Thầy Nông Văn Long âu yếm nhìn những học trò nhỏ người Mông đang ăn bữa trưa ngon lành ngay ở hành lang lớp học. Bữa ăn hôm nay có thịt thái nhỏ xào bí đỏ, khoai tây, canh bí xanh trộn cơm.
“Bữa ăn tưởng chừng rất đơn giản nhưng là xa xỉ với những học sinh mầm non nơi đây và phải nhờ các nhà bảo trợ trong dự án “Cùng em khôn lớn” của Quỹ Vì Tầm vóc Việt mới có. Kinh tế người dân rất khó khăn nên trước khi được bảo trợ ăn trưa, các con phải tự mang cơm từ nhà đi, đa phần chỉ có cơm với một chút rau, thậm chí nhiều em chỉ ăn mèn mén trộn nước suối, tỷ lệ suy dinh dưỡng rất cao. Khi ấy, nhìn các con, tôi rất xót xa nhưng cũng lực bất tòng tâm,” thầy Long xúc động nói.
Những bữa cơm có thịt
Thầy Nông Văn Long là giáo viên phụ trách điểm trường Sáng Xoáy, điểm trường xa nhất, khó khăn nhất trong số 10 điểm trường của Trường Mầm non xã Thái Sơn, cũng gần như là điểm trường khó khăn nhất của huyện Bảo Lâm - huyện vùng sâu xa xôi nhất tỉnh miền núi Cao Bằng - tỉnh có thu nhập đầu người thấp nhất cả nước.
Điểm trường chỉ có một lớp học gồm 24 học sinh, ghép cả ba độ tuổi: 3 tuổi, 4 tuổi và 5 tuổi. Nằm trên đỉnh một trong những ngọn núi cao nhất Bảo Lâm, điểm trường Sáng Xoáy cách trung tâm xã Thái Sơn 25km với cung đường đá lởm chởm, ghập ghềnh, vắt từ quả núi này sang quả núi kia với liên tiếp những khúc cua tay áo, những dốc nối dốc vô cùng gian nan. Muốn lên Sáng Xoáy chỉ có thể đi bằng xe máy. Những ngày mưa, thầy cô thậm chí phải đi bộ vì đi xe quá nguy hiểm. Điện lưới quốc gia, sóng điện thoại, sóng internet vẫn chưa thể vươn tới nơi này. Giao thông đi lại khó khăn nên cuộc sống người dân chủ yếu tự cung tự cấp, hạn chế trong tiếp xúc với bên ngoài.
Địa hình núi non hiểm trở, nguồn nước thiếu thốn nên diện tích có thể trồng lúa ở đây rất hạn chế, đa phần người dân sống nhờ những nương ngô, năm làm một vụ. Ở Sáng Xoáy, 100% người dân là người Mông, đa số là hộ nghèo, những bữa cơm có thịt cũng trở thành xa xỉ, nhiều gia đình thậm chí chỉ ăn mèn mén - một món ăn làm từ ngô, rất khô và dễ nghẹn nhưng giúp no bụng cả ngày.
Gắn bó với điểm trường Sáng Xoáy và những em nhỏ mầm non người Mông đã 12 năm, thầy Long bảo các em được hưởng đồng thời hai chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Đó là tiền hỗ trợ ăn bán trú theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non, tiền hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, khoản hỗ trợ ăn trưa là 150.000 đồng/trẻ/tháng.
“Khoản tiền này không đủ chi phí để nấu ăn cho các con, nhất là ở những điểm trường nhỏ, sỹ số ít, không đủ tiêu chuẩn để được Phòng Giáo dục và Đào tạo chịu chi phí thuê người nấu ăn nên phụ huynh phải trả thêm khoản tiền này. Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định 105, khoản tiền này có thể được thanh toán trực tiếp cho phụ huynh nên đây cũng là khoản tiền mà phụ huynh mong chờ được nhận. Vì vậy, bữa trưa vẫn do phụ huynh chuẩn bị cho các con mang đi, mùa hè dễ ôi thiu còn mùa đông thì lạnh ngắt,” thầy Long chia sẻ.
Hạnh phúc đã đến với thầy vào trò điểm trường Sáng Xoáy vào ba năm trước, khi Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối các nhà bảo trợ, mang bữa ăn trưa đến cho các em. Không còn những bữa ăn chỉ mèn mén hay cơm chấm muối, không còn hình ảnh thương đến rơi nước mắt khi những em nhỏ vài ba tuổi phải thòm thèm nhìn vào âu cơm có quả trứng luộc, con cá suối của một bạn nhà khá giả hơn. Những bữa trưa của các em đều đủ rau, đủ thịt, đủ dinh dưỡng và đủ cả yêu thương.
Ăn cơm ở trường ngon hơn ở nhà nên trẻ đi học chuyên cần hơn, phụ huynh yên tâm hơn. Là phụ huynh có con lớn đã vào tiểu học và con nhỏ vẫn học mầm non, anh Vàng A Quả cảm nhận rõ sự khác biệt khi con được nấu ăn bán trú tại trường.
“Bé đầu học mẫu giáo khi chưa có sự hỗ trợ của Quỹ Vì tầm vóc Việt nên mỗi ngày, tôi phải dậy từ 4-5 giờ sáng để chuẩn bị bữa trưa cho con mang đi học, thường cũng chỉ có cơm với chút rau. Tôi thương con nhưng cũng đành chấp nhận vì nhà chẳng có gì hơn. May mắn khi con thứ hai và thứ ba đi học đã được các nhà bảo trợ hỗ trợ ăn trưa, con không còn phải mang cơm đến trường mà lại được ăn ngon hơn, đủ dinh dưỡng hơn nên phát triển tốt hơn, lớn nhanh hơn. Tôi rất cảm ơn Quỹ và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ con và gia đình,” anh Quả xúc động nói.
Niềm vui với Giàng Thị Dé lại càng lớn hơn nữa khi chị vừa là phụ huynh cũng vừa là người trực tiếp nấu ăn cho các em nhỏ điểm trường Sáng Xoáy. Mỗi ngày, Dé dắt hai con đến trường và bắt đầu công việc sơ chế thực phẩm để nấu bữa trưa cho các con từ lúc 8 giờ sáng.
“Tôi thấy hạnh phúc khi được nấu cho các em học sinh ăn mỗi ngày nên luôn cố gắng nấu những bữa ăn ngon nhất cho các con, cũng chính là nấu cho hai con mình, một cháu 6 tuổi và một cháu ba tuổi. Các con sẽ ăn bữa trưa và một bữa phụ vào buổi chiều. Vì vậy, tôi cũng được ở bên con cả ngày. Mẹ có công việc để thêm thu nhập, con lại được ăn ngon hơn ở nhà mà không phải mang cơm,” Dé khẽ cười nói.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Theo cô Lương Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Sơn, hiện Trường mầm non Thái Sơn có 3 điểm trường được tài trợ bữa trưa của Quỹ Vì tầm vóc Việt là điểm trường Sáng Xoáy, Bản Là và Khau Dề.
Từ ngày có sự hỗ trợ của dự án “Cùng em khôn lớn”, trẻ được ăn trưa đủ chất tại trường với rau, củ, quả và thịt lợn, gà, cá, giò cùng một bữa phụ (mì, cháo hoặc phở) bổ sung vào buổi chiều. Nhờ những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng nên từ khi có bữa trưa bán trú của Quỹ, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm mạnh. Đầu năm học 2023-2024, ba điểm trường có 21 học sinh suy dinh dưỡng bắt đầu vào nhập học nhưng hiện chỉ còn 5 em. Trung bình, các em học sinh tại các điểm trường đã cao lên 1,6cm và nặng hơn 0,6 kg so với đầu năm học.
Không chỉ cải thiện về thể chất, được ăn ngon hơn ở nhà nên các con đều háo hức đến trường, tỷ lệ chuyên cần của trẻ đã tăng rõ rệt. Nếu trước đây, tỷ lệ bỏ học buổi chiều của học sinh lên đến 80% thì hiện tỷ lệ chuyên cần đạt đến 100%. Trẻ đi học đều nên vào nề nếp hơn, chất lượng giáo dục vì thế có sự cải thiện rõ rệt khi nhận thức và kỹ năng của trẻ tốt hơn,” cô Lan cho biết.
Đây cũng là đánh giá của cô Nguyễn Thị Liêm, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng sau 3 năm được Quỹ đồng hành. Trường Mầm non Thạch Lâm có hai điểm trường được bảo trợ bởi Quỹ Vì tầm vóc Việt là điểm trường Khau Noong và Nà Ó, với tổng số hơn 100 học sinh.
“Sự hỗ trợ của Quỹ là rất tuyệt vời. Từ khi có Quỹ bảo trợ, trẻ không còn phải ăn mèn mén mà được ăn cơm có thịt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các điểm trường này đều giảm, phụ huynh yên tâm đi làm nương, để con ở trường cả ngày, giáo viên không còn phải đi vận động học sinh. Trẻ được học nhiều hơn, nền nếp hơn, thể chất được cải thiện, chất lượng giáo dục được nâng lên,” cô Liêm nói.
Niềm vui với cô trò ở điểm trường Nà Ó còn lớn hơn nữa khi năm 2023, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã tài trợ cho hai lớp học ở điểm trường này mỗi lớp một chiếc tivi đồng thời sửa lại sân chơi. “Chiếc tivi đã trở thành cầu nối giúp các em hòa nhập và hiểu biết hơn về thế giới bên ngoài, lần đầu tiên biết đến ô tô, máy bay hình thù ra sao. Các em thật sự rất đáng thương và thiệt thòi vô cùng so với những em nhỏ ở ngay trung tâm xã chứ chưa nói đến vùng xuôi,” cô Liêm xúc động chia sẻ.
Cũng trong năm học 2023-2024, dự án đã tài trợ mua máy lọc nước và tủ lạnh dự trữ thực phẩm cho hai điểm trường Khau Dề và Bản Là (Trường Mầm non Thái Sơn).
Mong có thêm những tấm lòng, những bữa ăn trưa
Trường Mầm Non Thái Sơn có 10 điểm trường trong đó có 3 điểm trường được bảo trợ bởi Quỹ Vì tầm vóc Việt, điểm trường chính tại trung tâm xã được phụ huynh đóng góp tiền nấu ăn trưa.
Trong số 10 điểm trường của Trường Mầm non Thái Sơn, Lũng Vài là điểm trường có học sinh ít nhất, chỉ 9 em. Lũng Vài có 42 hộ dân thì hơn 80% là hộ nghèo. Gắn bó với điểm trường Lũng Vài hai năm nay, cô giáo Vũ Thị Chung bảo những ngày đầu, nhìn những chiếc cặp lồng học sinh mang đến ăn trưa chỉ có cơm nguội với muối, thậm chí có em chỉ có mèn mén trộn nước suối, cô thương đến rơi nước mắt.
Ước mong của cô Chung là những học sinh điểm trường Lũng Vài của mình sẽ được hỗ trợ bữa ăn bán trú như ở điểm trường Sáng Xoáy. “Điểm trường chỉ có 9 em nên nếu được tài trợ kinh phí, tôi sẵn sàng tranh thủ giờ ra chơi để nấu ăn cho các con,” cô Chung xúc động nói.
Đây cũng là mơ ước của cô Lương Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Sơn. “Nếu có thêm các điểm trường được tài trợ bữa ăn thì đó là điều tuyệt vời nhất bởi hiện các điểm trường đã được kiên cố hóa. Đồ dùng đồ chơi cũng còn thiếu thốn nhưng bữa ăn đủ dinh dưỡng cần được ưu tiên và điều chúng tôi luôn trăn trở, mong mỏi có thể mang đến cho các em,” cô Lan chia sẻ.
Theo bà Trần Thị Như Trang, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Vì tầm vóc Việt, được khởi xướng từ năm 2020, dự án “Cùng em khôn lớn” là dự án dài hạn của Quỹ nhằm bảo trợ bữa ăn bán trú và cải thiện điều kiện học tập cho học sinh mầm non tại nhiều địa bàn khó khăn trên cả nước.
Trong 4 năm qua, đã có 1.042 lượt học sinh được bảo trợ, hơn 263.000 nhà tài trợ cá nhân, tổ chức đồng hành liên tục cùng dự án, hơn 294.000 bữa ăn đã được trao cho các em. Tổng số tiền tài trợ lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Tính riêng trong năm học 2023-2024, dự án bảo trợ 205học sinh dân tộc thiểu số tại 5 điểm trường mầm non của huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, và 132 học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn tại Vân Hồ, Sơn La. Tổng số bữa ăn dinh dưỡng được bảo trợ đến hết năm học đạt hơn 97.000bữa và tổng số tiền đóng góp từ các nhà bảo trợ lên đến hơn 674 triệu đồng.
Tháng 6/2024, Quỹ sẽ tiếp tục khởi động chiến dịch gây quỹ bảo trợ bữa ăn bán trú năm học 2024-2025. Dự án dự kiến sẽ mở rộng bảo trợ thêm ít nhất một điểm trường mới của trường Mầm non Thái Sơn.
“Với 1,7 triệu đồng, các nhà hảo tâm có thể bảo trợ bữa ăn trong suốt một năm học cho mỗi bé nhưng chúng tôi kêu gọi các nhà bảo trợ có thể quyên góp từ một khoản tiền bất kỳ để cùng góp sức mang đến những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, làm tiền đề phát triển cả thể chất, tinh thần và tri thức cho các em nhỏ vùng cao vốn đã chịu quá nhiều thua thiệt,” bà Trang nói./.