Kết quả bỏ phiếu cho thấy, liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italy (FdI) của bà Giorgia Meloni đứng đầu đã giành được khoảng 44% số phiếu ủng hộ và chiếm đa số ghế ở cả Thượng viện và Hạ viện nước này. Như vậy, bà Meloni (45 tuổi, sinh năm 1977) sẽ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Italy kể từ sau Thế chiến 2, sau một cuộc bầu cử “địa chấn”.
Bà Meloni nói với tờ Euronews về kết quả bầu cử: “Chắc chắn đây là một bước tiến. Tôi gọi đó là phá vỡ “trần kính” - một điều vẫn tồn tại ở nhiều nước phương Tây, không chỉ ở Italy ngăn cản phụ nữ giữ những vai trò quan trọng trong xã hội. Thật vinh dự cho tôi khi trở thành người đầu tiên phá vỡ điều cấm kỵ này ở đất nước của tôi”.
Trong chiến dịch tranh cử, bà Meloni cam kết giảm thuế, điều động lực lượng hải quân để ngăn chặn “nhập cư bất hợp pháp” và đặt lợi ích của người Italy lên hàng đầu trong Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, khó khăn chồng chất đang đợi phía trước, nói như bà Meloni là trước hết phải dẫn dắt đất nước vượt qua một mùa đông khắc nghiệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng.
Truyền thông châu Âu bình luận, chiến thắng của phe cánh hữu trong cuộc tổng tuyển cử tại Italy diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với 27 nước khối EU. Đặc biệt, khi lạm phát leo thang chưa thấy điểm dừng đã tiến tới sát 2 con số. Nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt khi mùa đông đã “trước hiên nhà”. Chi phí sinh hoạt tăng cao khiến người dân “mất tinh thần”.
“Các đồng minh của NATO lo ngại rằng áp lực từ dư luận Italy về những gì được dự báo là một mùa đông khó khăn có thể khiến bà Meloni rút khỏi các lệnh trừng phạt đối với Matxcơva” - một nhận định trên tờ Guardian và cho rằng nếu thế sẽ “ảnh hưởng đến các chính sách và giá trị mà EU theo đuổi”.
Ngày 13/10 tới, bà Meloni dự kiến được Tổng thống Sergio Mattarella ủy quyền thành lập chính phủ và có thể nhậm chức vào cuối tháng.
Theo tờ Politico, các chính trị gia hàng đầu châu Âu đã có những phản ứng đầu tiên với kết quả bầu cử “địa chấn” tại Italy; trong khi đó bà Meloni lại nhận được sự chúc mừng từ các đảng đối lập cực hữu ở Tây Ban Nha, Pháp và chính phủ các nước thành viên EU là Ba Lan, Hungary. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki chúc mừng bà Meloni. Cùng lúc đó, Balazs Orban - một phụ tá thân cận của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, chúc mừng bà Meloni trên mạng Twitter: “Trong những thời điểm khó khăn này, chúng tôi cần hơn bao giờ hết những người bạn có chung tầm nhìn và cách tiếp cận với những thách thức của châu Âu”. Còn đại diện đảng cực hữu Vox (Tây Ban Nha) cho rằng chiến thắng của bà Meloni cho thấy “con đường của một châu Âu mới gồm các quốc gia tự do và có chủ quyền”. Trong khi đó, ông Zdzisław Krasnodębski - thành viên Nghị viện châu Âu từ đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan, tuyên bố: “Đây là cơ hội để chỉnh sửa chính sách của châu Âu”.
Trong số các cường quốc kinh tế tại châu Âu, Italy đã trải qua đến 43 đời Thủ tướng kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và sắp có Thủ tướng thứ 4 trong vòng 4 năm qua.
Với chính phủ mới tại Italy, đây sẽ là chính phủ thiên hữu nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai; với đường lối dân tộc chủ nghĩa mạnh hơn, bảo hộ mạnh hơn trước sự can thiệp từ Ủy ban châu Âu. Mặc dù bà Meloni không theo đuổi các chính sách cực đoan như đưa Italy ra khỏi EU hay ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Tuy nhiên, có ít nhất 2 lĩnh vực mà châu Âu đang chờ đợi trong lo âu, đó là chính sách với người tị nạn (hạn chế tới mức tối đa) và chính sách kinh tế (xóa bỏ các quy định vàng của EU về kỷ luật ngân sách, như việc không thâm hụt ngân sách hàng năm quá 3% GDP hay nợ công không quá 60%).
Sinh năm 1977, bà Meloni gia nhập tổ chức thanh niên của đảng Phong trào Xã hội Italy (MSI) từ năm 15 tuổi. Sau đó, bà trở thành lãnh đạo phong trào sinh viên của đảng Liên minh Dân tộc (AN) - đảng kế tục của MSI. Năm 1998, bà trở thành ủy viên hội đồng tỉnh Rome. 8 năm sau, bà được bầu vào Quốc hội Italy, trước khi được cựu Thủ tướng Silvio Ber-lusconi bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên năm 2008. Ở độ tuổi 31, bà là vị Bộ trưởng trẻ nhất Italy khi đó.