Trước việc rừng tự nhiên bị tàn phá, vấn đề bảo vệ rừng bằng nhiều biện pháp khác nhau cũng đã được triển khai. Nhất là khi những thiệt hại về người và của do bão, lũ gây ra như thời gian vừa qua càng khiến việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, là vấn đề quan trọng. Ghi nhận ở một số địa phương cho thấy đã và đang nỗ lực để tăng cường bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng tự nhiên gây mất cân bằng sinh thái.
Tuần tra, bảo vệ rừng.
Tại mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang, công tác quản lý bảo vệ rừng được quan tâm, thực hiện quyết liệt. Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ, phòng chống cháy rừng được gần 56.000 buổi cho 67.500 lượt người tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được gần 55 nghìn hộ và 516 tổ dân phố, thôn. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Hà Giang cũng đã xảy ra 14 vụ cháy rừng và trảng cỏ với tổng diện tích gần 68ha. Các ngành chức năng đã phát hiện 251 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó đã xử lý 235 vụ, tịch thu trên 100m3 gỗ các loại và thu nộp ngân sách nhà nước trên 1,5 tỷ đồng.
Còn tại Thanh Hóa, để tăng cường công tác bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở NN&PTNN chủ trì, phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng trên địa bàn triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng trên địa bàn.
Văn bản cũng chỉ rõ: Nếu địa bàn nào xảy ra tình trạng xâm lấn, phá rừng, khai thác rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên trái quy định của pháp luật mà không được ngăn chặn kịp thời thì Giám đốc Sở NN&PTNN, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và quy định của pháp luật hiện hành.
Trong khi đó, ở Thừa Thiên - Huế, nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vừa tổ chức Lễ ra mắt lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Theo đó, lực lượng gồm 16 thành viên được chia thành 3 đội gồm: Đội Bến Lội-Mụ Nú (5 thành viên), Đội Long Quảng (6 thành viên) và Đội Km9 Hương Sơn (5 thành viên), thực hiện tuần tra, canh gác chốt chặn tại các vị trí then chốt, các điểm nóng về vi phạm lâm luật trong lâm phận được giao quản lý của đơn vị.
Đây là lực lượng được quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và trang bị các phương tiện bảo hộ, công cụ hỗ trợ để thực hiện có hiệu quả, đúng quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có nhiệm vụ: Tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng, lấn chiếm rừng, đất rừng trái pháp luật; Thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; Kịp thời báo cáo với chủ rừng và cơ quan chức năng về tình hình bảo vệ rừng được giao; Chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật; Chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của chủ rừng và kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan kiểm lâm và thực hiện các nhiệm vụ khác do chủ rừng giao...
Tại Bình Dương, mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định phê duyệt dự án “Giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Theo đó, mục tiêu dự án là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực thích ứng và giảm nhẹ khả năng dễ bị tổn thương do tác động BĐKH của các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng trồng và rừng tự nhiên; ngăn chặn sự suy giảm diện tích rừng, suy thoái chất lượng rừng và cải thiện cấu trúc rừng. Dự án có quy mô 10.687,61 ha đất quy hoạch lâm nghiệp, thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 - 2020.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp thực hiện nhóm giải pháp về chiến lược và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và mảng xanh đô thị; nhóm các giải pháp về kỹ thuật lâm sinh; giải pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Cụ thể, về nhóm giải pháp về chiến lược và quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng và mảng xanh đô thị: Cần phải bảo vệ và phát triển rừng, với những loài cây rừng thực thụ có tác dụng hấp thụ carbon, che phủ đất, chống thoái hóa đất, hấp thụ nhiệt, tạo cảnh quan.
Bảo vệ nghiêm ngặt 1.792,23 ha diện tích rừng tự nhiên hiện còn, phát triển diện tích trồng cây rừng thực thụ để phòng hộ đầu nguồn; duy trì ổn định diện tích đất đã quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp là 10.687,61 ha để làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp tổ chức, quản lý rừng một cách ổn định và bền vững; gia tăng tỷ lệ mảng xanh để bảo vệ môi trường, kết hợp tạo cảnh quan, thẩm mỹ cho cho đô thị Bình Dương trong tương lai.
Đối với rừng khộp, ngoài việc tỉa thưa những cây cong queo, sâu bệnh, cụt ngọn và cây gỗ tạp thì cần trồng bổ sung những loại cây bản địa mục đích như: giáng hương, cà te hay gõ đỏ, gụ mật, cẩm liên, sao đen… nhằm chống chọi với nạn cháy rừng và góp phần tăng tỷ lệ cây bản địa mục đích, tăng tổ thành loài…