Trong giới phê bình văn học, cái tên Đinh Quang Tốn đã từ lâu được định vị. Khiêm tốn, giản dị nhưng cũng rất sắc sảo chính là phong cách phê bình của ông.
Tôi đặc biệt thích thú cái cách nhà thơ Nguyễn Thành Tuấn làm thơ về Đinh Quang Tốn: “Người xa phố Hiến mùa mưa/ Con đường hun hút gió lùa hàng cây/ Một mình ta giữa mưa bay/ Chiếc ô lệch cả sang ngày bên nhau/ Bao giờ về chợ Quảng Châu/ Lân la mặc cả giá trầu cũng say/ Bao giờ lại khúc đê này/ Cưỡi trâu mà hát với cây ngô đồng/ Tuổi thơ hát với cơn giông/ Nón sen thơm ngát quãng đồng nhà quê/ Chao ơi cái phố ven đê/ Khi xa thì nhớ khi về lại thương/ Rồi mai son phấn phố phường/ Có còn hàng nhãn con đường hôm nay/ Người đi giữa lúc mưa bay/ Ta chờ khoảng nắng nối dây cánh diều” (Người xa phố Hiến).
Quả là những dòng chữ vừa tâm can vừa da diết dành cho người anh - người bạn tri âm.
Đinh Quang Tốn từng nhận nhiều giải về các tác phẩm phê bình và khi cuốn “Tản mạn nghiệp văn” đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009 chính là sự ghi nhận cao nhất cho ngòi bút vừa mẫn cán vừa hào hoa họ Đinh. Tập sách với 63 bài viết thể hiện bản lĩnh và sự đồng cảm, tri âm của Đinh Quang Tốn với đời sống văn học nghệ thuật, nhất là với giới sáng tác.
Ông từng khẳng định: “Phê bình phải là tri âm tri kỷ với sáng tác chứ không phải là sự đối lập với sáng tác. Mỗi người có một quan điểm phê bình riêng. Ví như Hoài Thanh thì ông thường chỉ tìm ra cái hay, cái đẹp của tác phẩm, cái dở ông không nói đến. Tôi không phải như vậy, tôi vẫn chê. Tôi nghĩ, chê đúng, chê chân thành là một cách tạo đà cho sự phát triển của người sáng tác. Nhưng để đối lập và phủ định hoàn toàn với người sáng tác thì tôi không làm như vậy. Bởi tôi cũng từng làm thơ, nên tôi hiểu, mỗi bài thơ, mỗi sáng tác đều là máu mủ của các tác giả. Vì vậy, tôi viết phê bình với một thái độ rất trân trọng”.
Đó cũng là quan điểm của Đinh Quang Tốn về phê bình văn học nghệ thuật.
Văn học nghệ thuật - cái đích đến đầu tiên và cuối cùng đều hướng về con người, hướng về vỉa tầng bên trong vốn muôn hình vạn trạng. Ở trong bể vô cùng ấy, những thành bại, được mất, hạnh phúc và khổ đau đều dường như cùng một lúc muốn cất tiếng nói của riêng mình. Chính bởi chất thơ luôn thấm đẫm con người Đinh Quang Tốn chăng mà ông viết phê bình rất ít khi dùng lý thuyết, lý luận để khuôn vào tác phẩm.
Trong phê bình Đinh Quang Tốn, sự chặt chẽ, sắc sảo song hành với những đoán định nghệ thuật rất đặc biệt. Nó mơ hồ mà sáng rõ. Nó đóng khung mà vẫn rất mềm mại những đường diềm bỏ mở. Thật lạ kỳ, trong một bài viết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã thích thú câu thơ: “Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh”. Hữu Thỉnh vốn rất tinh thơ. Việc Hữu Thỉnh chép một câu thơ ai đó vào sổ tay hẳn là hữu lý để hàng chục năm sau chính Hữu Thỉnh đã sững sờ khi biết câu thơ đó trong bài “Đồng mưa” của Đinh Quang Tốn: “Mưa tầm tã mà cánh đồng rộn rã/ Hối hả trâu đi náo nức mạ xuống đồng/ Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh/ Ì oạp tiếng gàu đổ nước ra sông”.
Đến lúc này, quả tình tôi mới thấy Nguyễn Thành Tuấn tả chân dung bằng thơ về Đinh Quang Tốn là tài tình vậy. Chúng ta có nhiều nhà phê bình làm thơ và nhà thơ viết phê bình. Cự phách thì như cỡ Xuân Diệu, Chế Lan Viên. Sau này, nhà thơ Lê Thành Nghị là một điển hình. Nhất định phải kể đến Đinh Quang Tốn. Ông đã đoạt nhiều giải về phê bình nhưng hai tập thơ “Sóng đôi’ và “Trăng suông” đã là những đóng góp không nhỏ với nền thơ. Một cung cách riêng lặng thầm mà xao động. Một tấm lòng riêng nôm na đồng áng mà trải rộng mênh mông.
Thật không phải dễ dàng gì có được: “Cánh đồng mênh mông lui cui bóng mẹ/ Bầu trời quê hương xanh biếc khôn cùng” (Giữa mùa chiến dịch); “Mọi người khuyên em đừng cả nghĩ/ Em vẫn đây mà cây cỏ mất hồn” (Nhớ chị); “Tôi bừng tỉnh thức trong đêm/ Nhà bên tiếng đập lúa rền vọng sang/ Tiếng no ấm của xóm làng/ Trong tôi những hạt lúa vàng tung bay” (Về quê nghe tiếng đập lúa); "Bây giờ đã cuối tháng Giêng/ Nhớ sao bát cháo rong riềng tuổi thơ/ Con đi từ bấy đến giờ/ Khôn nguôi bóng mẹ mưa mờ đồng xa" (Bây giờ đã cuối tháng Giêng)...
