Trong gian bếp nhỏ tầm 10 mét vuông đã cũ kĩ theo thời gian, hằng ngày vẫn có cụ bà gần 90 cần mẫn với nghề làm kẹo kéo. Dường như tuổi tác không thể làm khó được cụ, bởi đây là nghề mà cụ đã gắn bó hàng chục năm nay và nhờ đó mà có thể nuôi những người con trong gia đình khôn lớn.
Video: Cụ bà gần 90 tuổi dành cả đời để làm kẹo kéo.
Từ thông tin của người dân chỉ dẫn, chúng tôi tìm về nhà cụ bà Nguyễn Thị Năm (87 tuổi, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), vừa đặt chân đến đây, từ một gian bếp nhỏ đã phát ra hương thơm bùi bùi của nồi đường làm kẹo kéo xen lẫn trong mùi khói của bếp củi.
Bước vào gian bếp là hình ảnh cụ Năm đang loay hoay để làm món kẹo kéo mà có lẽ tuổi thơ của rất nhiều người đã ghi dấu ấn với món kẹo “đặc biệt” này.
Theo thời gian, trên thị trường ngày càng xuất hiện nhiều loại bánh kẹo để thu hút trẻ em hơn. Dường như nghề làm kẹo kéo thủ công ngày càng mai một và rất hiếm để tìm ra nhiều người còn làm kẹo kéo ở thời điểm hiện nay. Chính vì vậy cụ Năm được cho là một trong những người “kì cựu” về nghề làm kẹo kéo.
Kinh nghiệm mà cụ có cũng từ những lần tự học “lén” của những người làm nghề đi trước. Cụ bảo: “họ sợ mình biết nghề thì họ sẽ không bán được, nên chỉ dám tự mày mò sau những lần bắt gặp họ đang làm kẹo”. Nhưng theo gian, hiện nay ở địa phương cũng chỉ còn mình cụ theo nghề.
Cụ Năm chia sẻ, nguyên liệu làm kẹo kéo gồm có đường, đậu phộng rang giòn sau đó bỏ vỏ, một ít dầu ăn, ít bột vani là có thể làm nên món kẹo kéo nức tiếng một thời. Sau khi có nguyên liệu, bắt đầu cho đường vào nồi hoặc chảo cùng với những nguyên liệu còn lại, sau đó đun sôi lên, để lửa nhỏ và đảo đều tay cho đến khi đường tan từ từ và có độ bóng. Khi hỗn hợp đường đã được đảo đều, chín tới và chuyển sang màu nâu sẫm thì đưa xuống.
Sau khi đưa xuống bếp, dưới đôi bàn tay khéo léo của cụ Năm với hàng chục năm trong nghề thì khối kẹo thành phẩm được trải ra mâm. Sau đó, cụ lại bắt đầu lấy khối kẹo này đập mạnh vào một khúc gỗ treo sẵn và dùng tay kéo dài ra, rồi cứ lặp đi lặp lại cho đến khi khối kẹo đạt đến độ trắng và dẻo là được.
Bước tiếp theo dàn khối hỗn hợp này thành tấm, cho đậu phộng rang giòn vào giữa, cuộn lại thành hình trụ dài. Tiếp đó, lại kéo khối kẹo ra từng sợi nhỏ, sau đó dùng kéo cắt ra từng miếng.
Những giọt mồ hôi đã ướt đẫm trên người do hoạt động liên tục, nhưng cụ lại không cho phép bản thân có thể nghỉ giữa chừng mà phải cố gắng làm cho xong. Vì nếu để lâu thì khối kẹo này sẽ cứng lại và khó kéo nhỏ.
Với dáng người nhỏ bé, lưng đã gù do tuổi già, kèm đôi tay khéo léo và hoạt bát của cụ trong những động tác này, nhưng không ai nghĩ ngày nào cụ cũng làm như vậy trong hàng chục năm qua.
Bởi không chỉ cần người làm phải thật khéo léo mà động tác kéo kẹo còn phải dùng sức để kéo liên tục khối kẹo cho đến khi đạt yêu cầu.
“Cụ làm cái nghề này quen rồi, vừa làm để duy trì nghề mình đã gắn bó hàng chục năm nay, vừa có thể giúp tay chân vận động giống như tập thể dục. Nếu ngày nào mà không làm thì y như rằng cả người lại đau mỏi”, cụ Năm vừa làm vừa nói.
Cứ mỗi khi làm xong kẹo, cụ Năm lại đi bộ cả cây số để mang những số kẹo này ra chợ và trường học gần đó để bán. Ước tính mỗi ngày cụ bán được 300.000 đến 400.000 đồng.
Cụ tâm sự, mỗi lần đi bán kẹo, những đứa trẻ, đứa học sinh thấy cụ lại rất vui vì được ăn món kẹo “đặc biệt” do chính tự tay cụ làm, nhiều hôm học sinh không có tiền để mua nhưng cụ vẫn cho thiếu nợ, nếu có thì đưa sau. Có đứa còn nói với cụ là phải cố gắng sống lâu, lỡ sau này cụ không còn nữa thì biết tìm món kẹo này ở ra. Câu nói hồn nhiên của đứa trẻ lứa học sinh nhưng lại làm cụ không thể kìm nén được những giọt nước mắt.
“Cụ chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ bỏ cái nghề này cả, cái ngày mà cụ không còn làm kẹo kéo nữa chỉ là khi không còn sức để tiếp tục nữa mà thôi”, cụ Năm nói.
Không những món kẹo “ đặc biệt” chỉ bán cho những đứa trẻ lứa tuổi học sinh ở địa phương, mà mỗi khi Việt kiều từ Mỹ về còn ghé nhà cụ Năm để đặt mua đưa sang làm quà.
Bởi lẽ kẹo kéo là món quà vô giá đối với những người xa xứ, hương vị không thể lẫn vào đâu được, gợi nhớ lại cho họ nhiều dấu ấn đẹp về quê hương mình.