngoại trưởng đến từ 195 quốc gia tham dự hội nghị COP 21 đưa ra các cam kết chưa từng có tiền lệ về nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là bất đồng sâu sắc giữa các nước giàu và các nước nghèo trong việc đặt ra mức giới hạn nhiệt độ trước năm 2020.
Giới lãnh đạo thế giới đã mô tả hội nghị Paris như cơ hội cuối cùng để đảo ngược tác hại từ biến đổi khí hậu toàn cầu, bao gồm hạn hán gia tăng, lũ lụt và siêu bão, cũng như mực nước biển gia tăng, nhấn chìm các hòn đảo và nhiều khu vực nằm sát biển. Một thỏa thuận được đưa ra còn có ý nghĩa lịch sử khi làm thay đổi hệ thống năng lượng của toàn thế giới bằng cách giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn việc đốt các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt; từ đó dẫn đến giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhìn lại quá trình đàm phán, ai cũng có thể thấy rõ rằng “trò chơi đổ tội” là yếu tố gây căng thẳng cho Hội nghị COP 21, khi các nền kinh tế đang phát triển khẳng định rằng các nước giàu cần phải gánh vác trọng trách “cứu rỗi thế giới” vì là bên phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất kể từ sau Cách mạng Công nghiệp.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các nước giàu nói rằng các nền kinh tế đang trỗi dậy cũng cần phải chung tay gánh vác trách nhiệm này, đồng thời tranh luận rằng, các nước đang phát triển hiện nay phát thải còn nhiều hơn họ và bởi vậy cần phải chịu trách nhiệm cho hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Ai cũng biết rằng đây là những cuộc tranh luận mang giá trị cả tỷ USD (cụ thể là 100 tỷ USD hỗ trợ cho các nước đối phó với biến đổi khí hậu), số tiền mà nước chủ nhà Pháp từng khẳng định là cần phải có trước khi các nhà đàm phán rời khỏi Paris.
Một rào cản khác mà các nhà đàm phán phải vượt qua là tranh cãi xung quanh mức tăng nhiệt độ hạn chế. Các quốc gia dễ chịu ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu đã tích cực vận động hành lang để đặt ra mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C, trong khi một số quốc gia xả thải nhiều nhất hiện nay, như Trung Quốc và Ấn Độ, lại muốn mức này lên con số 2 độ C, điều cho phép họ có thể sử dụng nhiên liệu hóa thạch lâu hơn.
Cuối cùng, bản dự thảo thỏa thuận mới đây nhất cũng đưa ra một cam kết mà trong đó tuyên bố sẽ giữ mức tăng nhiệt độ dưới 2 độ C, và 1,5 độ C là mục tiêu tương lai.
Và điều quan trọng nhất về thỏa thuận này, cũng là vấn đề then chốt, chính là khoản tiền hỗ trợ các nước ứng phó biến đổi khí hậu. Các nước giàu cách đây 6 năm từng cam kết trong hội nghị ở Copenhagen rằng sẽ hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ đó đến năm 2020 để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch, và đối phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, cho đến ngày 11/12, quỹ hỗ trợ mà các nước giàu cam kết vẫn chưa rõ ràng, trong khi các nước đang phát triển đã quyết định đưa ra một kiến nghị tăng số tiền hỗ trợ này sau năm 2020.
Hầu hết các quốc gia trong hội nghị lần này đều cố gắng tỏ ra tích cực, và cam kết sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến 2020. Nhưng một thực tế đáng buồn là theo giới khoa học, dù cho các nước có làm đúng cam kết này, thì thế giới vẫn sẽ trên đà tăng ít nhất 2,7 độ C.