Hà Tĩnh có 164 km đường biên giới. Từ đặc điểm này, các đối tượng đã đẩy mạnh hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại... đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán.
Làm thủ tục hải quan tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Tăng cường kiểm soát
Những ngày này, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hương Sơn, Hà Tĩnh) mưa, sương mù vây kín lối đi, người và phương tiện giao thương gia tăng. Dọc QL8A lên Cửa khẩu Cầu Treo, lực lượng biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường… bố trí nhiều chốt chặn để kiểm soát người và phương tiện qua lại nhằm “đánh chặn” các hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng cấm (ma túy, pháo...).
Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, địa bàn quản lý của Chi cục là cửa khẩu biên giới có địa hình hiểm trở, phức tạp. Đặc biệt là điều kiện thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. “Cửa khẩu Cầu Treo có hình lòng chảo, ở đây không có đường tiểu ngạch mà chỉ có con đường độc đạo đã được trạm kiểm soát của biên phòng, hải quan chốt chặn, kiểm soát hết sức gắt gao. Hàng lậu, gian lận thương mại đã giảm rất nhiều, điều đáng lo ngại nhất trong 2 năm trở lại đây là hành vi buôn bán vận chuyển ma túy và pháo nổ các loại”- ông Lê Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thông tin và cho biết thêm, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh, gây không ít khó khăn cho việc nắm tình hình, phát hiện, điều tra, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa. Đối tượng thường thu giấu hàng hóa trong hầm, ngăn thủy lực của xe khách, xe tải, xe con, container, thu giấu trên người, hành lý. Thậm chí chúng còn liều lĩnh vận chuyển xuyên rừng, cắt rừng để giao nhận hàng. Chính vì vậy, lực lượng hải quan Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng cường lực lượng, phối hợp với cơ quan chức năng khác triển khai các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại.
“Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chúng tôi phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy qua biên giới. Tập trung đấu tranh có hiệu quả vào các mặt hàng như vũ khí, ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, mỹ phẩm, rượu bia, nước giải khát, bánh kẹo”- ông Dũng nói.
Thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho thấy, năm 2019, đơn vị đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 19 vụ buôn lậu và 1 vụ hàng vô chủ, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (tăng 280% so với cùng kỳ năm 2018). Tổng giá trị tang vật ước tính hơn 300 triệu đồng, thu giữ 101,5 kg pháo nổ, 245 cá thể tê tê cùng gỗ và quần áo các loại. Xử phạt vi phạm hành chính 89 vụ, tổng số tiền nộp ngân sách Nhà nước hơn 490 triệu đồng.
Đối với “hàng trắng”, chỉ riêng khu vực biên giới Cầu Treo, hải quan đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng bắt giữ 18 vụ vận chuyển các chất ma túy (tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018), thu giữ 966kg ma túy đá, hơn 133 nghìn viên hồng phiến, 282 bánh heroin và 20kg cây thuốc phiện tươi.
Hàng lậu không còn “đất sống”
Nhờ sự kiểm soát gắt gao, hàng lậu không còn “đất sống” trên vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh. Những năm trước, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (gồm xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, thị trấn Tây Sơn) nhộn nhịp, sầm uất với các “điểm đen” hàng lậu, nay trở nên yên bình lạ thường.
Người dân địa phương cho biết, trước đây, Khu kinh tế cửa khẩu này được mệnh danh là “phố núi” với những biệt thự xa hoa, nhiều gia đình giàu lên trông thấy nhờ buôn bán gỗ, hàng lậu, hàng Thái...Trong ký ức những cửu vạn thời điểm từ năm 2008-2017 được xem là những ngày huy hoàng thịnh vượng bởi làm ăn rất dễ. Họ chỉ cần một ngày lên rừng từ 2 đến 4 chuyến là có hàng chục triệu đồng trong tay. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường hàng hóa qua cửa khẩu được thắt chặt, doanh nghiệp thất thu, tiểu thương ế ẩm, cửu vạn buộc phải “giải nghệ” vì hết thời.
“Trước kia một ngày cửu vạn có thể kiếm tiền triệu là chuyện bình thường. Tại các khu vực vùng biên phải có đến trăm cửu vạn được phân ở các điểm túc trực tại rừng, đa phần hoạt động vào ban đêm. Những ngày ấy chủ yếu chúng tôi vác hàng như gỗ, đồ điện tử, hàng động vật (tê tê, hổ, khỉ) hay các loại nước uống như bò húc, tăng lực”- ông N.V. H (SN 1970, trú xã Sơn Kim 1, Hương Sơn) chia sẻ.
Thế nhưng, tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo những ngày cuối năm Kỷ Hợi chỉ có các container chở hàng than tạm nhập tái xuất, một số mặt hàng thực phẩm. Doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu ở đây giảm đi đáng kể. Năm 2018 có 390 doanh nghiệp nhưng nay giảm xuống còn 267. Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 30%, thuế giảm 1% so với năm 2018. Những mặt hàng lậu như điện tử, hàng động vật không còn, ngoài ra thuế qua cửa khẩu về 0%.
Theo ông Đinh Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh, trong mấy năm trở lại đây, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo giảm rõ rệt nhờ sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng chức năng. Toàn tỉnh tính đến tháng 11/2019 đã bắt giữ và xử lý 246 vụ vi phạm, trong đó bắt giữ 26 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.