Cùng Mỹ tái chiếm Raqqa: Đề xuất đầy tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ

08/09/2016 21:02

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 8/9 đã đưa ra đề xuất rằng đất nước ông đã sẵn sàng để thực hiện một chiến dịch chung với Mỹ ở khu vực miền Bắc Syria, với mục tiêu là tấn công vào thành phố Raqqa, nơi được coi là thành trì của phiến quân IS trên lãnh thổ nước này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc họp với người đồng cấp Mỹ Barack Obama bên lề thượng đỉnh G20 (Nguồn: AP).

Động thái trên đã cho thấy một bước leo thang mới trong chiến dịch can thiệp quân sự của Thổ và Mỹ ở Syria, dù phía Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào. Trong quá khứ, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố về các chính sách phối hợp đầy tham vọng liên quan tới Syria, nhưng lại thất bại do có quá nhiều bất đồng mà họ không thể gạt bỏ.

Một chiến dịch tấn công phối hợp nhằm vào Raqqa sẽ giúp mở rộng hợp tác quân sự ở Syria giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ, các đồng minh NATO vốn có mối quan hệ căng thẳng với Ankara do xung đột về chính sách Syria.

Ở thời điểm hiện tại, dù cả hai nước đều trên danh nghĩa chống lại IS và phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng Washington vẫn coi trọng việc đánh tiệt mối đe dọa khủng bố từ IS hơn cả. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, ít nhất là tới thời điểm gần đây, vẫn ưu tiên việc lật đổ chính quyền Assad hơn.

Chính điều này đã dẫn tới bất đồng quan điểm sâu sắc giữa hai nước liên quan tới lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, mà Ankara coi là kẻ thù chính trong khi Mỹ lại xem như đối tác quan trọng nhất dưới mặt đất giúp họ chống lại IS.

Tổng thống Erdogan đã đưa ra một vài chi tiết về mục tiêu của kế hoạch và cơ chế hoạt động của nó, nhưng nói rằng Tổng thống Obama cũng đưa ra đề xuất về khả năng tổ chức một chiến lược quân sự chung tấ công vào hang ổ của IS ở Raqqa.

“Ông Obama muốn làm điều gì đó hợp tác liên quan tới Raqqa” – ông Erdogan nói trước báo giới trước khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc – “Chúng tôi đã cho rằng đây không phải một vấn đề. Binh sỹ của chúng tôi nên cùng thảo luận, và sau đó chúng tôi sẽ làm điều cần thiết”.

Bình luận của ông Erdogan xuất hiện sau khoảng thời gian 2 tuần lễ chiến sự căng thẳng bùng nổ ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Ankara đã lần đầu tiên triển khai lực lượng bộ binh của họ tới đây, gồm xe tăng, đạn pháo và cả không quân để giúp lực lượng nổi dậy Syria chiếm một khu vực gần biên giới từu tay IS.

Cuộc tiến quân này đã đẩy IS khỏi cửa ngõ cuối cùng của chúng tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và cũng giúp nước này đạt được mục đích khác của mình đó là ngăn chặn người Kurd tập hợp 2 khu vực tự trị dọc biên giới của họ.

Chiến dịch này cũng giúp mở ra một cánh cửa mà từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã mong muốn, đó là một vùng an toàn bên trong biên giới Syria nơi mà người tị nạn Syria có thể tụ họp và là nơi mà phe nổi dậy Syria có thể sẽ thiết lập một chính phủ độc lập, tránh bị không kích bởi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Hôm 7/9, đã có vài trăm người tị nạn Syria đi vào Jarabulus, một thị trấn mới được phe nổi dậy ở nước này chiếm được với sự hỗ trợ từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nhà của hơn 3 triệu người tị nạn Syria, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Nhưng ý tưởng thiết lập một vùng an toàn, cũng giống như kế hoạch tái chiếm Raqqa, là một ví dụ điển hình cho thấy sự tham vọng trong đề xuất hợp tác giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch vùng an toàn trước đây đã hoàn toàn bị đổ vỡ bởi các bất đồng không thể gỡ bỏ.

Đến nay, ông Erdogan một lần nữa làm mới tham vọng này bằng việc đề xuất thiết lập một vùng cấm bay nằm giữa khu vực biên giới nước họ với Syria vừa chiếm được, tuy nhiên vẫn bị Nhà Trắng bác bỏ tức khắc.

Lý giải cho thái độ lạnh nhạt của Washington đối với đề xuất này có lẽ phải nói tới việc họ đang mong muốn đạt được một thỏa thuận hợp tác quân sự với Nga liên quan tới vấn đề Syria, cùng lúc ký kết một thỏa thuận ngừng bắn ở nước này.

Trong hôm 8/9, Mỹ và Nga đã đưa ra nỗ lực trong những phút cuối cùng khi đề xuất sẽ rời lại các vòng đàm phán hòa bình Syria giữa hai bên sang một cuộc họp cấp cao khác ở Geneva, Thụy Sỹ. Theo kế hoạch, nếu thành công, Ngoại trưởng hai nước sẽ tổ chức thêm một cuộc họp riêng tại Geneva để thúc đẩy thỏa thuận này.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp riêng bên lề với mong muốn đạt được bước tiến trong thỏa thuận ngừng bắn, tuy nhiên lại thất bại vì không vượt qua được những bất đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cùng Mỹ tái chiếm Raqqa: Đề xuất đầy tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO