Cười, khóc và thở dài là ba cung bậc cảm xúc, ba trạng thái tình cảm, ba động tác sinh lý xẩy ra hàng ngày trong đời sống con người.
(Minh họa: Kim Daehyun).
Lẽ dĩ nhiên, trên sân khấu kịch nói, trên màn ảnh to, màn ảnh nhỏ, các diễn viên cười, khóc, thở dài là do kịch bản quy định và tùy theo khả năng diễn xuất của từng người. Cách đây 100 năm, vua hề Xác-Lô không hề nói một câu nào, chỉ bằng những cử chỉ, những động tác cực kỳ điêu luyện, cực kỳ truyền cảm đã khiến hàng triệu triệu người xem trên toàn thế giới cười bò lăn, cười bò toài, cười đau cả bụng, cười chảy dàn dụa cả nước mắt, cười không thở được phải chạy ra ngoài để hít lấy hít để ôxy của khí trời. 100 năm sau, trên sân khấu 3D, 4D các diễn viên phồng má, trợn mắt cười sằng sặc, nhưng khán giả ngồi dưới không ai cười. Một số người ngáp vặt. Một số người nói chuyện riêng. Một số người giả vờ ra ngoài hút thuốc lá rồi chuồn mất.
Mới kể qua như thế mới thấy cái phức tạp của ba trạng thái cảm xúc đã nêu. Không nên đi lan man, nên khu trú trong hai nội dung:
- Từ điển nói gì?
- Văn chương chữ nghĩa nói gì?
1. Từ điển nói gì và một số thắc mắc:
Theo Đại từ điển tiếng Việt:
- Trang 815: “Khóc là: 1/ Không kìm nén được cảm xúc, nỗi đau đớn, sự khó chịu mà ứa nước mắt hoặc phát ra tiếng than buồn thảm. 2/ Tỏ lòng thương tiếc với người thân bị chết”.
Thắc mắc là: Thế đứa trẻ con vừa mới đẻ thì nó thương tiếc ai hay nó cố kìm nén cái gì mà nó cũng khóc nức, khóc nở nhỉ?
- Trang 376: “Cười là: 1/ Tỏ rõ sự vui mừng, thích thú bằng việc cử động môi, miệng và có thể phát ra thành tiếng. 2/ Tỏ sự chê bai bằng lời có kèm theo tiếng cười hoặc gây cười. 3/ Đầy quá mức làm kênh nắp đậy nồi cơm lên. Thí dụ: Cơm cười, người no”.
Thắc mắc là: Tại sao sáng nay, lúc tay trưởng phòng nhận quyết định về hưu, hắn lại cười nhỉ? Không biết cái cười của tay trưởng phòng này đúng ở nghĩa 1, 2 hay 3?
- Trang 876: “Thở dài là: Thở ra một hơi dài khi có điều phiền muộn. Thí dụ: Tiếng thở dài não ruột”.
Thắc mắc là: Không biết người đàn bà trong câu ca dao cổ:
“Đêm nằm, vuốt bụng thở dài,
Thương chồng thì ít,
thương giai thì nhiều”
thì tại sao khi thị thương giai nhiều hơn thương chồng mà phải thở dài nhỉ! sao thị không khóc? sao thị không cười?
2. Văn chương chữ nghĩa nói gì?
Cái khóc, cái cười được nhiều trí thức nước ta biết đến từ hơn một trăm năm nay là nhờ có cái định nghĩa nổi tiếng của Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859). Ông đã viết:
“Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười,
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Bình phẩm về bốn câu thơ tuyệt tác này đã tốn bao nhiêu giấy, bao nhiêu mực, bao nhiêu tiếng khóc tức tưởi, bao nhiêu tiếng cười tức tưởi, bao nhiêu tiếng thở dài nấc nghẹn. Xin không dám lạm bàn gì thêm nữa.
Bên trời Tây, thi sĩ thiên tài Jean Baptiste Massillon (1663 – 1742) đã khôn ngoan hết mực khi ông cảnh báo con người: “Khi người đời cười mình thì còn nguy hiểm hơn khi người đời xử bạc với mình” (Le monde est plus dangereux lorsqu'il nous rit que lorsqu'il nous maltraite). Đọc đến đây ai cũng rùng mình liên tưởng đến cảnh tượng bạo chúa Néron ở thời La Mã cổ đại đã cười sằng sặc khi hắn hạ lệnh đốt cả kinh thành để giết chết một lúc hàng ngàn người dân lành vô tội. Như thế, tiếng cười đâu chỉ là đại diện của cái vui mừng, cái tốt đẹp. Trong trường hợp cụ thể của bạo chúa Néron, nó là tội ác, là khát máu.
Đại thi hào William Shakespeare (1564 – 1616) trong tác phẩm vĩ đại Macbeth đã viết một cách cay đắng: “Trong những nụ cười của người đời ta phát hiện ra còn có cả gươm giáo” (There's daggers in men's smiles).
Cũng dòng suy nghĩ về sự đau đớn, sự cay đắng, sự bế tắc của tiếng cười, một thi sĩ Việt Nam thời cũ đã viết: “Cười là tiếng khóc khô không lệ. Người ta cười trong lúc quá chua cay”.
