Tính đến chiều 12/12, các phái đoàn đến từ 195 quốc gia trên thế giới đã nhất trí về một bản dự thảo thỏa thuận chung nhằm hạn chế ảnh hưởng từ hiện tượng biến đổi khí hậu sau 2 tuần lễ đàm phán trong căng thẳng ở Paris.
Vào lúc 9h30 sáng (15h30 giờ Việt Nam) ngày 12/12, giới chức Pháp đã tuyên bố rằng bản dự thảo cuối cùng của thỏa thuận lịch sử đã hoàn tất và nó sẽ được phát cho các vị Ngoại trưởng vào lúc 10h30 (16h30 giờ Việt Nam). Tuy sau đó còn phải thông qua chính thức trong một phiên họp đặc biệt tổ chức cùng ngày, nhưng gần như chắc chắn nó sẽ được thông qua.
Dự thảo thỏa thuận đạt được sau hơn 16 tiếng đồng hồ thảo luận trong căng thẳng giữa các phái đoàn các nước. “Chúng tôi đã có trong tay văn bản thảo thuận”; AFP dẫn lời một quan chức thuộc văn phòng Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, cho hay.
Tuy chưa rõ chi tiết về bản dự thảo thỏa thuận này, nhưng trước đó COP21 từng công bố một văn bản dài 29 trang từ hôm 9/12, trong đó các nước cam kết hạn chế mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C hoặc 2 độ C. Tuy nhiên, văn bản này sau đó bị chỉ trích vì đưa ra mức hạn chế tăng nhiệt độ quá tham vọng. Trong khi giới khoa học liên tiếp cảnh báo về sự nguy hiểm không thể đảo ngược và các ảnh hưởng tàn khốc của biến đổi khí hậu nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính không được kiềm chế.
Một chặng đường gian nan…
Các phái đoàn đến từ khắp nơi trên thế giới đã bị “khóa chân” trong các vòng đàm phán hết sức căng thẳng trong suốt 2 tuần qua tại hội nghị COP21 được tổ chức trong khuôn khổ LHQ tại thủ đô Paris của nước Pháp. Hội nghị này đáng lẽ ra nhắm vào một thỏa thuận chung mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng tham vọng này dường như đã thất bại ngay sau đó.
“Chúng tôi đều mệt mỏi và chẳng còn để ý đến các quy tắc ngoại giao nổi nữa” – AFP dẫn lời ông Espen Ronnburg, một nhà đàm phán đến từ đảo quốc Samoa, nói .
Giới quan sát cho rằng, dù hội nghị phần lớn đều tránh đưa ra các ngôn từ gay gắt như trong các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu trước đây, nhưng những sự khác biệt vẫn trỗi dậy khiến các cuộc thảo luận trở nên hết sức căng thẳng, đặc biệt là xung quanh câu hỏi: Ai sẽ mang vác gánh giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính?
Một số quốc gia đang phát triển mạnh mẽ như Ấn Độ hay Trung Quốc cho rằng các nền công nghiệp phát triển ở phương Tây cần phải gánh vác trọng trách này, trong khi các nước giàu có lại muốn các nước đang phát triển phải đưa ra cam kết giảm khí thải nhiều hơn, thậm chí phải đóng góp vào gói hỗ trợ tài chính dành cho các nước nghèo ứng phó với ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận lịch sử
Ngoại trưởng Pháp, sau khi tuyên bố về bản dự thảo thỏa thuận hôm 12/12, đã nói rằng ông chắc chắn COP21 sẽ thành công trong việc đưa ra một thỏa thuận chính thức. “Mọi thứ đã sẵn sàng để đạt được một thỏa thuận chung đầy tham vọng. Chúng ta chưa từng thấy một hội nghị nào lại có động lực to lớn như ở Paris lần này”; ông Fabius nói.
Giới phân tích nhận định rằng đây chưa phải một thỏa thuận được hoàn tất – mà chỉ được hoàn tất nếu hội nghị không nhận thêm được bất kỳ sự phản đối nào trong cuộc họp các Bộ trưởng sau đó. Thậm chí, một số người còn cho rằng tiến trình này có khả năng sẽ lại kéo dài thời hạn chót.
Mấu chốt của dự thảo thỏa thuận này đã nêu rõ rằng các quốc gia sẽ giữ mức độ tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức hạn chế 2 độ C, tuy nhiên các bên cũng cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đạt mức tham vọng hơn là 1,5 độ C. Thế nhưng, tiêu chí về kế hoạch cắt giảm khí thải dài hạn vẫn bị một số nước chỉ trích là chưa đủ tham vọng.
Ngoài ra, câu hỏi liên quan tới các yêu cầu thực tế khác biệt của mỗi quốc gia, dựa trên sự thịnh vượng và mức độ phát triển của họ cũng được cho là nguyên nhân gây chia rẽ hội nghị COP21. Bên cạnh đó, một khó khăn to lớn trong các vòng đàm phán chính là tính minh bạch – trong đó các nước giàu muốn có một hệ thống giám sát, báo cáo và xác nhận việc thực thi cam kết của các nước tham gia ký thỏa thuận này.
Điều này được xem là hết sức quan trọng đối với nước Mỹ, bởi họ muốn đảm bảo rằng Trung Quốc cũng làm theo đúng cam kết giống như họ. Trong khi Ấn Độ và Trung Quốc không mấy mặn mà với điều đó.
Có đáng để hy vọng?
Giới khoa học khí tượng đều khẳng định rằng xu hướng tăng nhiệt độ toàn cầu hiện nay được gây nên bởi sự tập trung các loại khí gây hiệu ứng nhà kính ở tầng khí quyển, chủ yếu do các hoạt động của loài người. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp – tức đã đạt một nửa so với ngưỡng 2 độ C, mức độ có thể khiến thế giới hứng chịu những ảnh hưởng hết sức tàn khốc.
Và họ cũng cảnh báo rằng, tuy các quốc gia trong hội nghị lần này đều cố gắng tỏ ra tích cực, và cam kết sẽ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nay đến 2020, nhưng thực tế đáng buồn là dù cho các nước có làm đúng cam kết này, thì thế giới vẫn sẽ trên đà tăng ít nhất 2,7 độ C.
Như giới phân tích đã từng nhận định, thực chất của các vòng đàm phán biến đổi khí hậu chính bản thân nó không thể giúp ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu. Mục tiêu chính của nó chủ yếu là tạo động lực và vạch ra một cấu trúc cho các nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra trên khắp thế giới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, nếu hoàn tất, thỏa thuận chung này sẽ mang ý nghĩa biểu tượng mạnh mẽ đối với toàn thế giới và là tín hiệu đáng mừng cho thấy rằng, cuối cùng sau 20 năm, cộng động quốc tế đã chung tay vì một nỗ lực nhằm cứu rỗi thế giới khỏi ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu; cùng một bản kế hoạch cụ thể cho việc chấm dứt sự thống trị của các loại nhiên liệu hóa thách suốt 2 thế kỷ qua.
Và điều cuối cùng là thỏa thuận này dù có được ký kết hay không thì điều đáng buồn nhất là nó không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Điều này có nghĩa là, nỗ lực cứu rỗi thế giới lại phải tùy thuộc vào nỗ lực thực chất của mỗi quốc gia trên con đường phát triển của họ. Và điều gì xảy ra nếu một nước không làm đúng cam kết?