Gần đến Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại trở nên nhộn nhịp. Bất chấp các quy định của Nhà nước, dịch vụ này được đăng tải công khai, thậm chí chạy quảng cáo trên mạng.
Tiền mệnh giá càng nhỏ, phí càng cao
Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của mọi người lại tăng cao. Người đổi tiền lẻ, tiền mới để đi lễ, người đổi tiền lẻ để lì xì năm mới cho may mắn. Đặc biệt, mọi người thường có nhu cầu đổi tiền 1.000 đ, 2.000 đ, 5.000 đ, 10.000 đ và 20.000 đ. Tuỳ theo mỗi mệnh giá khác nhau, phí đổi tiền lẻ cũng khác nhau.
Trong vai một người đi đổi tiền lẻ, chúng tôi được người đổi tiền “hét” phí dịch vụ khá cao, dao động từ 4-20%. Mệnh giá tiền càng thấp, phí dịch vụ càng cao. Nếu đổi tiền 1.000đ, cứ 1 triệu đồng mất phí 200.000 đ. Đối với mệnh giá 100.000 đ hay 200.000 đ thì phí dịch vụ thấp hơn, chỉ khoảng 4% (nếu đổi 1 triệu đồng tiền 200.000đ thì mất phí 40.000đ).
Chị K.A., một người có “thâm niên” trong nghề đổi tiền cho biết, phí dịch vụ đối với các mệnh giá tiền cũng tuỳ từng năm. Có những năm tiền 10.000 đ rất hiếm thì phí đổi rất cao, ngược lại, có những năm tiền 50.000 đ rất hiếm. Nhu cầu của mệnh giá tiền năm nào tăng cao thì phí cũng sẽ bị đẩy lên.
Dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ hoạt động công khai trên mạng
Trong thời đại hiện nay, không khó để tìm đến nơi có dịch vụ đổi tiền. Chỉ cần gõ cụm từ “đổi tiền lẻ” hoặc “đổi tiền mới” trên công cụ tìm kiếm, bạn có thể nhận được hàng loạt kết quả, các thông tin về dịch vụ này đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên hệ.
Nhiều quảng cáo còn công khai mức phí giao dịch, kèm theo những lời chào mời như “phí đổi rẻ nhất”, “tiền nguyên seri”.
Thậm chí, những thông tin này còn được chạy quảng cáo trên Google hay Facebook để hút khách.
Khi vào các trang quảng cáo hay trang Facebook có dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới, nhiều hình ảnh về hàng thếp tiền lẻ các mệnh giá được đăng tải công khai như một cách “minh chứng” dịch vụ hoạt động một cách uy tín, có “lượng tiền lớn”.
Hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới thu phí dịch vụ có vi phạm pháp luật?
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường phát hiện và xử lý các hành vi đổi tiền lẻ trái quy định của Pháp luật.
Theo luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội), pháp luật hiện hành quy định, hoạt động đổi tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch là hành vi trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá… sẽ bị xử phạt hành chính với mức thấp nhất là 20 triệu đồng.
Cụ thể, tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị Định số: 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có quy định: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật”.
Tại Điều 53 Nghị Định số: 88/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt với hành vi đổi tiền trái pháp luật được quy định gồm những cá nhân, tổ chức sau: Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng , Trưởng đoàn thanh tra do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng ra quyết định.