Corticoid là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh và chống dị ứng. Chính bởi tác dụng đa năng này mà tình trạng lạm dụng corticoid trở nên phổ biến.
Lạm dụng corticoid
Bệnh nhân nam L.B.T. (69 tuổi, ở huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) nhập viện tại khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) trong tình trạng chân tay teo, rạn da, đường máu cao, huyết áp cao khó kiểm soát, đau khớp chân nhiều.
Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, gút hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, người bệnh thường xuyên tự ý dùng thuốc, tự ý tiêm khớp để điều trị các đợt gút cấp.
Sau khi khám và thực hiện các cận lâm sàng, kết quả cho thấy người bệnh có đường máu rất cao. Hội chẩn chuyên khoa Nội tiết, người bệnh được chẩn đoán suy thượng thận do sử dụng thuốc chứa corticoid – đái tháo đường type 2 – tăng huyết áp, biến chứng bệnh thận mạn.
BS Đỗ Thị Tư - Khoa Nội tiết – Đái tháo đường (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, thực tế trong điều trị, các bác sĩ lâm sàng thường sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi chỉ định điều trị bằng corticoid và sẽ phải khuyến cáo người bệnh các tác dụng phụ cũng như cách theo dõi chúng. Tuy nhiên, với thực trạng tại Việt Nam, hiện tình trạng lạm dụng nhóm thuốc này ngày càng đáng lo ngại.
Corticoid có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác nhau như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng. Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết.
“Với các trường hợp thuốc bôi ngoài da, việc sử dụng corticoid không đúng cách có thể gây làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi lên mặt lâu ngày, thay vì da mặt mịn màng như nhiều người lầm tưởng, da sẽ bị trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt. Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân và đương nhiên sẽ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm” - BS Tư cho biết thêm.
Cẩn trọng với corticoid trong thuốc đông y
Đáng lo ngại hơn, hiện nay trên thị trường ghi nhận không ít thuốc đông y giả mạo được quảng cáo chủ yếu: “Mát huyết, trị bệnh gan gây ngứa, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ…”. Trên thực tế, các thuốc đông y này đều có chứa corticoid, để tạo những tác dụng trước mắt như ăn được, ngủ được, tăng cân, nếu có đau nhức xương khớp sẽ giảm ngay, hoặc nổi mề đay mẩn ngứa cũng sẽ hết - do tác dụng giảm đau chống viêm, chống dị ứng của corticoid khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại đông dược giả mạo này không sao lường được.
Điển hình, bệnh nhân D.T.K. (61 tuổi, ở Bắc Ninh) đang điều trị tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai), có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 cách đây 1 năm, đau khớp gối khoảng 10 năm, nhiều lần tiêm khớp không rõ thuốc và ngoài ra bà còn sử dụng thuốc nam để điều trị đau khớp theo kinh nghiệm truyền miệng. Đợt này, bệnh nhân thấy mệt mỏi nhiều, ăn uống giảm, gầy sút 7kg trong một tháng nên đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết... và suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng các thuốc có chứa corticoid để điều trị bệnh lý khớp trong thời gian dài.
Sau 20 ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và có thể xuất viện. Tuy nhiên, những tác dụng phụ mà corticoid gây ra với sức khỏe thì vẫn tiếp tục phải theo dõi và thăm khám định kỳ.
ThS.BS Phạm Thị Lưu - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trung bình một ngày có đến 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng lạm dụng corticoid. Rất nhiều bệnh nhân tìm đến các loại thuốc đông y “lành hơn” thuốc tây mặc dù không biết nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính như đau khớp, gút, viêm mũi xoang, dị ứng… Thế nhưng, nhóm thuốc này rất khó xác định được thành phần cũng như liều lượng corticoid trong đó, chỉ đến khi các tác dụng phụ của việc lạm dụng corticoid nặng nề mới đến gặp các bác sĩ và phát hiện ra tác hại của nó.
Việc sử dụng corticoid như con dao hai lưỡi. Vì vậy, để phát huy hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng bất lợi của nhóm thuốc này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc theo lời mách hay truyền miệng, không tự điều trị theo đơn thuốc của người khác… vì hậu quả sẽ rất nặng nề.