Cục Cảnh sát PCCC chỉ ra 14 biện pháp an toàn khi xảy ra cháy nổ ở nhà cao tầng

Lê Khánh 13/09/2023 14:06

Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C07) Bộ Công an khuyến cáo người quản lý, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp, khuyến cáo của lực lượng chức năng về công tác phòng chống cháy nổ.

Khoảng 23h50 ngày 12/9, một vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại chung cư mini 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ (quận Thanh Xuân).

Theo UBND quậnThanh Xuân, lực lượng chức năng đã cứu được hơn 70 người, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong. Số người thương vong cụ thể chưa được thống kê.

Hình ảnh các nạn nhân tại vụ cháy chung cư mini 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ được đưa đi cấp cứu.

"Để đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra ở các công trình cao tầng, song song với việc chấp hành nghiêm các quy định an toàn thì các tổ chức, cá nhân quản lý công trình phải thực hiện 14 biện pháp", C07 cho hay.

1. Có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy cháy.

2. Trong hoạt động phải sử dụng xăng, dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

3. Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan.

4. Lắp đặt thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt.

5. Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.

Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy.

7. Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan.

8. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích.

9. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.

10. Lối thoát nạn phải có đủ diện tích, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn. Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn. Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, cứu hộ cứu nạn cho lực lượng PCCC, bảo vệ công trình.

12. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy.

13. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người trong tình huống cháy phức tạp nhất.

14. Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114, báo cho công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.

Theo C07, người dân khi phát hiện cháy nhà cao tầng cần bình tĩnh tìm lối thoát nạn, thông báo cho các phòng lân cận trong quá trình thoát nạn. Nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc, người dân cần dùng mặt nạ chống độc hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, lên mặt.

Khi di chuyển cần cúi khom theo tường nhà, khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ ở tay nắm cửa, nếu nhiệt độ cao thì không được mở cửa mà tìm lối thoát nạn khác.

Trường hợp không còn đường thoát, người dân có thể tìm thang hoặc dùng dây, rèm cửa, chăn, ga để nối lại và đu xuống, tuyệt đối không nhảy từ trên cao xuống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cục Cảnh sát PCCC chỉ ra 14 biện pháp an toàn khi xảy ra cháy nổ ở nhà cao tầng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO