Hơn 2 năm qua dịch bệnh Covid-19 hoành hành, mọi hoạt động nghệ thuật ngừng trệ; đó cũng là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung và ngành múa nói riêng. Các biên đạo “đắt show” nhất thì nay cũng có thời gian để “tĩnh dưỡng”, “nghỉ ngơi”.
Chưa có nhiều đổi mới
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến cuộc sống của nhiều nghệ sĩ biểu diễn lao đao, bên cạnh đó cũng khiến nhiều nghệ sĩ sáng tác rơi vào tâm trạng bất an, loay hoay tìm đất sáng tạo để không có nguy cơ rơi vào sự ỳ trệ.
Cho dù cường độ sáng tác bị giảm sút nhiều so với thời gian trước khi xảy ra dịch bệnh, những show diễn lớn, quy mô tầm quốc gia, quốc tế bị hạn chế, nhưng nhiều biên đạo múa vẫn năng nổ, tích cực tham gia sáng tác cho các sự kiện nội bộ, phục vụ khán giả ở quy mô nhỏ.
Cũng may, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 tại Hải Phòng được tổ chức đã tạo điều kiện đẻ các biên đạo, nghệ sĩ sáng tác được thỏa sức sáng tạo. Dù vậy, các tác phẩm múa do các biên đạo sáng tạo trong cuộc liên hoan này có gì mới mẻ, có để lại dấu ấn nhiều hay không vẫn là điều mà giới yêu nghệ thuật múa luôn quan tâm.
Xin điểm lại những tác phẩm múa đạt giải cao trong kỳ liên hoan và những tác phẩm lọt “top” giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam để cùng chiêm nghiệm xem các biên đạo múa của chúng ta có tạo được những bứt phá như mong đợi, có tạo được sự hấp dẫn, mới lạ cho tác phẩm hay không?
“Ném Pao trao tình” do biên đạo - NSND Hữu Từ và Biên đạo Việt Phong dàn dựng cho Đoàn Lào Cai là một tác phẩm đẹp, khá sắc nét với những tổ hợp múa logic, hợp lý; có sự tương xứng, hài hòa giữa mỹ thuật, âm thanh, ánh sáng biểu hiện không khí ném Pao, vui xuân của các chàng trai, cô gái người Mông. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn chưa bộc lộ được những điểm mạnh của NSND Hữu Từ, dường như nhà biên đạo vẫn chưa vượt được lên chính mình.
Tác phẩm “Con đường tìm muối” của Biên đạo – NSƯT Thanh Tùng là một trong những tác phẩm được đánh giá khá cao tại Liên hoan Ca múa nhạc và cũng là tác phẩm đạt giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam năm 2021. Vậy nhưng có lẽ để đi tìm sự “bứt phá” trong tư duy sáng tạo, tìm điểm nhấn ấn tượng, sâu sắc thì dường như “Con đường tìm muối” vẫn chưa đủ “mặn”, chưa đủ thấm đối với người mộ điệu.
Bên cạnh những tác phẩm mang phong cách dân gian, dân tộc thì trong những năm gần đây, chúng ta nhận thấy rất nhiều biên đạo “chuộng” xu hướng sáng tác theo mô týp dân gian đương đại hoặc dân tộc đương đại. Đơn cử như tác phẩm “Men tình lứa đôi” và “Ban mai trên mặt hồ” của biên đạo – NSƯT Văn Hiền là 2 trong số nhiều tác phẩm sử dụng chất liệu, ngôn ngữ chuyển động của múa đương đại làm nền tảng, phương cách biểu lộ dân tộc cần đề cập.
Tuy nhiên, những tác phẩm dạng này cũng đặt ra nhiều tranh cãi về vấn đề văn hóa bản địa, về tính dân tộc có được bảo toàn hay không...
Tìm hướng đi đúng
Bàn luận về vấn đề văn hóa, dân tộc trong tác phẩm múa, rất nhiều nghệ sĩ, nhà giáo, nhà sáng tác múa đều khá gay gắt khi nhận thấy rằng nhiều tác phẩm múa ‘được tiếng” là phản ánh tâm linh, dân tộc nhưng thực tế biên đạo dường như không hiểu gì về văn hóa, phong tục của dân tộc muốn đề cập. Theo NSND Văn Quang - nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, những tác phẩm như vậy không đạt được hiệu quả, mục đích của nó. Hơn hết, các biên đạo cần thẳng thắn, khách quan nhìn nhận để bổ khuyết, điều chỉnh định hướng sáng tác và cho dù có sử dụng bất cứ thủ pháp hay kỹ nghệ đương đại nào cũng vẫn phải hết sức thận trọng, không được phép xa rời văn hóa, hồn cốt dân tộc.
Một lần nữa, không thể phủ nhận rằng để có những sáng tác hoàn thiện mang đến Liên hoan, đó là những nỗ lực phi thường của không chỉ riêng biên đạo múa, mà còn là sự cộng hưởng, đồng lòng của cả ê kip các nghệ sĩ sáng tạo, biểu diễn, của các nhà quản lý. Tuy nhiên, phải khách quan nhìn nhận rằng, nếu đây là những tác phẩm đạt thứ hạng cao nhất tại Liên hoan thì quả thật vẫn còn những điều buộc các nhà chuyên môn phải trăn trở.
NSƯT Trần Ly Ly - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định, nhiều tác phẩm dường như sao chép lối dàn dựng của các biên đạo đã thành danh, vì vậy thiếu tính sáng tạo, không tạo được cá tính riêng. Một số biên đạo tuy vẫn giữ được sự chỉn chu và phong cách ổn định nhưng lại không phát huy được thêm chất liệu hoặc ý tưởng mới…
Những nỗ lực, sự vượt khó của mỗi nghệ sĩ trong thời điểm dịch bệnh là điều cần được chia sẻ, ghi nhận, biết ơn. Song, chúng ta không thể coi đó là nguyên do, là cái cớ để “lấp liếm, che đậy” đi sự “cũ mòn”, “nghèo nàn” trong tư duy sáng tạo nghệ thuật. Và câu chuyện sáng tạo, nhất là sáng tạo trong nghệ thuật dù ở thời đại nào vẫn luôn là một bài toán khó đòi hỏi các nghệ sĩ phải không ngừng tư duy, không ngừng tìm tòi và khám phá.