Đó chính là thơ đồng quê của những người ăn hạt lúa củ khoai bãi sông bến chợ mà cầm bút cầm súng từ nơi lửa đạn trở về nên rất ý thức được những điều bình dị phải được trân trọng trong đời sống. Đinh Quang Tốn đã sống rất đúng với phong cách thơ ông: chân thành, ngẫm ngợi và luôn hướng về những điều có ích.
Cái ngày Đinh Quang Tốn cùng Nguyễn Phúc Lai, Đỗ Hữu Tấn làm công tác văn học nghệ thuật ở Hải Hưng, tiếp đó là Hưng Yên cũng đã khá xa rồi. Đã hơn ba mươi năm đủ để nhìn lại mà thấy quãng đường đã đi qua không phải lúc nào cũng phẳng phiu nhưng thảy đều hướng về những tốt lành đùm đậu. Rồi ông trở thành đại tá công an và tham gia ban lãnh đạo báo Công an Nhân dân với chức danh Phó Tổng Biên tập. Mọi người khá bất ngờ nhưng ai nấy đều chúc mừng nhà thơ - nhà phê bình đã dấn thân sang một khung trời mới.
Ai chứ Đinh Quang Tốn có đưa về đẩu đâu đều yên tâm không chỉ bởi tính nết lành hiền nhường nhịn của ông mà cái chính yếu là tấm lòng chân thành của ông với nghiệp văn bút. Đinh Quang Tốn rất biết mình là ai, càng biết sở trường sở đoản của mình nên ông nhập cuộc rất nhanh. Với cái tinh nhạy của người viết phê bình và trái tim thơ luôn rung động, cảm thông, chia sẻ nên khu vực báo chí mà ông đảm nhận không chỉ biết đóng lại những nhạy cảm không cần thiết của các cây bút giàu cá tính mà còn biết mở ra, thậm chí là “lờ đi” những câu chữ, bài vở đã chạm tới “lằn ranh đỏ” của các cây bút tài năng nhưng cũng hết sức cá tính.
Một điều đúng với bản tính của ông là rất ít khi ông nói về mình kể cả là khúc làm báo sôi động nhất hay quãng thời gian âm thầm viết những tập sách phê bình đoạt giải thưởng văn học. Luôn ở đó một Đinh Quang Tốn nhỏ nhẹ, điềm tĩnh và có phần nhường nhịn. Báo chí hoặc phê bình văn học hoặc như thơ đâu nhất thiết cần phải ồn ào đao to búa lớn.
Nhưng nhất định phải sâu sắc và có bản sắc riêng. Thật không dễ gì khi viết được những câu thơ: “Thác cổ thì vẫn mới/ Tháp vừa xây cũ rồi/ Tôi ngắm những ngọn tháp/ Sao giống như cõi người” (Thánh địa Mỹ Sơn); “Hôm nay lần đầu tôi thấy/ Tượng rồng đang cào cấu thân mình/ Mắt trồi ra cố nhìn đời thực/ Tai điếc miệng câm oan ức nghìn năm” (Ngắm tượng rồng đền Trạng nguyên Lê Văn Thịnh).
Đúng là có những điều chỉ nói được bằng thơ.
Và ở đây chúng ta cần phải cảm ơn những câu thơ của Đinh Quang Tốn.
Nhà thơ - nhà phê bình Đinh Quang Tốn thấm thoắt đã có gần nửa thế kỷ cầm bút. Quãng đường ấy với riêng ông đã rất nhiều điều được nói ra và chắc chắn còn không ít điều chưa thể nói được ra. Giống như ngọn lửa bền bỉ. Giống như dòng sông trong mát cây cầu soi gương, Đinh Quang Tốn cứ thế lặng lẽ bộ hành, lặng lẽ vun trồng, tìm nhặt và ấp ủ men người cho cuộc sống phong quang hơn, tốt đẹp hơn.
Nghề văn nghiệp báo đến với ông cũng chính là số phận cũng chính là thành quả của một người chăm chỉ, hiền lành và chu đáo với đời, với văn chương chữ nghĩa. Lứa các ông luôn biết tự tu dưỡng học tập, tự nâng cao bản lĩnh ngòi bút và nhất là đạo đức nghề nghiệp của mình.
Những lúc như thế, tôi luôn thấy Đinh Quang Tốn là có lý khi bộc bạch: “Còn tôi, coi viết văn, làm thơ là một việc bình thường sau khi đã hoàn thành những công việc mà cuộc đời giao cho. Không có tài thì hãy viết những trang văn có ích...”
Đó mới chính là Đinh Quang Tốn vậy.
Cũng như những nhận định bằng thơ của Nguyễn Thành Tuấn về ông: “Cưỡi trâu mà hát với cây ngô đồng”.
Nhà thơ - nhà phê bình Đinh Quang Tốn, sinh năm 1951 tại xã Thổ Hoàng, thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1974. Ông có thời gian khá dài dạy học (những năm 1974 – 1989).
Ông là tác giả của 5 tập phê bình tiểu luận văn chương đã xuất bản. Tập “Cánh diều và mặt đất” được Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1995.
Bên cạnh viết phê bình, ông còn làm thơ, đến nay có khoảng hơn 300 bài. Tập thơ “Trăng suông” (NXB Hội Nhà văn, 2005) là tập thơ đầu tiên của Đinh Quang Tốn.