Chao ôi, tiếng cười vốn là đặc ân của Thượng đế chỉ ban tặng riêng cho con người, vốn là ân huệ tối cao mà chỉ có con người mới có được so với ngàn vạn các loài động vật đang có mặt trên trái đất này không thể có được, thì tại sao có cái mặt trái khủng khiếp như thế, thì tại sao lại có hệ lụy ghê gớm như thế. Phải đi sâu thêm về bản chất tiếng cười.
Fulke Greville (1794 – 1865) đã phát hiện: “Con người là loại động vật duy nhất mà Thượng đế đã ban cho cái quyền lực của tiếng cười” (Man is the only creature endowed with the power of laughter). Song song với cái quyền lực, cái đặc ân, cái phần thưởng, cái độc đáo mà Thượng đế đã ban cho loài người ấy từ thủa khai thiên lập địa, dần dần con người ngày càng văn minh, ngày càng trưởng thành nên cũng ngày càng thấm thía cái hay, cái dở, cái vinh quang, cái cay đắng của tiếng cười.
Triết gia vĩ đại người Đức – Friedrich Nietzsche (1844 – 1900) đã tìm ra nguyên nhân sâu xa vì sao con người lại cần phải có tiếng cười khi ông viết: “Trên thế gian này, chỉ có mỗi loài người là phải chịu quá nhiều đau đớn ghê gớm đến nỗi họ phải bắt buộc sáng tạo ra tiếng cười” (Men alone suffers so excruciatingly in the world that he was compelled to invent laughter). Mệnh đề triết học cao siêu và sâu thẳm tính nhân văn này của Nietzsche đã đưa ông lên hàng ngũ các triết gia vĩ đại nhất của mọi thời đại. Đây cũng là đề tài cho nhiều luận án Tiến sĩ Triết học, Tiến sĩ Văn học, Tiến sĩ Thần học có nhiều tiếng vang về học thuật trong hàng trăm năm qua. Có người còn dự báo: “cho đến mãi mãi, nhận định này của Nietzsche vẫn sẽ luôn luôn đúng”.
Tuy nhiên, các bậc Tiền bối cũng để lại cho cuộc đời nhiều danh ngôn về tiếng cười trong các cách xử thế, các cách học làm người rất dễ hiểu mà ta có thể tham khảo được. Đại thi hào Thackeray đã viết: “Một nụ cười tươi là ánh mặt trời ở trong nhà” (A good laugh is sunshine in a house).
Một danh Y Việt Nam xưa cũng đã viết: “Một nụ cười hơn mười thang thuốc bổ”.
Thế thì tại sao chúng ta không chào đón ánh mặt trời, không trân trọng các thang thuốc bổ trong đời sống hàng ngày ở trong từng mái ấm gia đình của chúng ta.
Cũng nên có vài dòng về cái tích cực, cái có lợi của nước mắt, của sự khóc.
Richard Crashaw (1613 – 1649) đã nói rất đúng về tác dụng của nước mắt: “Khóc làm ta vơi đi sự thống khổ” (Weepling is the ease of woe). Đây là một tác dụng có thật vẫn xẩy ra trong đời sống hàng ngày. Bạn ta gặp lúc đau khổ, bế tắc, ta có thể động viên: “Xin cứ khóc đi, khóc nữa đi cho nhẹ nhàng, cho bớt đau khổ”. Nước mắt và những cơn khóc nức nở lúc này đã trở thành cái supáp an toàn (như trong cỗ máy hơi nước: Trong bình nén khí để chạy động cơ, lúc nào quá 2 – 3 Át mốt phe phải có supáp xì bớt hơi ra cho an toàn, nếu không sẽ nổ tan bình chứa khí nén, gây tai nạn chết người). Khóc cũng thế. Nước mắt cũng thế, nó hạ hỏa, nó làm giảm stress rất hiệu quả.
Ngay từ thời cổ đại, Triết gia Ovid (Năm 43 trước Công nguyên) cũng đã từng viết: “Có ít nhiều sự thoải mái trong cơn khóc” (Nguyên văn tiếng Latinh: Est quaedam flere voluptas).
Còn Thi sĩ Colley có câu thơ rất hay về nước mắt: “Lời nói để khóc và nước mắt để nói” (Words that weep and tears that speak). Nói để khóc, khóc để nói, thật ít có phát hiện nào làm rung động lòng người, có thể chạm đến trái tim con người đến như thế.
Cũng nên có vài dòng về cái sức mạnh, cái tích cực của tiếng thở dài.
Theo tác giả người Anh, ông Th.Sadwell (1680) thì: “Những tiếng thở dài chính là ngôn ngữ của trái tim ta” (Les soupirs sont le langage du cœur). Vì thế đừng nên coi thường tiếng thở dài, vì chính nó là phút yên lặng trước khi giông bão nổi lên.
Cũng đồng ý về sức mạnh của tiếng thở dài, một tác giả Scotland đã viết: “Những tiếng thở dài còn vang xa hơn những tiếng khóc” (Les soupirs portent plus loin que les cris). Từ nhận xét này, liên hệ đến câu ca dao ở đầu bài viết, ta có thể hiểu cái động tác “vuốt bụng thở dài” của người đàn bà chắc chắn báo hiệu một ngày nào đó sẽ có những biến động không lường trước được!