Cung cách phục vụ

Lục Bình 01/06/2017 07:35

Bộ Nội vụ vừa công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016. Đà Nẵng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng. Ngược lại, Hậu Giang và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “đội sổ”. Kết quả này đã phản ánh phần nào cuộc “đua tranh” trong cung cách phục vụ nhân dân của cơ quan công quyền. Chiến thắng đã thuộc về đơn vị nào phục vụ dân tốt hơn, nỗ lực hết mình trong CCHC.

Đà Nẵng luôn giữ vững ngôi vị quán quân trong nhiều cuộc đua xếp hạng. Trong ảnh: Cầu Rồng bắc qua sông Hàn.

Như tin đã đưa, kết quả Chỉ số CCHC (Par Index) năm 2016 của các bộ chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, đạt Par Index trên 80% bao gồm 9 bộ, cơ quan ngang bộ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nhóm thứ hai, đạt Par Index từ trên 70% đến dưới 80% gồm 10 bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ Nội vụ; Bộ Y tế; Bộ Công thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Dân tộc; Thanh tra Chính phủ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Với nhiều mô hình cải cách hay, các giải pháp mới được thí điểm áp dụng, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách, được nhiều địa phương khác đến nghiên cứu, học tập.

Đà Nẵng là địa phương duy nhất có kết quả Chỉ số thuộc nhóm A. Trong khi đó Hậu Giang vẫn giẫm chân tại chỗ trong CCHC khiến địa phương này tiếp tục đứng cuối bảng xếp hạng.

Vậy, vì sao Đà Nẵng luôn giữ vững ngôi vị quán quân trong nhiều cuộc đua xếp hạng CCHC, PCI, PAPI? Điều đó chỉ có thể kết luận bằng chính những việc làm, hành động cụ thể trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Đẩy mạnh cải cách và không ngừng đổi mới trong CCTTHC là chìa khóa thành công, làm cho hệ thống chính quyền ngày càng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Do đó, từ nhiều năm trước, TP Đà Nẵng đã xây dựng cho mình kế hoạch 10 năm, sau đó là phân kỳ 5 năm và từng năm về CCHC, trong đó xác định những nội dung cần đột phá.

Ví dụ như bộ chỉ số đánh giá xếp hạng kết quả CCHC đã được áp dụng trong 7 năm qua; sở, ngành đánh giá cho các đơn vị trực thuộc sở; quận, huyện đánh giá cho các xã, phường...

Những điều này đã làm cho phong trào CCHC của Đà Nẵng đều khắp. Theo kết quả khảo sát đánh giá của người dân và doanh nghiệp, chỉ có khoảng 3% ý kiến chưa hài lòng về dịch vụ hành chính công tại TP Đà Nẵng.

Nhiều địa phương khi đến học tập kinh nghiệm Đà Nẵng về CCHC đều công nhận “đặc sản” phong trào “3 hơn”: Nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn của chính quyền Đà Nẵng. “3 hơn”, nói thì dễ nhưng làm không hề dễ. Ở phong trào này, yếu tố con người là trung tâm.

Theo đó, bên cạnh việc chấm điểm cán bộ công chức, việc thực hiện hiệu quả khoán biên chế và chi phí hành chính được coi là yếu tố tác động để công chức chính quyền luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong các phần việc được phân công; đồng thời tiết kiệm chi phí hành chính và không mở rộng biên chế. Chính những nỗ lực trong công tác CCHC đã góp phần đưa Đà Nẵng thành địa phương luôn đứng đầu cả nước về PCI, PAPI và nay là Par Index.

Mới nổi lên dẫn đầu về chỉ số Par Index, đây là năm thứ 2 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước soán ngôi đầu so với các bộ ngành. Điều này được coi là hợp lý khi mà năm 2016 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực không ngừng trong đẩy mạnh CCTTHC.

Hiện đơn vị này đã bãi bỏ 06 TTHC, đơn giản hóa 10 TTHC, đơn giản hóa/cắt giảm 26 thành phần hồ sơ, cắt giảm gần 50 điều kiện khi thực hiện TTHC trong 8 thông tư thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Đáng chú ý đó là các thủ tục về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán và mở tài khoản thanh toán đã được đơn giản hóa tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng giao dịch. Phục vụ dân tốt hơn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho khách hàng, chính điều đó đã khiến Ngân hàng Nhà nước thu về “quả ngọt” trong những vụ mùa CCHC.

Phát biểu tại cuộc công bố Chỉ số Par Idex, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, nỗ lực của CCHC đã nhìn thấy rõ. Người dân đã bớt phàn nàn hơn về thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, “TTHC trong một số lĩnh vực tuy đã được cải cách nhưng vẫn còn rườm rà; triển khai dịch vụ công mức độ 3, 4 ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa thực sự mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp”.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém này cần đẩy mạnh CCHC mà điểm cốt lõi là khâu cán bộ. Bởi mọi sự cải cách sẽ là vô nghĩa nếu cán bộ không chuyển, vẫn “hành dân”, “câu giờ”.

Theo đó, “các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ với nội dung trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định pháp luật, gây khó khăn cho công dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

Khẳng định, cán bộ phải phục vụ dân, dân sẽ chấm điểm cán bộ, đây là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, trong rất nhiều các phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở phải luôn toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp chung của đất nước.

Mọi chính sách, mọi việc làm của các bộ, công chức đều vì lợi ích chung của người dân, không để lợi ích nhóm chi phối. “Các cơ quan hành chính không được đùn đẩy khó khăn mà phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong cải cách hành chính. Cán bộ công quyền phải thể hiện vai trò là công bộc của dân, tân tụy, phục vụ, hướng dẫn nhân dân chứ không được gây phiền hà, nhũng nhiễu”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ và phát triển cộng đồng Đặng Ngọc Dinh cho rằng, đánh giá xếp hạng chỉ số CCHC không đơn thuần chỉ là cuộc so găng giữa các bộ ngành địa phương. Cốt lõi của cuộc xếp hạng chính là các bộ, ngành địa phương biết mình đang ở đâu trong tiến trình CCHC, soi lại cung cách phục vụ nhân dân của chính đơn vị mình để có “kế sách” hành động cụ thể phục vụ nhân dân tốt hơn.

Cải cách hành chính, điểm cốt lõi là khâu cán bộ. Bởi mọi sự cải cách sẽ là vô nghĩa nếu cán bộ không chuyển, vẫn “hành dân”, “câu giờ”. Vì vậy Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ với nội dung trọng tâm là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tình hình tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định pháp luật, gây khó khăn cho công dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cung cách phục vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO