Cứu quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết: Hành trình vẻ vang

NAM VIỆT 26/01/2022 07:00

Ngay khi nước nhà chưa giành được độc lập, ngày 25/1/1942, số Báo Cứu Quốc đầu tiên đã được xuất bản. Lúc ấy, Báo là Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cứu Quốc cũng là tờ báo đầu tiên vinh dự được in những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ngày 22/12/1964, Báo Giải Phóng xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam. Đầu năm 1977, Báo Giải Phóng hợp nhất với Báo Cứu Quốc, lấy tên là Đại Đoàn Kết - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977. Kể từ ngày ra số Báo Cứu Quốc đầu tiên tới nay, 80 năm - một hành trình vẻ vang của Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, tờ báo có truyền thống lâu đời bậc nhất của báo chí cách mạng Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt cùng các đại biểu kéo băng khánh thành Bia lưu niệm Báo Cứu Quốc - Báo Đại Đoàn Kết tại thôn Xuân Kỳ, xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

1.Vào những ngày này cách đây 80 năm, thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ, tờ Báo Cứu Quốc đã được chuẩn bị tích cực, nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giành tự do cho giống nòi. Ngày 25/1/1942, Báo Cứu Quốc - Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu tiên. Tòa soạn lúc ấy chỉ có ba người: Tổng Bí thư Trường Chinh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, trực tiếp viết bài và phụ trách báo từ năm 1942 đến năm 1944. Ban Biên tập có các đồng chí Lê Quang Đạo và Lê Toàn Thư.

Đó là những năm tháng rất vinh quang của tờ báo thực sự chiến đấu trong lòng địch, thực hiện sứ mệnh thiêng liêng tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Minh; tập hợp toàn thể người Việt Nam yêu nước đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất: Cách mạng Tháng Tám 1945, dựng lên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Báo Cứu Quốc chuyển về Hà Nội và nhanh chóng trở thành tờ nhật báo lớn nhất nước thời ấy. Cũng trong giai đoạn đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cứu Quốc cũng chính là tờ báo vinh dự được đăng những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục tập hợp quần chúng nhân dân xây dựng nhà nước non trẻ với muôn vàn khó khăn và lại phải bước tiếp vào cuộc trường kỳ kháng chiến khi thực dân Pháp lăm le quay lại đô hộ nước ta một lần nữa.

Sau đó, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Cứu Quốc luôn là tờ báo đi đầu trên mọi mặt trận.

Đầu năm 1964, từ Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định cử một đoàn cán bộ Báo Cứu Quốc vào miền Nam làm nòng cốt để thành lập Báo Giải Phóng - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cùng với lực lượng tại chỗ và cán bộ Báo Cứu Quốc, ngày 22/12/1964, Báo Giải Phóng với 4 trang khổ lớn, in 2 màu đã xuất hiện trong vùng giải phóng miền Nam, vùng ven và đưa vào nội đô, sang Phnompenh (Campuchia) và ra miền Bắc.

Trong chiến tranh ác liệt, Giải Phóng đã trở thành nơi tập hợp những cây bút tên tuổi, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng là tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đóng góp rất lớn cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Đầu năm 1977, Báo Giải Phóng hoàn thành sứ mệnh lịch sử, hợp nhất với Báo Cứu Quốc, lấy tên là Đại Đoàn Kết. Tuần Báo Đại Đoàn Kết - cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xuất bản số đầu tiên ngày 6/2/1977. Kể từ năm 2012, từ tuần báo, Đại Đoàn Kết chuyển thành nhật báo, xuất bản hàng ngày. Đây là bước tiến quan trọng của Báo Đại Đoàn Kết, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của tờ báo Mặt trận.

Cũng trong thời gian này, Đại Đoàn Kết xuất bản các ấn phẩm Dân tộc và Miền núi (1 kỳ/tuần), Tinh hoa Việt (1 kỳ/tháng). Tới năm 2014, ấn phẩm Tinh hoa Việt xuất bản 2 kỳ/tháng.

Trên cơ sở trang Thông tin điện tử, từ tháng 6/2015, Báo Đại Đoàn Kết Điện tử chính thức khai trương, đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ mới, khi xu hướng làm báo điện tử đang trở thành một ưu thế, cung cấp tới bạn đọc những thông tin nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn. Từ tháng 6/2020, Đại Đoàn Kết điện tử ra mắt giao diện mới, hiện đại, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của bạn đọc trong tình hình mới.

Tháng 10/2021, ấn phẩm Tôn giáo và Tín ngưỡng của Báo Đại Đoàn Kết ra số đầu tiên, 1 kỳ/tháng.

Như vậy, trong hành trình 80 năm xây dựng và phát triển, Báo Đại Đoàn Kết đã trở thành cơ quan báo chí lớn, là cơ quan báo chí mạnh với “nhiều binh chủng hợp thành”. Với trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp nối truyền thống 80 năm, Đại Đoàn Kết tiếp tục là tờ báo tin cậy của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2.Có được như ngày hôm nay là sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm to lớn vô cùng bền bỉ của nhiều thế hệ những người làm Báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết. Nhớ lại ngày đầu tiên của Báo cách đây 80 năm, kể từ khi Cứu Quốc ra số đầu tiên, chúng ta không khỏi tự hào.

Trong lời giới thiệu ra mắt Báo Cứu Quốc số đầu tiên (ngày 25/1/1942), Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Trước cảnh tượng nước mất nhà tan thê thảm, Cứu Quốc - Cơ quan cổ động của Việt Nam Độc lập Đồng minh ra đời, thống thiết kêu gọi đồng bào mau hợp sức cùng lòng đánh đuổi Pháp - Nhật, rửa nhục cho non sông, đưa Tổ quốc tới bến vinh quang độc lập”.

Báo Cứu Quốc giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945 ra 30 số (số 1, ngày 25/1/1942 đến số 30, ngày 16/8/1945) với nhiều tin, bài tuyên truyền chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập dân tộc; tuyên truyền cổ động kêu gọi đồng bào đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh giành chính quyền. “Đồng bào ta chỉ có một cách là đoàn kết làm cách mạng cướp chính quyền” (số mùa xuân 1942, ngày 10/2/1942). Báo chú trọng tuyên truyền chủ trương của Mặt trận Việt Minh xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, lấy giai cấp công nhân và giai cấp nông dân làm nòng cốt và là lực lượng chủ yếu của cách mạng. Nhiều tin, bài về các cuộc bãi công của công nhân, biểu tình của nông dân như: “Thợ Nhà máy Tơ Nam Định bãi công” (số 10, ngày 18/2/1944), “Thợ sẻ bãi công” ở Uông Bí, “Phu mỏ đình công” ở Mạo Khê (phụ trương số 19 ngày 20/4/1945). Tin “Chống Nhật cướp thóc”, “Chống bắt phu” (số 10, ngày 18/2/1944); “Chống cướp đất”, “Chống Pháp phá màu” (số 11, ngày 17/4/1944)… và kêu gọi nhân dân “Đừng nộp thóc cho giặc” (số 15, ngày 30/11/1944), “Không đóng một xu thuế cho Nhật… Tiền đóng thuế cho Nhật hãy quyên vào quỹ cứu quốc của Việt Minh, góp một phần vào công cuộc sửa soạn khởi nghĩa của dân ta” (số 25, ngày 5/7/1945).

Trong bài “Thanh niên” (số mùa xuân 1945) có đoạn: “Chúng ta mau gia nhập hàng ngũ tiền phong cách mạng, kịp chuẩn bị để ngày sắp tới đây, trước khi tiến đánh quân địch chúng ta sẽ cùng nhau cất tiếng: Thanh niên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi”. Trong bài “Tiếng gọi chị em” (số 26, ngày 15/7/1945) có đoạn: “Muốn giải phóng phụ nữ phải giải phóng dân tộc. Lúc này chị em ta không cùng anh em nam giới đánh đuổi giặc Nhật thì đến quyền sống chúng ta cũng không có, nói gì đến quyền trong gia đình ngoài xã hội”. Còn trong số mùa xuân 1945, bài “Phụ nữ” có đoạn: “Gương bạn gái đã nêu cao, chị em mau tự cường. Lúc này dân tộc đang cần các chị... Các chị em mau ra khỏi buồng the, xó bếp lên đường cứu nước, đặng cùng bạn gái năm châu đua sức đua tài”...

Tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, mọi tôn giáo vào công cuộc đấu tranh giành độc lập, trong bài “Muốn cứu đạo phải cứu nước” (số ra ngày 25/6/1945) có đoạn: “Không thể ngồi yên đọc kinh cầu nguyện mà mong nạn khỏi tai qua! Chắc các bạn thừa hiểu rằng: Muốn cứu đạo phải cứu nước, muốn cứu nước phải đánh đuổi cho kỳ hết bọn giặc Nhật đi… có cứu nước mới cứu được đạo”.

Ngày 25/10/1944, Tổng bộ Việt Minh gửi thư cho các đoàn thể cách mạng ở hải ngoại và các lực lượng chống phát xít kêu gọi liên hiệp không phân biệt xu hướng chính trị “gạt bỏ thành kiến đảng phái, đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết, thân, dịch lại cùng nhau, đặng đúc thành một khối cứu quốc vô địch”. Tháng 11/1944, báo ra số đặc san về vấn đề Hải ngoại, chỉ rõ mục đích đối với dân tộc Việt Nam lúc này là “thống nhất các đoàn thể cách mạng Việt Nam trong ngoài” và kêu gọi “các dân tộc châu Á liên hiệp lại”.

Có thể thấy, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh đã được Báo Cứu Quốc giai đoạn 1942-1945 chuyển tải rất rõ ràng, mạnh mẽ, trở thành vũ khí sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Đó là khởi đầu huy hoàng của tờ báo Mặt trận, được gìn giữ và phát huy trong suốt hành trình 80 năm qua.

3.Hiện nay, Báo Đại Đoàn Kết đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Tiếp tục phát huy những gì đã có, tập thể những người làm Báo Đại Đoàn Kết hôm nay “tiếp bước tiền nhân”, quyết tâm đưa tờ báo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lên tầm cao mới.

Ngày 16/8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 64 điểm cầu tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước, với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị: “Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Ghi nhận và đánh giá cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, Tổng Bí thư đặt vấn đề: “Chúng ta cần nhận thức sâu sắc và trả lời câu hỏi đặt ra là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có vị trí, vai trò như thế nào trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay? Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần quán triệt mục tiêu, phương châm hành động, nhiệm vụ, giải pháp như thế nào để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra?”

Những câu hỏi của Tổng Bí thư cũng chính là nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, của dân tộc. Điều đó cũng là trách nhiệm của Báo Đại Đoàn Kết - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đoàn kết là một truyền thống và bài học cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Đảng ta luôn luôn xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. “Ở đây Mặt trận có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa được bao lâu, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, và suốt hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, bằng mọi hình thức và biện pháp, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, mọi phong ba bão táp, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” - Tổng Bí thư nêu rõ, đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần đề ra các giải pháp mới đối với một số yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản:

Một là, tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt trận và các tổ chức thành viên phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong phòng, chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; kiên quyết đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội chính trị. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Hai là, phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò tiên phong trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh. Tổng Bí thư nêu rõ: “Để xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì cần phải thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân. Phải thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở; làm tốt, có hiệu quả phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy, làm tốt vai trò làm nòng cốt để nhân dân làm chủ.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các quy định của Đảng, Nhà nước. Tăng cường giám sát để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và bền vững đất nước. Mặt trận Tổ quốc phải tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia xây dựng pháp luật, phản biện, đóng góp ý kiến hoàn thiện khâu đột phá về thể chế phát triển đất nước, thể chế phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân.

Tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ chế, phương thức phù hợp phản ánh tới cấp ủy, chính quyền và trực tiếp đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị.

Phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Luôn đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân”.

Từ những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, những người làm Báo Đại Đoàn Kết hôm nay nhận thức sâu sắc rằng đó cũng chính là những nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vinh quang. Trong xu thế phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, Đại Đoàn Kết luôn xác định vị trí và cách làm của mình, đó là đứng vững trên nền tảng truyền thống 80 năm, phát huy cao độ bản sắc của tờ báo Mặt trận, góp phần vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, “tiến tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong mỏi thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

ĐẠI ĐOÀN KẾT - TÀI SẢN QUÝ BÁU VÀ ĐỘC ĐÁO CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2021), trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, có thể nói là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Trên thế giới, theo tôi tìm hiểu thì chưa nước nào có Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức đến từng khu dân cư như Việt Nam. Nếu chúng ta xây dựng và giữ gìn được được khu phố đoàn kết, thôn bản đoàn kết, xã đoàn kết, huyện đoàn kết, tỉnh đoàn kết, cả dân tộc Việt Nam đoàn kết thì tôi tin rằng, việc khó đến mấy đất nước ta cũng vượt qua được. Lịch sử mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của cha ông ta đã cho thấy bài học về tinh thần đoàn kết vẫn còn nguyên giá trị”.

Tăng cường giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Giám sát, phản biện xã hội là vấn đề được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chú trọng nhiều nhất trong gian đoạn tới. Phòng, chống tiêu cực là một trong những nội dung mới được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đề ra. “Trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ là lực lượng tiên phong, nòng cốt, đồng thời là lực lượng phối hợp hành động với các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát, rèn luyện phẩm chất, chính trị lối sống của cán bộ, đảng viên để làm sao cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nơi cư trú, gắn bó với đời sống của nhân dân”.

Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:

1/Tập Đoàn Novaland

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank

6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank

7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV

8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.

10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cứu quốc – Giải Phóng – Đại Đoàn Kết: Hành trình vẻ vang