Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố cho rằng, bản thân bị cáo Tề Trí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (SADECO, công ty con của công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC) không thể tự quyết mà phụ thuộc vào đại diện chủ sở hữu vốn góp tại SADECO, trong đó có vai trò quyết định của ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.
Ngày 6/1, TAND TP HCM tiếp tục các phiên tranh trụng xét xử sơ thẩm vụ sai phạm liên quan đến các cựu quan chức TP HCM và lãnh đạo, cán bộ của IPC và SADECO, gây thất thoát tài sản hơn 1.100 tỷ đồng.
Đại diện Viện KSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa tham gia đối đáp, khẳng định vai trò đầu vụ của bị cáo Tất Thành Cang, đồng thời cho rằng nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM trong quá trình xét xử đã chối bỏ trách nhiệm, phủ nhận lời khai của cấp dưới.
Cơ quan công tố cũng cho rằng, nội dung bào chữa của các luật sư bào chữa cho ông Tất Thành Cang cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Cụ thể, luật sư lập luận Văn phòng Thành ủy TP HCM mới là chủ thể tội phạm, không phải bị cáo Tất Thành Cang. Tuy nhiên, chính các luật sư tham gia tranh tụng cũng nói rằng bị cáo Cang là người phụ trách Văn phòng Thành ủy TP.
Tương tự, luật sư lập luận chứng minh bị cáo Tất Thành Cang không có quyền quyết định phương án chuyển nhượng 9 cổ phần SADECO vì thân chủ của mình không phải là chủ sở hữu tài sản. Tuy nhiên, cơ quan công tố cũng chỉ ra việc các luật sư khi tranh tụng lại nói rằng bị cáo Cang có vai trò chỉ đạo thu hồi phương án chuyển nhượng 9 triệu cổ phần nhằm tránh tổn thất !?.
Đại diện VKS cũng viện dẫn hành vi bị cáo Tất Thành Cang bút phê "Đồng ý" vào tờ trình chấp thuận chủ trương phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000/cổ phần cho cổ đông chiến lược là công ty Nguyễn Kim, nhờ đó SADECO hoàn thành giao dịch chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim.
Vì vậy, việc bút phê “đồng ý” của bị cáo Tất Thành Cang là hành vi có tính chất quyết định gây ra chuỗi sai phạm sau này.
Tại tòa, người thừa hành quyền công tố cũng khẳng định, bị cáo Tề Trí Dũng không thể tự quyết nếu đại diện chủ sở hữu vốn góp tại SADECO (có vốn của UBND TP HCM, Văn phòng Thành ủy TP) không đồng thuận. Do đó, có đầy đủ cơ sở khẳng định bị cáo Tất Thành Cang đã định hướng lựa chọn công ty Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược ở SADECO.
Trong phiên xét xử cùng ngày, cơ quan công tố cũng nêu quan điểm đối đáp với đồng phạm của ông Tề Trí Dũng trong vụ án là bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO).
Trước đó, bị cáo này bị đề nghị từ 19-21 năm tù về nhiều tội danh. Ngoài ra, 16 bị cáo còn lại trong vụ án bị luận tội với khung hình phạt đề nghị từ 3 năm tù treo đến 15 năm tù giam.