Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình hình xâm nhập hạn, mặn lịch sử. Vấn nạn hạn, mặn ở Nam Bộ đang cho thấy diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường.
Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ ngành trung ương vừa trực tiếp khảo sát thực tế về tính chất, mức độ và sự tác động tiêu cực của đợt hạn, mặn năm nay, nhằm tiếp tục triển khai các giải pháp cấp thiết giúp người dân ổn định cuộc sống. Thế nhưng, bài toán căn cơ lâu dài cần lời giải, đó là việc bảo đảm đời sống kinh tế - xã hội toàn vùng Nam Bộ có thể chủ động phát triển bền vững hài hòa trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Hạn mặn vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với hàng chục triệu người dân Nam Bộ.
Hiện tượng hạn, mặn ở đồng bằng sông Cửu Long năm nay cho thấy có những thời điểm còn cao hơn cả đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016. Nhiều khu vực hạn, mặn vào sâu đến gần 70 km như Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… Đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015 - 2016, đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại gần 1 triệu tấn lúa và 500.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt. Tuy nhiên, dù hạn, mặn năm nay sâu hơn nhưng diện tích lúa bị ảnh hưởng dự báo chỉ khoảng 100.000 ha, cây ăn trái khoảng 130.000 ha và gần 100.000 hộ thiếu nước ngọt. Sự vào cuộc quyết liệt sớm của các bộ ngành trung ương, chính quyền các địa phương cùng với hiệu quả công tác tuyên truyền và sự chủ động từ phía người dân thực hiện những giải pháp phù hợp đã làm giảm đáng kể mức thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Từ tháng 9/2019, ngay khi đồng bằng Nam Bộ bắt đầu đón đợt lũ đầu tiên, các bộ ngành trung ương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với mùa hạn, mặn. Các địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long được chỉ đạo đẩy nhanh gieo cấy vụ Đông Xuân sớm trước 1 tháng, với diện tích chỉ sản xuất 1,5 triệu ha lúa, thấp hơn 0,1 triệu ha so với hằng năm. Các nhà vườn cũng được chính quyền các cấp tuyên truyền nên đã chủ động triển khai bờ bao tích nước ngọt bảo vệ diện tích trồng cây ăn trái. Bên cạnh đó, việc lưu giữ nguồn nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long được chính quyền và người dân chung tay thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức, không chỉ tập trung ở các hồ đập, kênh rạch mà còn ở các bể chứa nước đối với những hộ dân vùng sâu. Hàng loạt công trình đảm bảo điều hòa mặn ngọt được đưa vào sử dụng sớm so với kế hoạch.
Thế nhưng, theo dự báo của ngành chức năng, nguy cơ hạn, xâm nhập mặn vẫn tiếp tục tiếp diễn phức tạp, không còn theo quy luật thông thường 5 năm lặp lại như trong quá khứ. Sự thay đổi lưu lượng các nguồn nước từ thượng lưu, biển và nội tại của đồng bằng sông Cửu Long đã tác động mạnh mẽ khiến tình hình hạn, mặn diễn biến thêm phức tạp.
Các công trình thủy điện trên sông Mê Kông, sông Lan Thương là hai dòng chảy chính từ thượng nguồn về đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Theo đó, nguồn nước ngọt đổ về đồng bằng sông Cửu Long ngày càng bị thuyên giảm. Trong khi thủy triều phía biển dâng lên cao do biến đổi khí hậu khiến mặn xâm nhập càng sâu. Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn tiếp tục phát triển nóng về hạ tầng, dân cư, nông nghiệp, công nghiệp… làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước ngọt, nước ngầm, dễ gây tình trạng sụt lún, tác động ngược trở lại vì nền đất sẽ thấp xuống.
Năm 2019-2020 được dự báo vẫn chưa phải là năm kỷ lục về hạn mặn. Hạn mặn vẫn tiếp tục là thách thức lớn đối với hàng chục triệu người dân Nam Bộ trong những năm tới. Việc thực hiện quy hoạch tổng thể toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long không thể không gắn với những cảnh báo và giải pháp cho bài toán ứng phó hạn, mặn cũng như sự điều hòa nguồn nước mặn và nước ngọt để phát triển kinh tế- xã hội. Câu chuyện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng Nam Bộ theo hướng xoay trục “lúa - trái cây - thuỷ sản” hẳn sẽ phải sớm được đảo lại, thành “thủy sản-trái cây-lúa”.
Người dân không thể “tự bơi” mà rất cần được định hướng cụ thể theo lộ trình thích hợp giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích vườn trái cây và nuôi trồng thủy sản. Như vậy, các nguồn nước ngọt, nước lợ và kể cả nước mặn đều được xác định là tài nguyên thiết yếu trực tiếp phục vụ cho sản xuất. Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nhu cầu bức thiết đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi phát triển đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân. Những công trình thủy lợi có chức năng điều tiết nước mặn, nước ngọt sẽ góp phần hạn chế việc lấy nước từ nước ngầm, tránh tác động đến sụt lún đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thích nghi với hạn, mặn. Để hiện thực hóa chủ trương hết sức quan trọng này của Chính phủ, thiết nghĩ cần sớm xác lập cơ chế điều phối và liên kết thực hiện quy hoạch toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh rơi vào tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong ứng phó biến đổi khí hậu. Sự chủ động của người dân cùng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời của chính quyền các cấp không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong ứng phó với tình hình hạn mặn năm nay mà còn là bài học kinh nghiệm trước thách thức của biến đổi khí hậu để giúp đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững.