Sau gần 20 năm thực hiện Chỉ thị số 08 về hỗ trợ đất ở cho người dân dưới sông lên bờ, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân trên toàn tỉnh Thanh Hóa được cấp đất, xây nhà, ổn định cuộc sống. Tới đây, còn 353 hộ dân đang sinh sống trên sông, tỉnh này đã đặt mục tiêu trong 2 năm 2022 và 2023 phải hoàn thành việc cấp đất và hỗ trợ xây dựng nhà ở để không có ai bị bỏ lại phía sau.
Làng chài nghèo ‘lột xác’
Làng chài Thuỷ Long (xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân) vào những năm 2000 có khoảng gần 100 hộ dân sinh sống dưới sông. Nhờ Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 10/10/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa XV hỗ trợ đất ở cho người dưới sông lên bờ, cuộc sống của 66 hộ dân ở đây đã thực sự lột xác. Giờ đây, về Thuỷ Long, không còn những con đường đất trong ký ức mà nó đã trở thành một vùng quê đáng sống bên dòng sông Chu.
Bà Nguyễn Thị Sức (66 tuổi) nhớ lại, nhiều năm về trước, do không có đất ở nên bà cùng chồng là ông Nguyễn Văn Tao (60 tuổi) lấy thuyền làm nhà, quanh năm sông nước bằng nghề đánh bắt cá tôm. Vì lẽ thế, những đứa con sau này của ông bà cũng theo nghề chài lưới chứ không có điều kiện học hành. Số người biết chữ ở làng chài chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Ý thức sớm được việc "an cư, lạc nghiệp", muốn thế hệ con cháu sau này được no ấm, được đến trường học chữ thì phải có mảnh đất dựng nhà. Từ suy nghĩ đó, được sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương về đất đai, gia đình tôi đã đã lên bờ làm nhà ở, sau đó nuôi cá lồng trên sông. Việc có nhà kiên cố khiến gia đình an tâm vào mùa mưa bão, không còn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước những cơn cuồng phong của thiên nhiên nữa”, bà Sức tâm sự.
Thời điểm đó, không chỉ riêng gia đình ông mà có tới 34 hộ dân khác cũng nhận đất rồi đồng loạt xây dựng cuộc sống mới ở trên bờ.
Lên bờ, có nơi trú ngụ kiên cố, các gia đình đã mạnh dạn vay vốn, để đầu tư cho phát triển chăn nuôi, buôn bán dịch vụ, nhiều hộ tạo điều kiện cho con em đi xuất khẩu lao động, đi làm trong công ty, xí nghiệp để tạo ra thu nhập, ổn định đời sống.
Được biết, trong giai đoạn 2003 - 2020, huyện Thọ Xuân đã cấp đất làm nhà cho 131 hộ dân sinh sống trên sông, với tổng diện tích 18.317m2. Đến nay, nhìn chung các hộ đều có cuộc sống ổn định và tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hiện tại, toàn huyện Thọ Xuân còn 81 hộ đang sinh sống trên sông có nhu cầu và đề nghị cấp đất tại 6 xã, thị trấn. Đến thời điểm hiện tại, huyện đã cấp đất cho 9 hộ, cuối năm 2022, huyện sẽ cố gắng cấp đất cho trên 30 hộ và trong năm 2023 sẽ cấp đất cho 42 hộ còn lại.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Sau khi bố trí được đất tái định cư, các hộ sẽ được tỉnh, huyện, xã hỗ trợ một phần kinh phí để xây nhà. Đối với người dân quen nghề sông nước, huyện sẽ tạo điều kiện để họ tiếp tục nuôi cá lồng trên sông. Còn nếu nguyện vọng của người dân là tìm kiếm việc làm ổn định, địa phương sẽ đấu mối, đào tạo nghề cho người dân có nhu cầu. Đối với các cháu trong độ tuổi đi học sẽ được miễn, giảm tiền học phí và các khoản khác. Theo tinh thần chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, huyện sẽ giúp người dân sớm ổn định đời sống, có công ăn việc làm phù hợp”, ông Hải thông tin.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/8/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 353 hộ đồng bào sinh sống trên sông. Trong đó, huyện Thọ Xuân có 81 hộ; Thiệu Hóa có 54 hộ; Cẩm Thủy có 1 hộ; Vĩnh Lộc có 4 hộ; Thạch Thành 5 hộ; Yên Định 84 hộ;TP Thanh Hóa có 124 hộ.
Trong số 353 hộ dân sinh sống trên sông, có 308 hộ hiện đang đề nghị cấp đất ở, còn 45 hộ không đề nghị cấp đất ở. Đến ngày 31/8, TP Thanh Hóa và 6 huyện đã cấp đất ở cho 68 hộ, đồng thời hoàn thành việc rà soát bố trí được quỹ đất, lập phương án tái định cư cho 232 hộ với 242 lô đất.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hoá, khẳng định: “Việc bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ ổn định cuộc sống là việc làm hết sức có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” để không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo kế hoạch đề ra, chậm nhất đến 30/6/2023, các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thạch Thành và Yên Định phải hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ người dân xây dựng nhà. Riêng TP Thanh Hóa, chậm nhất đến ngày 31/12/2023 phải hoàn thành.
Để đảm bảo kế hoạch thực hiện đúng tiến độ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa sẽ đánh giá kết quả việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo đang sinh sống trên sông lên bờ định cư là một trong những tiêu chí để đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và kết quả xếp loại hàng năm của từng cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.
Nhằm hỗ trợ các hộ dân nghèo đang sinh sống trên sông hiện đang gặp khó khăn về nhà ở, Công ty Xi măng Long Sơn đã trao ủng hộ 18 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo tại tỉnh Thanh Hóa.
Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu quốc gia nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Ủy ban bác ái Caritas Giáo phận Công giáo Thanh Hóa sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà đối với hộ giáo dân.