Trong bối cảnh mùa đông sắp đến, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, các nước cần cảnh giác khi số ca mắc Covid-19 và cúm mùa gia tăng tại châu Âu, đồng thời khuyến khích mọi người tiêm vaccine phòng bệnh.
Xu hướng tăng chậm
Theo một phân tích mới đây từ Đại học Washington, số ca mắc Covid-19 hàng ngày trên toàn cầu được dự đoán sẽ tăng chậm, lên khoảng 18,7 triệu vào tháng 2/2023 từ 16,7 triệu ca ở thời điểm hiện tại.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu số liệu và đánh giá về y tế (IHME) thuộc Đại học Washington dự báo, số ca mắc mới sẽ thấp hơn nhiều so với mức trung bình 80 triệu ca trong giai đoạn đỉnh dịch tháng 1/2022 (cũng vào mùa đông), thời điểm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh. Viện này cũng dự báo sự gia tăng số ca mắc sẽ không kéo theo số ca tử vong tăng vọt, theo đó số ca tử vong theo ngày sẽ ở mức trung bình 2.748 ca vào đầu tháng 2 năm sau. Tháng 1/2022, con số này là hơn 11 triệu ca/ngày trên toàn cầu.
IHME cũng dự báo số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ sẽ tăng khoảng 33% lên hơn 1 triệu ca do học sinh, sinh viên trở lại trường học và người dân có xu hướng tụ tập trong không gian kín vì thời tiết lạnh hơn. Trong khi đó, Đức đã chứng kiến số ca mắc tăng trở lại, và dự báo sẽ giảm hơn 33% xuống còn khoảng 190.000 ca vào tháng 2 năm sau.
Phân tích của IHME cũng phát hiện biến thể phụ XBB (còn được biết đến là BA.2.10) của Omicron, hiện đang làm tăng số ca nhập viện ở Singapore, có khả năng lây lan nhanh hơn song không gây bệnh nặng. Tác động toàn cầu của XBB được dự đoán sẽ không lớn vì những người trước đó đã nhiễm biến thể BA.5 sẽ có khả năng miễn dịch với XBB.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết, 53 nước thành viên WHO khu vực này lại một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19. Kể từ đầu tháng 9 vừa qua, số ca mắc Covid-19 tại châu Âu đã tăng gấp 3 lần. Trong tuần thứ 2 của tháng 10, châu Âu chiếm gần 60% số ca mắc mới và 42% số ca tử vong trên toàn cầu.
Trong bối cảnh số ca mắc cúm mùa cũng đang tăng mạnh, ông Kluge cảnh báo, sức khỏe của nhóm người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh gặp rủi ro hơn trong khi bệnh cúm mùa và bệnh Covid-19 đang cùng lưu hành.
Không ngừng thúc đẩy vaccine
Trong đợt dịch Covid-19 lần này, dù số ca bệnh nặng và tử vong không tăng cao như các đợt trước đó, tuy nhiên, quan chức WHO cho rằng, hiện chưa phải là lúc nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Ông Kluge khẳng định, vaccine vẫn là một trong những công cụ hiệu quả nhất, đồng thời hối thúc những người đủ điều kiện nên sớm đi tiêm cả vaccine phòng cúm mùa và mũi vaccine tăng cường phòng Covid-19.
Trước diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều nước không chỉ chú ý đến đối tượng có nguy cơ cao như người già và người có bệnh nền, vaccine Covid-19 còn được thúc đẩy cho đối tượng trẻ em với độ tuổi ngày càng thấp. Ngày 25/10, Singapore đã chính thức triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi tại 4 trung tâm tiêm chủng trên cả nước.
Theo thống kê gần đây nhất vào tháng 7 của Bộ Y tế Singapore, có khoảng 64.000 trẻ em dưới 5 tuổi mắc Covid-19, chiếm 3,9% trong tổng số 1,7 triệu ca mắc Covid-19 tại "đảo quốc sư tử". Tuy nhiên, số ca dưới 5 tuổi tử vong chỉ là 3 ca trong tổng số trên 1.600 ca tử vong.
Cũng tượng tự, ngày 25/10, Nhật Bản bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng tới 4 tuổi tại một bệnh viện ở thủ đô Tokyo. Với động thái này, Nhật Bản đã mở rộng đối tượng tiêm vaccine ngừa Covid-19 ra hầu hết các nhóm tuổi.
Theo giới chức Nhật Bản, mặc dù vaccine Pfzer dùng cho trẻ ở nhóm từ 6 tháng tới 4 tuổi do các hãng dược Pfizer/BioNTech sản xuất không được bào chế để chống lại biến thể Omicron, nhưng các nghiên cứu lâm sàng cho thấy vaccine có hiệu quả với Omicron, với tỷ lệ hiệu quả khoảng 73%.
Trong khi đó, tại Mỹ, giới chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại nguy cơ xảy ra đồng thời 3 căn bệnh về hô hấp gồm cúm, Covid-19 và bệnh do virus hợp bào hô hấp (RSV), theo đó kêu gọi người dân đi tiêm phòng cúm và Covid-19.
Covid-19, cúm và bệnh viêm đường hô hấp do virus RSV gây ra là những căn bệnh hô hấp có khả năng lây truyền cao. Các chuyên gia y tế cảnh báo trẻ em có bệnh lý nền như bệnh về phổi hoặc tim mạch có nguy cơ mắc bệnh nặng khi nhiễm các loại virus gây các bệnh đường hô hấp kể trên.
Giáo sư Peter Hotez, đồng Giám đốc Trung tâm Phát triển vaccine của Bệnh viện Nhi Texas, lưu ý, nếu không được xử lý, các ca Covid-19, RSV hoặc cúm thể nặng có thể phát triển thành viêm phổi. Cả hai căn bệnh này đều có thể gây tử vong, nhất là đối với trẻ có bệnh nền.
Tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 tại Mỹ thấp hơn so với nhiều nước có thu nhập cao khác. Tới nay mới chỉ có gần 50% dân số thuộc nhóm đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa Covid-19 tại Mỹ đã tiêm mũi thứ 3. Tính đến ngày 20/10, nước Mỹ mới ghi nhận 68,2% dân số đã hoàn thành các mũi vaccine cơ bản.