Du lịch nông nghiệp nông thôn không chỉ tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế, còn là không gian để tiêu thụ nông sản tại chỗ. Tuy nhiên, mỗi địa phương cần có sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, mà không trùng lặp với nơi khác thì mới có thể thu hút được du khách… cùng với đó xây dựng thương hiệu tại các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn. Để làm được điều đó ngành du lịch cần có chiến lược rõ ràng.
Sức bật từ du lịch nông thôn
Nhận thấy du lịch phát triển sẽ giúp đồng bào Mông ở Mù Cang Chải tự tạo thu nhập chính, vì vậy, thời gian qua huyện Mù Cang Chải, (tỉnh Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào Mông thay đổi tư duy, cách làm, mạnh dạn đầu tư du lịch cộng đồng tại các địa phương có thế mạnh. Song song với tuyên truyền, huyện có các hoạt động hỗ trợ về xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nghề về các kỹ năng phục vụ du lịch. Chỉ tính riêng năm 2022, huyện đã hỗ trợ thành lập 2 tổ tự quản thu gom rác thải, mở 2 lớp truyền dạy biểu diễn khèn Mông, duy trì và thành lập mới 19 đội văn nghệ; xây dựng 2 nhà vệ sinh đạt chuẩn tại điểm du lịch.
Đáng ghi nhận để du lịch phát triển bền vững, ngoài việc xây dựng các hạng mục, cơ sở hạ tầng du lịch, huyện còn tích cực chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển các sản vật đặc trưng theo hướng hàng hoá, hình thành sản phẩm phục vụ du lịch. Từ sự hỗ trợ này, người dân Mù Cang Chải đã mạnh dạn thay đổi tư duy, chuyển hướng làm du lịch gắn với nông nghiệp.
Đến nay theo thống kê toàn huyện có 9 homestay mới được hình thành và đi vào hoạt động, nâng tổng số homestay toàn huyện lên 105 cơ sở, có khả năng phục vụ trên 3.000 người nghỉ/đêm. Nhiều mô hình đã đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng góp phần tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo hiệu quả. Cùng với phát triển dịch vụ du lịch lưu trú, huyện Mù Cang Chải cũng kết hợp quảng bá sản phẩm nông sản giúp tiêu thụ nông sản đặc trưng cho người dân. Đến nay, một số vùng sản phẩm nông sản đặc trưng như: 6.000ha sơn tra, 50ha lê tai nung, 30ha hồng giòn, 100ha ngô tí hon… được hình thành và nhân rộng ở Mù Cang Chải, phục vụ nhu cầu nội tiêu và du lịch.
Những lợi ích từ hoạt động du lịch mang lại cho người dân đã được khẳng định, đó là tối đa hóa việc sử dụng lao động, sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ địa phương, từ đó, người dân có thêm việc làm, thêm thu nhập và vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, du lịch nông thôn ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ mang lại sắc thái mới, sức sống mới tại khu vực nông thôn. Qua thống kê sơ bộ, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động trải dài từ miền Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách. Nhiều bà con dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi, heo hút trở nên tự tin, năng động hơn nhờ làm du lịch. Nhiều cộng đồng làng quê hồi sinh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, cuộc sống văn minh hơn nhờ làm du lịch.
Nông lâm, thủy sản, ngành nghề truyền thống tăng thêm giá trị trở thành đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP nhờ vào du lịch. Những cánh đồng lúa, ruộng bậc thang, vườn cây, sông suối, ao hồ, làng chài… đều được nối kết thành điểm đến đặc sắc trên hành trình trải nghiệm. Tri thức, văn hóa bản địa, ẩm thực dân gian, nghi lễ truyền thống… được đánh thức nhờ vào du lịch.
Đặc biệt, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế cho địa phương mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Đó là định vị hình ảnh nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái thông qua đó tiếp thị quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn.
Vẫn còn nhiều trăn trở
Hiệu quả đem lại rất lớn, song theo đánh giá của Bộ NNPTNT, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn những hạn chế. Nhiều địa phương chưa nhìn thấy hết tiềm năng từ loại hình du lịch này và chưa hình dung hết, còn thiếu quan tâm, tạo điều kiện chăm chút, hoàn thiện để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; các mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu gắn kết.
Phần lớn các điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ với cộng đồng; hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng; cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa thể trở thành động lực để phát triển một ngành du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang lại giá trị cuộc sống.
Đề cập về những khó khăn trong việc triển khai du lịch nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng về phát triển du lịch nông thôn. Hiện, tỉnh đang tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp của người dân, hỗ trợ đầu tư thêm thu hút khách du lịch. Ví dụ như vườn măng cụt 100 tuổi, vườn chôm chôm, sầu riêng, trại sữa dê Mộc Đào, vườn dâu Thiên Ân, khu du lịch mùa xuân. Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các điểm mô hình kinh tế tuần hoàn thành mô hình phát triển du lịch nông nghiệp.
Tuy thế, Hậu Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng giao thông. Sản phẩm du lịch mùa vụ không thể kinh doanh thường xuyên, ảnh hưởng đến lượng khách. Phát triển du lịch chủ yếu theo kinh tế hộ còn nhỏ lẻ, kinh nghiệm trong quản lý điều hành phát triển du lịch còn hạn chế.
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng trăn trở về vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất trong phát triển du lịch nông nghiệp. Do đó, ông Tuyên kiến nghị, sửa đổi Nghị định 57 về phát triển du lịch nông thôn, bởi tuy chính sách đã được ban hành nhưng doanh nghiệp vẫn đang khó tiếp cận.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, cho rằng du lịch nông nghiệp Việt Nam chưa thật sự đột phá. Vì vậy, từ chương trình OCOP, có thể phát triển thêm chương trình “Mỗi tỉnh thành một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”, xa hơn nữa là “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng”. Phong trào này sẽ giúp các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn của các tỉnh thành không bị trùng lặp, tạo nên sức hút du khách qua các thông điệp và câu chuyện truyền thông riêng biệt” - bà Ly đề xuất.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đánh giá, phát triển sản phẩm OCOP chất lượng, bền vững và gắn với phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm OCOP, cần phát huy, nâng cao năng lực nội sinh của mỗi hộ nông dân từ đó tạo ra giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, điểm chính của du lịch nông nghiệp nông thôn là sử dụng tối đa công năng trên diện tích đất nông nghiệp của chính người dân để khai thác du lịch. Khách du lịch khi trải nghiệm du lịch nông nghiệp nông thôn là để tìm hiểu, trải nghiệm về các hoạt động sản xuất nông nghiệp thực tế, hòa mình vào cuộc sống của người nông dân, chứ không phải để hưởng thụ các dịch vụ sang trọng như ở thành phố.
“Ở nhiều địa phương đang nhầm lẫn, đề xuất chuyển đổi đất nông nghiệp sang làm du lịch, như thế sẽ làm mất đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Đã đến lúc cần phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, cần liên kết các sản phẩm OCOP sẽ giúp khắc phục được những hạn chế của mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún” - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định: Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế giá trị phát triển của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng bổ sung nội dung này vào phát triển của từng vùng. Tính đến tháng 3/2023, cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động trải dài từ miền Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân, kinh tế cho địa phương mà còn tích hợp đa giá trị trong không gian kinh tế nông thôn hướng đến những làng quê đáng sống.