Đúng 75 năm trước, bằng việc hội quân tại sông Elbe (Đức) giữa các binh sĩ Mỹ và Liên Xô đã đưa cuộc đại chiến thế giới thứ 2 sớm đi đến kết thúc. Những cái bắt tay giữa quân đội 2 nước cùng hợp tác nhằm tiêu diệt Đức Quốc xã trở thành một biểu tượng lịch sử.
Binh sỹ Mỹ và Liên Xô bắt tay nhau trong cuộc hội ngộ trên sông Elbe. Ảnh: Tư liệu.
Cuộc hội ngộ bất ngờ
Ngày 25/4/1945, 8 quân đoàn của Liên Xô đã bao vây hoàn toàn Berlin, hội quân với Quân đoàn 1 tuần tra của quân đội Mỹ, tại bờ Tây sông Elbe và sau đó là tại Torgau, Đức.
Tối 27/4/1945, các tuyên bố được đưa ra đồng thời tại London (Anh), Moscow (Liên Xô) và Washington (Mỹ) khẳng định quyết tâm của 3 nước trong việc tiêu diệt hoàn toàn Đức Quốc xã. Tuy nhiên, để có cuộc gặp giữa các chỉ huy cấp cao, một cuộc gặp đầu tiên giữa binh sĩ hai nước đã được thực hiện. Theo những tường thuật sau cuộc chiến, từ rạng sáng ngày 23/4, một hạ sỹ quan Mỹ biết tiếng Nga cho biết mình đã liên lạc được với các binh sĩ Liên Xô qua radio trong ngày hôm đó.
Nhiệm vụ bắt liên lạc với các đơn vị của Hồng quân Liên Xô được giao cho một đội tuần tra gồm 35 người thuộc Tiểu đoàn 3, Sư đoàn bộ binh 69 do trung uý Albert L. Kotzebue chỉ huy. Họ đã tiến vào ngôi làng Leckwitz lúc 11h30’ ngày 25/4/1945.
Sau khi gặp được một người lính Liên Xô dẫn đường, trung uý Kotzebue quyết định đưa toán trinh sát tiến về phía sông Elbe. Khi tới ngôi làng Strehla, những người lính Mỹ đã gặp được những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.
“Cuối buổi chiều ngày 25/4, các binh sĩ tuần tra khác trong nhóm trinh sát của Kotzebue cũng gặp những người lính Xô viết trên cây cầu đã bị hư hại nặng bắc qua sông Elbe ở thành phố Torgau. Đây là cuộc hội ngộ bất ngờ, cái bắt tay của những người lính yêu hòa bình”- theo hồi ức của các chiến sỹ Sư đoàn bảo vệ 58, Quân đoàn 34 Hồng quân Liên Xô.
Ngay sau cuộc hội ngộ của các binh sĩ Mỹ và Liên Xô, một loạt cuộc gặp giữa chỉ huy cao cấp của hai bên đã diễn ra. Ngày 26/4, thiếu tướng Reinhardt, tư lệnh sư đoàn 69 của Mỹ gặp thiếu tướng Rusakov, tư lệnh Sư đoàn bảo vệ số 58. Đến ngày 30/4/1945, hai vị tư lệnh khác là Đại tướng Mỹ Hodges gặp Đại tướng Liên Xô Zhadov...
Ở Moscow, tin tức về cuộc hội quân giữa quân đội hai bên Mỹ và Liên Xô được chào đón bằng loạt súng chào mừng gồm 324 khẩu. Ở New York, những đám đông tổ chức hát hò và khiêu vũ ở Quảng trường Thời đại. Và chỉ hơn chục ngày sau, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức Quốc xã Hans Krebs đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
“Cây cầu đã gãy”
Mối quan hệ Liên Xô (giờ là Nga) với Mỹ, trong suốt 75 năm qua, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay liên tục được đưa vào thế đối đầu bởi chiến lược “đơn cực”, “lưỡng cực” của 2 siêu cường.
Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, ngày 26/4, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cùng ra Tuyên bố chung nhân kỷ niệm “cuộc gặp sông Elbe”. Theo Tuyên bố, tinh thần cuộc hội ngộ trên sông Elbe là một hình mẫu về cách hai nước có thể gạt bỏ những bất đồng, xây dựng lòng tin và hợp tác với nhau để theo đuổi mục đích lớn hơn.
“Ngày 25/4/2020 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 75 cuộc hội ngộ lịch sử giữa các binh sĩ Liên Xô và Mỹ, những người đã bắt tay nhau trên cây cầu bị phá hủy bắc ngang sông Elbe, sự kiện này báo trước thất bại của chế độ phát xít”- theo thông báo của Điện Kremlin.
Cả ông Putin và ông Trump đều cho rằng: “Tinh thần cuộc hội ngộ trên sông Elbe là một hình mẫu về cách hai nước có thể gạt bỏ những bất đồng, xây dựng lòng tin và hợp tác với nhau để theo đuổi mục đích lớn hơn”.
“Nhà lãnh đạo 2 nước bày tỏ lòng tôn kính và tri ân trước tinh thần dũng cảm của tất cả những người đã cùng nhau chiến đấu đập tan chế độ phát xít, khẳng định chiến công anh dũng của họ không bao giờ bị lãng quên, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của thế kỷ 21”- AFP dẫn lời các quan chức Nhà Trắng .
Hai lãnh đạo Nga và Mỹ đưa ra Tuyên bố chung hiếm hoi trên trong bối cảnh quan hệ 2 nước liên tục căng thẳng do vấn đề Ukraine, Syria, kiểm soát vũ khí...Lần gần đây, Tuyên bố chung đánh dấu sự kiện trên sông Elbe được đưa ra là vào năm 2010 khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga.
Dù ra Tuyên bố chung nhưng những bất đồng sâu sắc giữa Nga và Mỹ khó có thể lấp đầy. Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ như cây cầu đã gãy, rất khó để có thêm một cuộc hội ngộ nữa trên sông Elbe.