Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nói bản thân đã dành trí tuệ, công sức trong công tác an sinh xã hội nhưng hôm nay đứng đây, "bị cáo lại là người lợi dụng dịch bệnh để phạm tội".
Chiều 18/7, trong ngày làm việc thứ 6 của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu", HĐXX dành thời gian cho các luật sư của cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng trình bày phần bào chữa cũng như bị cáo tự bào chữa.
Trước đó, bị cáo Chử Xuân Dũng bị đại diện VKS đề nghị tuyên phạt mức án 4-5 năm tù về tội Nhận hối lộ.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Chử Xuân Dũng nói rằng, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cuối năm 2020, ông được phân công là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội.
Khi chuyển từ mảng giáo dục sang giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tham gia chỉ đạo quản lý lĩnh vực y tế, công việc của ông gặp nhiều khó khăn nhưng bản thân ông đã dành trí tuệ, công sức trong công tác an sinh xã hội, góp phần vào công tác phòng chống, khống chế dịch, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh tại Hà Nội diễn ra căng thẳng.
"Tấm lòng của mình, mong muốn của mình đối với người dân trong công tác an sinh xã hội, nhưng hôm nay đứng đây, bị cáo lại là người lợi dụng dịch bệnh để phạm tội", bị cáo Chử Xuân Dũng trình bày.
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội xin chấp nhận số nhận tiền bị cho là đã nhận hối lộ như cáo buộc, còn số tiền đó cụ thể là bao nhiêu thì bị cáo không nhớ.
"Bị cáo nhận tiền là hành vi phạm tội, nhưng nếu chúng ta gác lại đồng tiền đó sang một bên thì vẫn là tình người, là con người mình. Kể cả phạm tội rồi thì mình vẫn phải trung thực, phải là người tử tế, đàng hoàng, không nói xấu người khác…", bị cáo Dũng bày tỏ.
Cựu Phó Chủ tịch TP Hà Nội cũng bày tỏ những lời ăn năn, đau xót; mong muốn cơ quan tố tụng khoan hồng, cho bị cáo sớm được quay trở lại với xã hội, để giảm gánh nặng cho gia đình, có cơ hội đóng góp thêm sức lực của mình cho xã hội.
Bào chữa cho ông Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) cho rằng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội không hề có bất kỳ một sự thỏa thuận, đòi hỏi hay gây khó dễ nào đối với doanh nghiệp để được nhận tiền trong việc ký ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công dân về nước cách ly tại Hà Nội.
Cũng theo luật sư bào chữa, việc đưa và nhận tiền giữa 2 bị cáo liên quan tới ông Dũng hoàn toàn chỉ chỉ mang tính "được chăng hay chớ", "đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu". Luật sư đồng thuận với quan điểm, nhận định của đại diện VKS trong phần luận tội rằng: "Trong vụ án này, một số bị cáo không chủ động yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền, nhưng đã không tránh được những cám dỗ".
Trước đó, tại phiên tòa sáng 14/7, khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho Trần Minh Tuấn, ông Dũng khai: “Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này”.
Theo luật sư, điều này cho thấy, dù ông Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như là tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng cho rằng, bên cạnh hình phạt, bản án của pháp luật tới đây thì sự ân hận, day dứt, xen lẫn sự hổ thẹn trong lòng cũng chính là một hình phạt, bản án nữa vô cùng hà khắc đối với ông Chử Xuân Dũng và nó sẽ đi theo bị cáo suốt quãng đời còn lại.