Cú hích mới cho dự án khởi nghiệp

LÊ ANH 14/11/2023 06:19

Việc TP HCM quyết định hỗ trợ các dự án khởi nghiệp với mức cao nhất lên đến 400 triệu đồng ngay từ giai đoạn ươm tạo dự án, đang thu hút sự quan tâm từ các dự án khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực, nhất là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Khu Công nghệ cao TPHCM đã và đang đầu tư nhiều dự án ươm mầm để thu hút nguồn lực khoa học công nghệ cho thành phố. Ảnh: Hồng Phúc.

Ưu tiên cho khởi nghiệp sáng tạo

Thông tin về nghị quyết quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn 2023-2028 vừa được HĐND TPHCM thông qua, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố quy định mức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn. Đây là cơ chế được vận dụng từ quy định tại điểm E và điểm Đ khoản 1, Điều 8 của Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Vẫn theo ông Cường, TPHCM ưu tiên hỗ trợ 9 lĩnh vực, bao gồm: thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số và an ninh mạng. Đặc biệt, ngay từ giai đoạn dự án tiền ươm tạo, thành phố dự kiến mức hỗ trợ 40 triệu đồng/dự án, với thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng/dự án. Ở các giai đoạn tiếp theo, thành phố sẽ chi mức hỗ trợ lên đến 400 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án, trong đó ưu tiên cho các dự án có đối ứng từ các nhà đầu tư khác.

Hiện nay, thông qua các chương trình ươm tạo và cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo, có khoảng 25 cơ sở ươm tạo tại TPHCM được dự kiến chọn ra các dự án khả thi nhất để đưa vào danh sách hỗ trợ. TPHCM dự kiến hàng năm sẽ có khoảng 150 dự án được hỗ trợ và gắn bó với dự án ngay từ giai đoạn dự án tiền ươm mầm. Chỉ tính riêng dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả năm 2023 đã vào khoảng 17 tỷ đồng.

Về chủ trương cơ chế mới này, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học quản lý và kinh tế TPHCM cho rằng sẽ khích lệ rất lớn đối với giới nghiên cứu hoa học, đặc biệt là các dự án khởi nghiệp, sáng tạo, vốn phát triển rất nhanh trên địa bàn thành phố thời gian qua. Tuy nhiên, để nhiều dự án khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ngân sách không hoàn lại này thì UBND TPHCM, cũng như chính quyền từng quận, huyện và TP Thủ Đức cần sớm ban hành một kế hoạch triển khai bài bản, cụ thể, đồng thời thông qua việc tổ chức các vườn ươm, cuộc thi, chương trình cụ thể để thu hút sự tham gia khởi nghiệp sáng tạo của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) trẻ.

Cơ hội để khởi nghiệp

KTS Nguyễn Văn Biểu - Giám đốc Công ty TNHH Bhomes tại huyện Nhà Bè (TPHCM) cho rằng, lâu nay các sinh viên ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ ra trường thường vấp phải khó khăn về vốn đầu tư. Vì vậy, nếu mỗi dự án được cấp vốn không hoàn lại, sẽ tạo động lực để DN mới tham gia thị trường có cơ hội để trưởng thành. “Tôi được biết nghị quyết đã được HĐND TPHCM thông qua và nguồn kinh phí sẽ được hỗ trợ sử dụng cho cả quá trình trả công lao động; sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật; thuê chuyên gia;... DN vừa và nhỏ, thậm chí các DN trẻ có thể tận dụng để thu hút chất xám cho lĩnh vực, ngành nghề mà mình khởi nghiệp” - ông Biểu chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Long cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến quy trình và cách thức để một dự án khởi nghiệp có thể tham gia nhận hồ trợ không hoàn lại từ ngân sách của thành phố. Theo ông Tâm, hiện nay hầu hết các DN trẻ đều bắt đầu từ con số 0 và có số vốn hạn chế, chủ yếu phải đi vay, nhận sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè. Do đó, nếu tận dụng được sự hỗ trợ cả về vốn đầu tư ban đầu và cơ chế, chính sách đãi ngộ, chắc chắn sẽ có thêm sự tự tin để khởi nghiệp và phát triển.

Ngoài cơ chế cho dự án khởi nghiệp, tại Hội thảo đánh giá Chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghệ 4.0, ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học quốc gia TPHCM cho biết, hiện nay năng lực nghiên cứu, khả năng thu hút đầu tư xã hội của các Viện, trường phía Nam, trong đó số sản phẩm giành giải cao ở khu vực này cũng rất lớn. Do đó, ông Quân đề xuất, thời gian tới cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để nhà khoa học có thể nộp hồ sơ trực tuyến. Riêng về đầu ra nghiên cứu, các công trình cần có địa chỉ ứng dụng cụ thể, sản phẩm có sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Cùng với cơ chế của TPHCM, hiện nay chương trình khoa học - công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 về hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 đã triển khai được 4 năm, trong đó đã có hơn 500 đề xuất đăng ký tham gia và được chương trình lựa chọn, triển khai 74 nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cú hích mới cho dự án khởi nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO