Cú sốc lớn với người tiêu dùng

Minh Phương (thực hiện) 31/10/2017 08:35

Vụ việc của Khaisilk đang gây một cú sốc lớn đối với người tiêu dùng. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù ông Hoàng Khải đã xin lỗi người tiêu dùng, song cái mà ông Khải không bao giờ lấy lại được chính là niềm tin của người tiêu dùng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã có những trao đổi với Đại Đoàn Kết.


PV: Sự việc của Khaisilk đã gây ra một cú sốc lớn đối với người tiêu dùng. Theo ông, liệu niềm tin của người tiêu dùng có còn trở lại với Khaisilk kể cả khi ông Hoàng Khải đã cúi nhận vàcó lời xin lỗi?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi nghĩ, với vị trí là người đứng đầu 1 doanh nghiệp (DN), lời xin lỗi mà ông Hoàng Khải đưa ra là khá kịp thời, nó thể hiện một sự cầu thị, còn hơn nhiều trường hợp DN có lỗi mà rất khó đưa ra lời xin lỗi, thậm chí không chịu xin lỗi. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu là lỗi nhỏ, do vô tình thì tôi tin người tiêu dùng rồi sẽ bỏ qua. Nhưng nếu là lỗi cố ý, vi phạm trong một thời gian dài, thậm chí liên quan đến chất lượng sản phẩm và chênh lệch giá quá lớn thì quả thực, DN đã tự để mất lòng tin của người tiêu dùng. Liệu niềm tin của người tiêu dùng có trở lại hay không, tôi nghĩ đây là thách thức rất lớn đối với DN, phụ thuộc vào việc ứng xử với người tiêu dùng trong giải quyết thiệt hại của họ ở sự cố này cũng như cung cách làm ăn trong thời gian tới của chính DN. Chúng ta đã gặp nhiều trường hợp, xây dựng thương hiệu rất khó nhưng đánh mất lại rất dễ, do chính cách hành xử của mỗi DN mà thôi.

Theo một khảo sát, 90% lụa trên thị trường là hàng “made in China”. Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, con số này liệu có đang đi ngược với mục đích đó, thưa ông?

- Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng rất quan tâm và hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ cuộc vận động này, nhiều mặt hàng, sản phẩm của DN Việt đã được người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, con số trên, nếu đúng là thực tế thì thực sự là điều đáng buồn. Vì đây là mặt hàng truyền thống, không chỉ được người Việt ưa chuộng từ xa xưa mà còn xem như “cốt hồn, cốt túy” làm quà tặng cho bạn bè quốc tế, quảng bá hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Nếu lụa Trung Quốc trên thị trường nhiều đến vậy thì mặt hàng này của chúng ta đã thua ngay trên sân nhà.

Câu chuyện của Khaisilk khiến cho dư luận lo ngại: Phải chăng, DN Việt không coi trọng việc xây dựng thương hiệu, khi mà họ đang dễ dàng đánh mất niềm tin của người tiêu dùng đến như vậy?

- Tôi không cho là như vậy, đây chỉ là một trường hợp cá biệt. Trên thực tế, có rất nhiều DN đang nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ nó. Qua vụ việc này, tôi tin rằng không chỉ Khaisilk mà còn nhiều DN khác cũng lấy là bài học đắt giá để trân trọng giá trị thương hiệu của mình hơn, nếu như họ muốn phát triển bền vững và trụ được trên thương trường trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 30/10, UBND TP HCM họp về tình hình kinh tế xã hội tháng 10, định hướng phát triển trong hai tháng còn lại năm 2017. Tại buổi họp Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Công thương báo cáo thêm về vụ Khaisilk . Báo cáo lãnh đạo TP HCM, ông Nguyễn Thành Kiên - Giám đốc Sở Công thương cho biết, thành phố có 3 cửa hàng của Khaisilk trên đường Đồng Khởi và đường Tôn Đức Thắng (quận 1) cùng 4 nhà hàng thuộc quận 7 và quận 3 có trưng bày sản phẩm Khaisilk. Hiện 3 cửa hàng trên đã đóng cửa và đề bảng với nội dung ngừng bán để kiểm tra hàng hóa. Trước báo cáo này, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, xử lý nghiêm, không để tình trạng buôn bán hàng gian, hàng giả tràn lan trên địa bàn.

Thanh Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cú sốc lớn với người tiêu dùng