Trong những năm kháng chiến, một trong những già làng, trưởng bản tiêu biểu đồng thời là người cộng sản kiên cường, bất khuất nhất của Tây Nguyên anh dũng là cụ Y-bih-Alêô.
Đường Y Bih – Alêô mang tên người trí thức cách mạng tiêu biểu của Tây Nguyên ở Thành phố Buôn Ma Thuột ngày nay.
Y-Bih-Alêô sinh năm 1901 trong một gia đình nghèo ở buôn Ya cách thị xã Buôn Ma Thuột (nay là thành phố) 25km về phía Nam. (1)
Dưới thời Pháp thuộc, Y Bih-Alêô cũng như bao thanh niên khác người dân tộc Êđê được theo học tại trường tiểu học Pháp - Đê tại Buôn Ma Thuột. Vốn chăm học và thông minh, ông được người Pháp trọng dụng, lúc đầu làm thông ngôn cho Pháp, sau đó chuyển sang làm lính khố xanh và phong chức tiểu đoàn trưởng bảo an binh.
Bất bình với số phận của một dân tộc nô lệ, ông chống lệnh cấp trên, không đàn áp các cuộc biểu tình chống sưu cao, thuế nặng và bị cầm tù.
Trong tù, được những người cộng sản cùng bị bắt giác ngộ nên khi ra tù ông chuyển sang hoạt động cho Việt Minh.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Thực hiện Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương, Y Bih-Alêô bỏ lính trở về làng, tham gia Mặt trận Việt Minh tại địa phương. Cách mạng tháng Tám thành công, ông vận động toàn bộ lính khố xanh thuộc tiểu đoàn trước đây ông phụ trách về với Việt Minh và lấy tên mới là Tiểu đoàn Cứu quốc quân và Mặt trận Việt Minh phong ông làm Tiểu đoàn trưởng.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, tiểu đoàn cứu quốc quân của ông đã tham gia nhiều chiến dịch ở nhiều địa phương thuộc Tây Nguyên và miền Trung Trung Bộ, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Việt Minh giao. Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, đánh địch, ông với tư cách một nhân sĩ, trí thức tiêu biểu còn có trọng trách: tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đi theo Bác Hồ, theo Đảng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như: vào dân quân, du kích, đi bộ đội; đẩy mạnh tăng gia, sản xuất cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội Cụ Hồ; tổ chức rào làng, buôn, bản chiến đấu bằng những vũ khí tự tạo chống lại những chiến dịch càn quét, khủng bố của kẻ thù v.v…
Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Y Bih-Alêô được tổ chức phân công ở lại không tập kết ra Bắc. Từ đầu năm 1957, trên vùng Tây Nguyên, Mỹ - Diệm mở rộng đồn bốt cũ, xây thêm nhiều đồn bốt mới và hệ thống cứ điểm dọc các trục giao thông, bao vây các căn cứ cách mạng, ngăn chặn vùng biên giới.
Bằng chiến dịch “trực thăng vận”, chúng tổ chức tố cộng, khủng bố dã man những người kháng chiến cũ. Chúng dồn dân từ các vùng núi cao xuống vùng giáp ranh đồng bằng, ven đô thị, vào các khu tập trung, khu trù mật hòng đánh bật những người kháng chiến cũ ra khỏi các cơ sở cách mạng và nhân dân.
Ngọn lửa đấu tranh của các dân tộc Tây Nguyên bùng lên mạnh mẽ, mà đỉnh cao là Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên do Y Bih-Alêô làm Chủ tịch – người có công lớn trong việc vạch trần âm mưu chia rẽ, phá hoại của bọn địch đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên.
Tháng 5/1958, nhiều cuộc biểu tình nổ ra với hàng vạn đồng bào các dân tộc tham gia ở thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện của Đắc Lắc đòi tự trị, rồi lan dần sang Pleiku, Kontum và Đà Lạt.
Cũng vào thời điểm đó, tại các vùng đông dân, các trung tâm đô thị xuất hiện phong trào: “Dân tộc tự trị” chống cưỡng bức đồng hóa dân tộc, thu hút đông đảo đồng bào, kể cả những người thuộc tầng lớp trên, trí thức, sĩ quan, binh lính trong hàng ngũ địch tham gia.
