Sáng ngày 15/8, BVĐK Quảng Nam cho biết, đã cứu sống một bệnh nhân trong tình trạng ngưng tim ngoại viện (hôn mê, ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn).
Theo đó, Khoa Cấp cứu BVĐK Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân nam, 70 tuổi trong tình nói trên. Ngay lập tức ê kíp trực cấp cứu đã tiến hành hồi sức tim, phổi và kích hoạt hệ thống báo động đỏ của bệnh viện.
Sau hơn 10 phút hồi sức, bệnh nhân có tim lại nhưng tái ngưng tim nhiều lần, ê kíp can thiệp đã quyết định vừa hồi sức vừa chuyển phòng can thiệp, bệnh nhân vừa được hồi sức tim vừa bóp bóng qua nội khí quản. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước (LAD). Bệnh nhân được đặt 1 stent để tái thông vị trí tắc động mạch vành. Sau can thiệp, bệnh nhân dần tỉnh lại, tần số tim và huyết áp phục hồi, bệnh nhân có thể tự thở qua ống nội khí quản.
BS CK2 Nguyễn Lương Quang cho biết: “Qua theo dõi tại phòng can thiệp hơn 30 phút, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, rút ống nội khí quản, tự thở được, huyết áp còn lệ thuộc thuốc vận mạch, bệnh nhân được chuyển về theo dõi tại phòng Hồi sức Khoa Nội Tim mạch. Đến nay sau 5 ngày điều trị, tôi khẳng định rằng, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, dự kiến sẽ ra viện đầu tuần sau”.
Theo BS CK2 Nguyễn Lương Quang, ngưng tim ngoài bệnh viện (OHCA- Out-of-Hospital Cardiac Arrest) được định nghĩa là mất co bóp cơ tim đột ngột biểu hiện với mất các dấu hiệu tuần hoàn xảy ra trong cộng đồng, nguy cơ tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo ước tính có gần 1.000 người Mỹ trưởng thành bị ngưng tim ngoài bệnh viện mỗi ngày; nếu tính cả ngưng tim tại bệnh viện (IHCA) thì tới hơn 500.000 người trưởng thành bị ngưng tim mỗi năm tại Mỹ.
Tại Châu Âu ước tính có 270.000 bệnh nhân OHCA đến được với các EMS (Emergency Medical Services), trong số này có 29.000 bệnh nhân được sống sót xuất viện.
Tại Việt nam chưa có con số thống kê cụ thể tỷ lệ ngưng tim ngoài bệnh viện, tuy nhiên cũng không phải là thấp. Mặc dù có những tiến bộ trong kiến thức điều trị cũng như các thiết bị hỗ trợ, tỷ lệ sống còn sau OHCA còn rất thấp, khoảng 12% ở Mỹ và 7-9% ở Châu Âu, 1/3 số bệnh nhân sống sót có rối loạn nhận thức không hồi phục.
BVĐK tỉnh Quảng Nam triển khai can thiệp tim mạch từ đầu năm 2013. Cho đến nay đã thực hiện được gần 3.000 ca can thiệp tim mạch, trong đó nhiều kỹ thuật đã được triển khai bao gồm, can thiệp động mạch vành, đặt máy tạo nhịp, can thiệp động mạch não, động mạch ngoại biên, thăm dò và đốt điện sinh lý điều trị rối loạn nhịp tim, điều trị các bất thường ở mạch máu tạng như gan, phổi…
Bệnh viện đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân một cách ngoạn mục, như những bệnh nhân ngưng tim ngoại viện do bệnh lý tim mạch, đột quỵ, rối loạn nhịp tim,… Đặc biệt là sau khi triển khai hoạt động “báo động đỏ”, đây là một hoạt động nhằm ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân theo từng chuyên khoa, sau khi các đội được kích hoạt sẽ có mặt tại bệnh viện nhanh nhất có thể để cấp cứu cho bệnh nhân, bỏ qua một số thủ tục hành chính.