Nhà sản xuất công nghệ hàng đầu Apple đã lao vào một cuộc chiến pháp lý với Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) liên quan tới việc cơ quan này yêu cầu mở khóa chiếc iPhone 5C của hung thủ gây ra vụ xả súng đẫm máu ở San Bernardino.
Ảnh minh họa.
Cuộc chiến pháp lý bắt đầu kể từ sau vụ xả súng ở San Bernardino hồi tháng 12 năm ngoái, khiến 14 người thiệt mạng.
Kể từ khi toà án Liên bang yêu cầu Apple mở khoá chiếc iPhone 5C của hung thủ trong vụ thảm sát ở San Bernadino, một lãnh đạo cấp cao của Apple mới tiết lộ cho giới truyền thông mắt xích quan trọng của vấn đề, rằng vì sao công ty này vẫn chưa mở khoá được thiết bị để hỗ trợ cho FBI.
Theo đó, trong vòng 48 giờ kể từ lúc chiếc iPhone 5C được thu giữ bởi cơ quan điều tra, mật khẩu Apple ID của hung thủ đã bị thay đổi, chính điều này khiến các phương án mở khoá iPhone thất bại và chính quyền Mỹ sẽ không có cách nào để biết được những thông tin bên trong chiếc iPhone.
Không thể mở khoá chiếc iPhone, Toà án liên bang Mỹ nổi giận và yêu cầu Apple cung cấp một giải pháp trong tương lai giúp nhà điều tra có thể vượt qua mọi rào cản bảo mật trên chiếc iPhone. Hay nói cách khác, Apple bị ép phải làm gì đó để sau này chính quyền có thể mở khoá được bất kỳ chiếc iPhone nào bị khoá nhằm phục vụ cho mục đích tốt.
Giám đốc FBI James Comey đã yêu cầu Apple phải đưa ra biện pháp mở khóa chiếc iPhone của hung thủ Farook từ ngày 16-2 và đến nay đã tỏ ra mất kiên nhẫn đối với công ty này sau khi họ cũng tuyên bố “bó tay”. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Apple, Tim Cook, cũng đưa ra phản ứng của mình trong một bức thư gửi toàn bộ công nhân viên của công ty. Cook nhắc lại quan điểm của mình rằng sự bất đồng giữa họ và FBI sẽ chỉ mang đến các tranh cãi mới liên quan tới an ninh quốc gia, an ninh mạng và bảo mật thông tin.
Tiền lệ nguy hiểm
Kể từ năm 2014, khi Apple xây dựng lại hệ điều hành của mình để có thể đánh bại lại chính các công cụ phá mã bảo vệ mà họ phát triển, Giám đốc FBI Comey đã dẫn đầu một làn sóng phản đối lại cái mà ông gọi là mối nguy hiểm đến cộng đồng do mã hóa mang đến.
Hồi cuối tuần trước, ông Comey nói rằng FBI không muốn đặt một tiền lệ về việc phá mật mã bảo vệ của dòng điện thoại iPhone trong tương lai, mà chỉ muốn tìm ra các chứng cứ liên quan tới vụ thảm sát ở San Bernardino. Bản thân Giám đốc FBI cũng rất thận trọng khi đề cập tới việc Apple có thể tạo nên một chương trình khác để phá mã bảo vệ của một chiếc iPhone 5C.
Trong khi đó, Apple nói rằng họ hoàn toàn có thể tạo nên một phần mềm để phá mã bảo vệ của iPhone, nhưng khả năng hoạt động của nó có thể chỉ là số 0 tròn trĩnh đối với các các mẫu iPhone trong tương lai.
Vấn đề này cũng khiến nảy sinh một cuộc tranh luận gay gắt trong giới hành pháp nước Mỹ, khi nhiều người phản đối đòi hỏi của Tòa án tối cao và FBI, trong khi một số khác ủng hộ yêu cầu Apple phải cung cấp thông tin trích xuất từ chính sản phẩm mà họ sản xuất cho chính phủ nếu cần thiết.
Về phần mình, Bộ Tư pháp Mỹ chỉ nói rằng họ mong muốn có được dữ liệu từ chiếc iPhone của kẻ thủ ác để tìm ra đồng phạm nếu có, và xem lại các đoạn hội thoại với các nạn nhân để từ đó xác định động cơ gây án của Farook cùng vợ của hắn là Tashfeen Malik.
Hiện giờ, trong khi các bức ảnh và đoạn hội thoại thông qua hệ thống iMessage của Apple có thể vẫn còn trên chiếc điện thoại của hung thủ, thì khả năng FBI trích xuất được chúng ra lại khó đoán bởi chúng được bảo vệ bởi mật mã. Trong trường hợp FBI lấy được các dữ liệu trên, họ sẽ cần phải thực hiện một phương pháp khác hẳn so với cách mà Apple cung cấp thông tin cho các nhà hành pháp trước đây.
Cuộc tranh luận này dường như sẽ còn tiếp tục kéo dài, sau khi FBI nói rằng họ có rất ít lựa chọn trong quá trình điều tra, và chỉ yêu cầu Apple phá vỡ một chức năng của dòng iPhone chứ không yêu cầu công ty này phá bỏ các phương thức mã hóa của mình.
Trong khi đó, Apple phản bác lại rằng nếu họ tạo nên một tiền lệ như vậy, các cơ quan an ninh và giới hành pháp địa phương sẽ tiếp tục đưa ra yêu cầu tương tự trong trường hợp sản phẩm của họ có liên quan tới các vụ án từ đó ảnh hưởng đến đặc tính an toàn của sản phẩm của họ, ảnh hưởng đến hàng triệu người sử dụng iPhone.