Tháng 6/1958, một số sĩ quan, công chức của Pháp họp tại Đà Lạt ký kiến nghị gửi Liên Hiệp Quốc và sứ quán Mỹ, Pháp ở Sài Gòn đòi Tây Nguyên tự trị và thành lập phong trào Bajarara gồm các dân tộc Bana, Jarai, Rađê, K’ho. Sau đó đổi tên thành “Phong trào giải phóng các cao nguyên” do Y Brăm Eeny làm Chủ tịch. Diệm thẳng tay đàn áp, bắt giam Y Brăm và một số lãnh đạo phong trào.
Trong những ngày sục sôi cách mạng, với khí thế đồng khởi của đồng bào miền Trung và Tây Nguyên, vào trung tuần tháng 10/1960, tại vùng căn cứ Kôn-Hà-Nừng thuộc huyện An Khê, tỉnh Gia Lai, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và miền núi phía Tây vùng duyên hải Nam Trung bộ họp Đại hội thành lập “Phong trào tự trị Tây Nguyên”.
Đại hội bầu Y Bih-Alêô - một cán bộ Việt Minh, một trí thức tiêu biểu, một đảng viên cộng sản mẫu mực – người có uy tín lớn trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên làm Chủ tịch phong trào. Đại hội lấy hình con chim chèo bẻo – một loại chim có đặc tính đoàn kết gắn bó và chiến đấu dẻo dai làm biểu tượng của phong trào. Đại hội kêu gọi các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết với đồng bào Kinh, cùng cả nước chống Mỹ - Diệm. Đại hội cử đoàn đại biểu các dân tộc Tây Nguyên do Chủ tịch Y Bih-Alêô làm trưởng đoàn đi dự Đại hội toàn miền Nam thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/10/1960).
Tại Đại hội, thay mặt cho phong trào Dân tộc tự trị Tây Nguyên Y Bih-Alêô tuyên bố tán thành Cương lĩnh cứu nước của Mặt trận và khẳng định sẽ là thành viên tích cực của Mặt trận. Đại hội cử ông làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Đắc Lắc.
Năm 1962, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trung Trung bộ. Với cương vị mới, địa bàn hoạt động rộng lớn hơn, ông băng đèo, vượt suối đến với đồng bào dân tộc vùng núi cao, thăm hỏi động viên đồng bào Cor ở Trà Bồng, Cà Tu, Gia Rai, đồng bào Tho Lồ ở Phú Yên, đồng bào Cheo-reo, gặp gỡ bà con ở Sóc Bom-bo. Với đôi chân “đi không biết mỏi” ông thăm hỏi, động viên đồng bào Khơ me ở suốt dọc biên giới Việt Nam – Campuchia.
Tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngày 6/6/1968, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cùng Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, đại diện cho các giai cấp, tầng lớp xã hội, các chính đảng, đoàn thể cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ. Ông Y Bih-Alêô - đại diện các dân tộc Tây Nguyên được cử làm Ủy viên Hội đồng cố vấn của Chính phủ.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài suốt 30 năm chống hết thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ xâm lược, Y Bih-Alêô là người có công lớn trong việc vạch trần âm mưu chia rẽ, phá hoại của kẻ thù đối với bà con các dân tộc Tây Nguyên.
Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập rèn luyện, và sau này của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Y Bih-Alêô đã kiên trì tuyên truyền, vận động, tổ chức để bà con các dân tộc Tây Nguyên vùng lên đấu tranh bất chấp mọi hy sinh, gian khổ cùng nhân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang là thu hồi trọn vẹn nền độc lập dân tộc, thực hiện thống nhất đất nước và đưa nhân dân ta bước vào một thời kỳ mới.
Sau Giải phóng, việc thống nhất các tổ chức Mặt trận trong cả nước vừa là nguyện vọng, vừa là đòi hỏi tất yếu sau khi đã thống nhất về mặt Nhà nước. Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam họp tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977 đã cử ra cơ quan lãnh đạo thống nhất. Chủ tịch Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Cụ Y Bih-Alêô được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch kiêm Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Đắc Lắc.
Do tuổi cao sức yếu, cụ Y Bih-Alêô mất ngày 20/1/1987.
Xét công lao đóng góp cho cách mạng, cho dân tộc và đất nước, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cụ Y Bih-Alêô nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Đại đoàn kết.
______________________
(1) Theo lý lịch gốc lưu tại cơ quan TƯ, còn theo Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đắc Lắc thì cụ sinh ngày 1/9/1909
Nguyễn Túc
(Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam