Văn hóa

Cuối tháng Giêng, đến Nà Hẩu xem cúng rừng, hát giao duyên

Thu Nhài 09/03/2024 19:51

Ngày 9/3 (tức ngày 29 tháng Giêng), tại những cánh rừng thiêng thuộc thôn Bản Tát, Ba Khuy, Trung Tâm (thuộc xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái) đã đồng loạt diễn ra Lễ cúng rừng. Đây là nghi lễ truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với đồng bào Mông ở Nà Hẩu.

na-hau-7.jpg
Sáng 9/3, dù trời đổ lạnh, có mưa phùn nhưng rất nhiều người dân và du khách vẫn đến Nà Hẩu để xem Lễ cúng rừng. Ảnh: Thu Nhài.

Tết rừng hay còn gọi là Lễ cúng rừng chứa đựng trong đó tín ngưỡng thờ thần rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ở tất cả các thôn bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng thần rừng với những quy định “bất khả xâm phạm".

na-hau-6.jpg
Ảnh: Thu Nhài.
na-hau-10.jpg
Đồ cúng được chuẩn bị, bao gồm lợn và gà. Ảnh: Thu Nhài.

Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét; cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch hàng năm, các bản, làng trong xã Nà Hẩu lại tụ họp về khu “rừng cấm, rừng thiêng” của thôn để cùng tổ chức “Lễ cúng thần rừng”.

na-hau-9.jpg
Dẫn đầu đoàn lễ là những người thổi khèn Mông và những người phụ nữ mặc áo truyền thống sặc sỡ. Ảnh: Thu Nhài.

Sau lễ hội Tết rừng, theo tập tục của người Mông, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn thần rừng. Cũng trong ba ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ đã được quy định theo luật tục đó là không đi vào rừng chặt cây xanh, không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời, không xay ngô, giã gạo…

nau-hau-8.jpg
Địa điểm làm lễ là dưới gốc cây cổ thụ trong rừng cấm. Ảnh: Thu Nhài.
nau-hau-4.jpg
Sau khi làm lễ xong, mọi người sẽ quây quần bên nhau liên hoan. Ảnh: Thu Nhài.
na-hau-5.jpg
Ở lễ hội mọi người còn được nghe các cặp đôi cầm loa hát giao duyên. Ảnh: Thu Nhài.
na-hau-3.jpg
Được tham gia những gian hàng chợ quê với những mặt hàng đặc trưng của địa phương. Ảnh: Thu Nhài.
nau-hau.jpg
Được xem các đội thi đấu kéo co. Ảnh: Thu Nhài.
na-hau-1.jpg
... Đẩy gậy. Ảnh: Thu Nhài.
nau-hau-2.jpg
Hay thi đấu quay. Ảnh: Thu Nhài.

Ngoài ra, lễ hội còn tổ chức thi đấu và biểu diễn các trò chơi dân gian, tiết mục văn hóa văn nghệ của người Mông như: Đánh quay, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ. Trò chơi nảy pao, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ, đá cầu, kéo co, bắt cá bằng nơm trên ruộng… và các tiết mục kèn môi, kèn lá, múa khèn, múa gậy sênh tiền, hát đối của người Mông.

Tổ chức các hoạt động triển lãm ảnh với chủ đề đất và người Văn Yên, hoạt động tham quan du lịch, trải nghiệm mô hình rèn cơ khí truyền thống của người Mông; mô hình thêu thổ cẩm trang phục người Mông; Săn mây đỉnh Ba Khuy; thác Bản Tát, thác Tiên, Hang Dơi, Hang Vàng, rừng nguyên sinh…; thưởng thức các món ẩm thực: mèn mén, cá tầm, gà đen, lợn bản địa, ốc dạ, rau cải, rau đắng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuối tháng Giêng, đến Nà Hẩu xem cúng rừng, hát giao duyên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO