Cuối năm, doanh nghiệp lại lo thiếu lao động

Lê Bảo 04/11/2022 08:03

Từ giữa tháng 10 đến cuối năm hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội sẽ tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động kết hợp với trực tuyến để kết nối cung cầu thị trường lao động. Tại những phiên giao dịch việc làm lưu động gần đây cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ gia tăng với đủ các loại hình việc làm và mức lương khá hấp dẫn.

Sàn giao dịch việc làm tại Hà Nội sôi động với đa dạng chỉ tiêu tuyển dụng.

Bà Lê Thị Hải Vân - Trưởng bộ phận nhân sự Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, hiện công ty đang có nhu cầu tuyển 40 người, từ 18 tuổi trở lên làm việc theo giờ hoặc part time. Theo đó, vị trí tuyển dụng là nhân viên thực phẩm chế biến, thực phẩm khô, thực phẩm tươi sống, nhân viên thu ngân, quầy thời trang, quầy gia dụng… Mức lương cơ bản từ 6 triệu đến 6,2 triệu đồng (làm full time), từ 23.000 - 24.500 đồng/giờ (làm part time). Ngoài ra có phụ cấp chuyên cần, xăng xe, bữa ăn, có thể làm xoay ca, linh hoạt.

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp (DN) đăng ký tuyển dụng, dễ nhận thấy nhất là các ngành thương mại dịch vụ có nhu cầu tuyển lớn, nhất là lao động thời vụ để đáp ứng các dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Lĩnh vực chế biến thực phẩm, thương mại điện tử, logistic, công nghê thông tin, tài chính ngân hàng cũng gia tăng tuyển dụng… Nhu cầu dự báo sẽ tăng khoảng từ 10-15% so với những tháng trước đó.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (FALMI), thị trường lao động từ nay đến cuối năm 2022 sẽ sôi động. Nhu cầu lao động của các DN trên địa bàn ước khoảng 77.000 chỗ làm việc, nhất là vào dịp cuối năm để phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chiếm 56%; 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố chiếm 19%. Bên cạnh đó, nhiều DN tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết, chiếm 15%. Tuy nhiên, theo đánh giá của FALMI, thị trường lao động đang có sự đào thải gay gắt vì sự phát triển của khoa học công nghệ đang làm phát sinh nhiều hình thức làm việc mới, thay đổi cơ cấu, tổ chức công việc, đòi hỏi người lao động phải thích ứng, nâng cao trình độ chuyên môn.

Thực tế phản ánh của nhiều DN cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, phổ thông chỉ mang tính thời vụ phục vụ đơn hàng dịp Tết còn thực chất nhu cầu tuyển dụng của DN hướng đến nhóm lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, đây là khó khăn cho các DN hiện nay, nhất là nguồn lao động phục vụ cho chuyển đổi số.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM cho rằng, các DN không biết tìm đâu ra lực lượng lao động đã qua đào tạo. “Giờ chỉ cần 300 lao động giày da được đào tạo nhưng hỏi các trường đều không đủ. Do đó DN đang phải đẩy mạnh liên kết với trường nghề để tăng lượng nhân lực được đào tạo cấp tốc nhằm chữa cháy, đồng thời hỗ trợ chỗ ở, ăn uống để kêu gọi lao động” - ông Khánh nói.

Lý giải tình trạng khan hiếm lao động nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động thiếu việc làm vẫn cao trong khi DN lại rơi vào tình trạng thiếu lao động phần lớn là thiếu nhân lực có tay nghề, trình độ cao, lao động đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, một số lao động về quê trong thời gian dịch bệnh không muốn quay trở lại thành phố mà muốn tìm việc gần nhà; ngoài ra số công nhân này cũng không nắm được thông tin về nhu cầu của những đơn vị tuyển dụng.

Để tránh sự “lệch pha” trong nguồn nhân lực đại diện FALMI cho rằng DN phải có chiến lược tuyển dụng nhân sự, phải gắn kết với hệ thống giáo dục nghề nghiệp để tuyển dụng lao động đúng đối tượng. Bên cạnh đó, những DN mang tính ổn định lâu dài phải có chiến lược lao động dài hạn.

Thực tế thì nhiều DN đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có chất lượng. 73% DN rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này cho thấy có khoảng cách lớn giữa cung và cầu.

Bàn giải pháp cho thị trường lao động, TS Đinh Thị Hồng Duyên - chuyên gia tư vấn về Quản trị DN cho rằng, sau đại dịch Covid-19, nhiều lao động có xu hướng chuyển sang các công việc freelancer (hay còn gọi là những người làm việc tự do), trong đó nhiều lao động chất lượng cao cũng thay đổi xu hướng công việc, thậm chí có thể tự làm các sản phẩm, chủ động cung cấp dịch vụ cho các bên. Do đó DN đối mặt với làn sóng nghỉ việc, chuyển đổi công việc sau đại dịch rất cao, nhất là những người có chuyên môn cao có xu hướng nghỉ việc chuyển sang tự khởi nghiệp. Vẫn theo bà Duyên, ngoài mức lương, người lao động mong muốn có một môi trường làm việc tốt, do đó DN cần có chính sách hấp dẫn về tiền lương, thu nhập và các chế độ bồi dưỡng khác...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuối năm, doanh nghiệp lại lo thiếu lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO