Xã hội

Cung, cầu thị trường lao động “lệch pha”

Lê Bảo 22/02/2024 07:03

Nói về bức tranh thị trường lao động quý I/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhận định, việc mất cân đối cung - cầu lao động khiến nơi cần không có, nơi có không cần, giảm động lực phát triển kinh tế, mất sức hút đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh.

anh-bai-chinh-tr15.jpeg
Người lao động tại Công ty TNHH dụng cụ Anmi, Hà Nội. Ảnh: Anh Dũng.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực kĩ thuật tăng

Từ phân tích dữ liệu đăng tuyển dụng của doanh nghiệp (DN) và người lao động tìm việc làm từ internet trong quý IV/2023 (21.160 lượt DN đăng tuyển dụng 69.442 lao động, 77.553 người lao động tìm việc), Bộ LĐTBXH nhận định, triển vọng thị trường lao động quý I/2024 là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý IV/2023. Dự báo 3 ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là: Sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; Sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Những ngành nghề giảm việc làm là: In, sao chép bản ghi các loại giảm 13%; Hoạt động xây dựng chuyên dụng giảm 5,4% và Sản xuất thiết bị điện giảm 3,2%.

Về xu hướng tuyển dụng, Bộ LĐTBXH cho biết trong quý I/2024 yêu cầu trình độ đại học trở lên là 53,7%; cao đẳng, trung cấp, sơ cấp 39,0% và 7,3% không yêu cầu người lao động có chuyên môn kỹ thuật. Về vị trí việc làm, nhân viên chiếm 68,5%; quản lý bậc trung chiếm 18,5%; việc làm tạm thời chiếm 6,9%.

Về đặc điểm của người đi tìm việc, cho thấy: 43,8% người lao động có trình độ đại học trở lên; 32,1% người lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và 24,1% không có bằng cấp chứng chỉ. Có tới 53,9% người lao động muốn ứng tuyển vị trí nhân viên; 25,3% vị trí quản lý bậc trung và 17,2% vị trí làm việc tạm thời.

Phân tích xu hướng tuyển dụng và đặc điểm của người đi tìm việc cho thấy, nguồn cung và cầu lao động đang vênh nhau. Cụ thể, các DN đang cần nhiều lao động trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học trở lên (53,7%), trong khi số người lao động có mong muốn làm ở vị trí này lại thấp hơn (43,8%). DN cần tuyển ít quản lý bậc trung (18,5%) thì nhiều người lao động lại đăng ký ứng tuyển vào vị trí này (25,3%). Và, trong khi 7,3% doanh nghiệp không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thì 24,1% người lao động đi tìm việc không có bằng cấp/chứng chỉ...

Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, nhiều chuyên gia cũng nhận định và đưa ra thực tế, thị trường lao động vẫn còn mất cân đối cung – cầu dẫn đến hệ lụy nhiều tập đoàn đến Việt Nam đầu tư, muốn tuyển dụng lực lượng lao động trình độ phổ thông, có tính chất gia công thì có nhưng cần lực lượng lao động để đáp ứng công nghệ cao còn thiếu. Đáng chú ý, cầu lao động còn rất yếu, cung lao động cũng chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng. Và để cung và cầu lao động hợp lý, trước hết cần có sự chuyển đổi kinh tế chứ không chỉ riêng ngành lao động.

Đổi mới tư duy đào tạo nhân lực

Năm 2024 được dự báo là năm tiếp tục còn khó khăn. Đặc biệt, Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phải thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Trong bối cảnh đó, cần xác định rõ thách thức, tạo ra được cơ hội. Kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành xu thế của thời đại, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhưng cũng có những rào cản kỹ thuật. Vì vậy, nhân lực chất lượng cao chính là tài nguyên quan trọng nhất và nhân tài chính là động lực đột phá.

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra nhận định, dù tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm nhưng năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Theo WB, năng suất lao động của Việt Nam đã tăng 64% trong giai đoạn 2010 - 2020, nhanh hơn tất cả quốc gia cùng khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn FDI lớn. Tuy nhiên, bất chấp sự tăng trưởng này, mức năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều các nước đồng cấp.

Để khắc phục tình trạng trên, WB cho rằng, có thể tăng năng suất lao động qua 3 kênh, trong đó, đặc biệt tập trung vào sự tham gia của các công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Theo WB, trọng tâm là phải tập trung vào sự tham gia của các công ty khởi nghiệp đổi mới. Các công ty này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra việc làm chất lượng cao, tạo ra thị trường mới và phá vỡ thị trường hiện có, từ đó thúc đẩy năng suất của khu vực tư nhân.

Bên cạnh vai trò của DN, theo các chuyên gia, để xây dựng được nguồn nhân lực kỹ thuật đáp ứng bối cảnh hiện nay, giải pháp quan trọng là đổi mới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Bởi, hiện nay đây là khâu yếu dù hệ thống giáo dục đào tạo khá đa dạng, song việc đào tạo vẫn chưa theo hướng nhu cầu thị trường cần.

Tới nay nhiều hệ thống giáo dục đào tạo nghề đã mạnh dạn thay đổi phương thức đào tạo nhờ đó đã thu hút lượng lớn sinh viên theo học, đồng thời nhận được nhiều đơn đặt hàng của DN đào tạo theo yêu cầu. Điển hình như Trường Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh, trong 2 năm gần đây đã thực hiện đào tạo theo mô hình 1+1+1. Đó là 1 năm đào tạo tại nhà trường, 1 năm đào tạo tại trung tâm đào tạo của DN do các chuyên gia, giảng viên của DN đào tạo, giảng dạy và 1 năm sẽ vào các vị trí việc làm tại các DN. Với mô hình 1+1+1, sinh viên vào trường từ năm thứ nhất đã được các DN ký ngay hợp đồng lao động.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho biết, lúc chuyển đổi phương thức đào tạo cũng gặp không ít áp lực, tuy nhiên những ngành nghề trường chọn đào tạo phù hợp với DN, thị trường cần. Do đó, chỉ sau một năm triển khai mô hình 1+1+1 đã thu hút lượng lớn học sinh đăng ký học. Nhiều khoa như điện tử bán dẫn, cơ điện… sinh viên khi tốt nghiệp được mời về DN làm việc với mức lương khá cao từ 20 - 70 triệu đồng/tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cung, cầu thị trường lao động “lệch pha”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO