Cú hích cho du lịch cộng đồng

Minh Quân 28/07/2023 07:08

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang được xem là mô hình không chỉ giúp tạo sinh kế, cải thiện thu nhập cho bà con nhiều địa phương mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Dù có những đột phá nhưng du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng của Việt Nam vẫn còn đó những điểm nghẽn...

Du lịch cộng đồng đang có dấu hiệu tích cực.

Nhiều mô hình hiệu quả

Từ bước đầu phát triển theo phong trào mô hình này đang dần hình thành với nhiều điểm đến đặc sắc, chuyên nghiệp thu hút du khách trong và ngoài nước. Tại khu vực phía Bắc, nhiều địa phương hiện đang sở hữu không chỉ một mà hàng chục điểm du lịch cộng đồng. Có thể kể đến như Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên…

Thậm chí, một số địa phương trước đó ít quan tâm đến du lịch cũng đang tìm hướng phát triển mô hình này. Đơn cử như thảo nguyên Đồng Lâm (Hữu Lũng, Lạng Sơn) dù mới phát triển trong vài năm trở lại đây nhưng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ đang trở thành điểm đến lý tưởng trong những ngày cuối tuần. Hay bản Ven (Yên Thế, Bắc Giang) vùng đất của bà con dân tộc Cao Lan với cảnh sắc bình yên nhưng thông qua việc phát triển du lịch cộng đồng giúp nơi đây dần “thay da, đổi thịt” và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trải nghiệm.

Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng đang mang nguồn lợi cho cả hai phía cung lẫn cầu. Bởi với quỹ thời gian eo hẹp, cuộc sống ồn ã chốn thị thành thì chỉ với 2,3 giờ di chuyển để tìm đến một chốn bình yên, cảnh sắc nên thơ đang là sự lựa chọn lý tưởng của nhiều gia đình hay nhóm bạn bè vào mỗi dịp cuối tuần. Còn ở chiều ngược lại, các mô hình du lịch cộng đồng giúp người dân địa phương thu lại được nhiều thứ không chỉ là câu chuyện kinh tế.

Theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam Phạm Hải Quỳnh, du lịch cộng đồng không chỉ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân địa phương mà còn có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kinh tế, đảm bảo sự cân bằng, tính bền vững về tài chính và xã hội của đất nước. Điều này có nghĩa là với các nước đang phát triển, đặc biệt, ở Việt Nam có nhiều nhóm dân tộc thiểu số, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng có thể đảm bảo một bước đột phá cho thành công du lịch trong tương lai.

Cũng theo ông Quỳnh, các mô hình du lịch cộng đồng cũng góp phần nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch sẽ, đóng góp tích cực cho việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tạo điểm khác biệt để thu hút du khách tới các địa phương miền núi, hải đảo. Phát huy những giá trị văn hóa bản sắc truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số qua các lễ hội, trang phục, ẩm thực... nhằm mang đến cho công chúng và du khách những trải nghiệm đặc sắc.

Khi nào “gà đẻ trứng vàng”?

Tuy nhiên, dù có những đột phá nhưng du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng của Việt Nam vẫn còn đó những điểm nghẽn, cần những cú hích để đáp ứng xu thế phát triển chung. Đơn cử, như việc nới lỏng chính sách visa từ ngày 15/8 đang đặt ra thách thức cho những điểm đến du lịch cộng đồng làm sao “chiều lòng” được nguồn du khách nước ngoài với những chuyến đi dài ngày. Bởi thực tế, dù các mô hình du lịch cộng đồng đang dần đa dạng các loại hình dịch vụ nhưng quỹ thời gian trải nghiệm cũng chỉ đáp ứng cho du khách đến và đi trong thời gian 2 đến 3 ngày. Không những vậy, các loại hình dịch vụ gần như na ná nhau. Thậm chí thành công của điểm đến này được điểm đến khác mang về rập khuôn, có chăng khác mỗi cái tên. Không những vậy, khái niệm du lịch cộng đồng cũng đang được nhiều địa phương hiểu sai. Hiện nay, ở nhiều địa phương đang cho rằng người dân mở ra các homestay, các khu lưu trú cá nhân như thế là đang làm du lịch cộng đồng.

CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài nhìn nhận, nhiều người chưa thực sự hiểu giá trị của văn hóa bản địa là chìa khóa phát triển du lịch cộng đồng nên đã phá vỡ cảnh quan, làm mai một văn hóa đặc sắc, trang phục, tiếng nói, tập quán của dân tộc mình. Kể cả việc những ngôi nhà sàn, nhà trình tường cũng bị bê tông hóa.

Với lợi thế, tiềm năng có sẵn du lịch cộng đồng với nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi thì đây là cơ hội vàng. Thế nhưng để biến thành “gà đẻ trứng vàng” thì vẫn còn đó một hành trình dài trong thay đổi tư duy từ người thực hiện đến các cơ quan quản lý. Phát triển du lịch cộng đồng cần phải có sự chung sức của chính quyền địa phương, ngành du lịch cùng người dân.

Để du lịch cộng đồng ngày càng thu hút được khách du lịch thì cộng đồng phải đoàn kết cùng phát triển, nhìn nhận rõ nhất giá trị của chính mình. Trong quá trình xây dựng các làng du lịch cộng đồng, cần căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác và dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch. Từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cú hích cho du lịch cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO