Các doanh nghiệp “họ” Masan duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân cả nước trong mọi hoàn cảnh.
Ngày 23/12, chương trình “Đánh giá Năng lực hoạt động Doanh nghiệp - Vietnam Best Companies” 2021 do VCCI chủ trì đã trao Chứng nhận Top 10 Doanh nghiệp niêm yết có năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, sinh lời tốt nhất cho Tập đoàn Masan, Công ty Masan Consumer và Công ty CP Vinacafe Biên Hòa.
Đây là chương trình được triển khai thường niên từ năm 2013 trên cơ sở khảo sát, đánh giá 21 tiêu chí cụ thể, liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam thông qua Báo cáo Tài chính hàng năm với phương pháp đánh giá toàn diện, đảm bảo kết quả chính xác, khách quan.
Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khảo sát, đánh giá của chương trình Vietnam Best Companes năm 2021 đã cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp vượt khó vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Điển hình phải kể tới là Tập đoàn Masan cùng các công ty thành viên như Masan Consumer, Vinacafe Biên Hòa.
Tập đoàn Masan ghi dấu ấn là một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu và tiêu biểu của Việt Nam bởi những chiến lược phát triển và năng lực quản trị thích ứng kịp thời. Công ty thành viên và liên kết của Tập đoàn Masan là những Công ty dẫn đầu các lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, thịt có thương hiệu, bán lẻ, chuỗi F&B, dịch vụ tài chính, viễn thông và sản xuất vật liệu công nghiệp có giá trị gia tăng. Đây đều là những lĩnh vực đang tăng trưởng cao của nền kinh tế Việt Nam.
Sức khỏe của doanh nghiệp thể hiện rõ nét trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Tập đoàn Masan không ngừng biến thách thức thành cơ hội bứt phá. Thể hiện năng lực quản trị, vận hành vượt trội, các doanh nghiệp “họ” Masan duy trì chuỗi cung ứng, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân cả nước trong mọi hoàn cảnh.
Vượt qua thách thức của dịch bệnh, liên tiếp những tháng cuối năm, triển khai mô hình kinh doanh mới, Masan ghi nhận lưu lượng khách hàng và lợi nhuận tại các điểm bán WinCommerce đều tăng đáng kể.
Tích hợp các mảng kinh doanh trong mô hình mini-mall đa trải nghiệm, Masan nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng vốn có, chinh phục thế hệ người tiêu dùng trẻ có phong cách sống hiện đại. Mục tiêu sắp tới của Masan là mở rộng quy mô của "Point of Life".
Cụ thể, trong năm 2022, Masan sơ bộ sẽ mở rộng quy mô chuỗi WinMart+ thêm 700 - 1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 - 3.600 điểm trước cuối năm 2022. Masan cũng có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall.
Kết thúc quý 3 năm 2021, Masan đạt 64.801 tỷ đồng doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm 2021, hoàn thành 70,4% mục tiêu doanh thu, tương ứng 92.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.126 tỷ đồng, hoàn thành 85% mục tiêu lợi nhuận ở mức thấp là 2.500 tỷ đồng cho năm tài chính 2021.
Đây cũng là quý đầu tiên Masan không còn bù lỗ cho chuỗi bán lẻ WinCommerce (tên gọi mới của VinCommerce). WinCommerce có quý đầu tiên đạt lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông 137 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm ngoái.
Đối với Công ty thành viên, một trong những trụ cột doanh thu, Masan Consumer 9 tháng đầu năm 2021 có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt ở mức 14,3% và 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vượt qua các thách thức như chi phí vận hành tăng, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do tác động của các đợt giãn cách xã hội, Masan Consumer đã đạt được các kết quả tăng trưởng khả quan.
Cũng trong Quý 3 năm 2021, Công ty thành viên Vinacafe Biên Hòa ghi nhận doanh thu thuần 402,5 tỷ đồng, lãi gộp xấp xỉ 92 tỷ đồng dù gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid kéo dài, giá nguyên liệu tăng và thị trường cà phê hòa tan nội địa cạnh tranh gay gắt.
Vinacafe Biên Hòa ghi dấu với việc chuyển đổi thành công từ mô hình bán hàng sang xây dựng thương hiệu. Trong đó, các nhãn hàng B’fast, Wake up Sài Gòn, Phinn và đặc biệt là Wake-up 247 tiếp tục gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.