Ông Trương Viết Dũng (72 tuổi, trú tại đường Lý Tự Trọng, TP Hà Tĩnh) đã có đến hơn 30 năm làm đèn Trung thu. Ông bắt tay vào nghề này khi đời sống của phần lớn người dân đang gặp khó khăn, đồ chơi Trung thu còn rất hiếm. Từng có thời gian ở trong quân ngũ, chiến đấu trên các chiến trường rồi trở về quê, trải qua nhiều nghề nhưng với tình yêu thương con trẻ và tấm lòng đau đáu khi nghĩ về ký ức của những mùa Trung thu gian khó, từ năm 1990, ông Dũng bắt đầu làm các loại đèn Trung thu thủ công cho đến nay. Mỗi dịp Trung thu, căn nhà nhỏ của ông trở thành xưởng sản xuất đèn, đa phần là đèn ông sao. Vừa làm ông vừa rút kinh nghiệm để chiếc đèn ông sao ngày càng tinh xảo, đẹp mắt... Để hoàn thiện được một chiếc đèn ông sao phải trải qua rất nhiều công đoạn như vót tre, dựng khung, cắt dán giấy trang trí… nhưng theo ông, khó nhất là dựng khung. Theo ông, để chiếc đèn bền đẹp, người làm phải chọn được tre tốt, già và các loại giấy bóng kính, giấy dán được tìm lựa cẩn thận. Đặc biệt, tất cả những đèn ông sao do ông làm ra ở giữa đèn không thể thiếu hình Bác Hồ. Theo ông Dũng, sinh thời Bác Hồ rất yêu thương thiếu niên nhi đồng nên ông muốn làm những chiếc đèn ông sao luôn có hình ảnh của Bác, để Bác luôn sống trong lòng dân tộc và thiếu nhi Việt Nam. Ngoài những chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu, ông Dũng còn tìm kiếm những nguyên liệu thân thiện với môi trường như: tre nứa, bìa carton... để làm đèn cá. Đây là loại đèn được ông Dũng thêm một số ý tưởng sáng tạo như vây cá, mắt cá có thể cử động khiến trẻ con rất yêu thích. Mỗi ngày ông làm tới 10-12 tiếng đồng hồ, có khi mải miết quên cả ăn trưa. Vì làm một mình nên một ngày ông chỉ làm được 2-3 chiếc đèn ông sao cỡ vừa. Với loại đèn cá, ông tốn nhiều thời gian hơn, khoảng một ngày mới hoàn thiện xong tất cả các khâu. Cũng chính vì lòng đam mê và nhiệt huyết với nghề mà nhiều năm nay, ngôi nhà của ông đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người tìm mua đèn Trung thu truyền thống. Hơn 30 năm gắn bó với nghề nhưng không phải năm nào đèn Trung thu truyền thống cũng đắt hàng. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và mong muốn gìn giữ nét văn hóa truyền thống, chưa bao giờ ông có ý định từ bỏ nghề làm đèn lồng truyền thống. Mỗi mùa Trung thu, ông Dũng có thể bán được từ 40 đến 60 chiếc đèn loại 1 m đến 1,5 m với giá từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng mỗi chiếc.