Ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương bị tuyên án 6 năm tù liên quan vụ án gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EV
Sáng 29/4, Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội trở lại với phần tuyên án ông Hoàng Quốc Vượng, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng 11 bị cáo liên quan đến sai phạm mở rộng diện hưởng giá điện ưu đãi của một số dự án điện mặt trời.
Hội đồng xét xử (HĐXX) xác định các bị cáo có hành vi làm trái công vụ, gây thiệt hại cho Nhà nước, cụ thể là EVN số tiền rất lớn nên cần xử phạt nghiêm.
Trong vụ án, bị cáo Hoàng Quốc Vượng là người chịu trách nhiệm cao nhất, khi được Chính phủ giao chỉ trì soạn thảo Quyết định số 13. Bị cáo đã vì động cơ cá nhân đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng dự thảo theo hướng mở rộng đối tượng hưởng giá điện ưu đãi
Bị cáo Phương Hoàng Kim, cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cũng được xác định có vai trò lớn khi là Tổ trưởng tổ soạn thảo xây dựng Quyết định số 13.
Hành vi sai phạm của 2 bị cáo trên đã dẫn đến việc Tập đoàn điện lực Việt Nam thanh toán cho các công ty được hưởng giá điện ưu đãi (sai đối tượng) hơn 1.040 tỷ đồng.
Tuy vậy, 2 bị cáo được ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ như tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, chủ động nộp lại số tiền đã hưởng lợi, khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng,…
Ngoài ra, các bị cáo có nhiều thành tích, được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, huân huy chương trong quá trình công tác.
Sau khi cân nhắc, HĐXX tuyên phạt ông Hoàng Quốc Vượng án 6 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bị cáo Phương Hoàng Kim có cùng mức án và tội danh trên.
Về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
Trịnh Văn Đoàn, cựu chuyên viên phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, 5 năm tù.
Trần Quốc Hùng, cựu Phó phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, 5 năm tù.
Nguyễn Danh Sơn, cựu Giám đốc Công ty mua bán điện (thuộc EVN), 5 năm 6 tháng tù.
Nguyễn Hữu Khải, cựu Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện, 5 năm tù.
Đỗ Ngọc Tuyền, cựu chuyên viên phòng Kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện, 5 năm tù.
Trương Hoàng Dũng, cựu nhân viên phòng kỹ thuật và công nghệ thông tin, Công ty Mua bán điện, 5 năm tù.
Phan Văn Sang, cựu công chức phòng Thanh tra-kiểm tra 3, Cục thuế tỉnh Bình Phước, 4 năm tù.
Về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
Nguyễn Duy Khánh, cựu Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bình Phước, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Trần Văn Định, cựu Trưởng phòng Thanh tra - kiểm tra 3, Cục thuế tỉnh Bình Phước, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Phạm Quang Vinh, cựu Phó phòng Nghiệp vụ - dự toán - pháp chế, Cục thuế tỉnh Bình Phước, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Về trách nhiệm dân sự, tòa yêu cầu các doanh nghiệp điện mặt trời liên đới nộp lại ngân sách Nhà nước thông qua Tập đoàn điện lực Việt Nam toàn bộ số tiền được xác định là sai phạm trong vụ án, tổng hơn 1.040 tỷ đồng.
Trước đó, Viện kiểm sát (VKS) kiến nghị tòa yêu cầu 3 công ty được hưởng lợi từ việc bán điện giá cao, phải trả lại 1.252 tỷ đồng cho EVN. Trong đó, Công ty CP đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Ninh Thuận phải trả 99 tỷ đồng; Công ty TNHH Điện mặt trời Thuận Nam 944 tỷ đồng và Công ty Cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 phải trả 209 tỷ đồng.
Theo đại diện VKS, trong vụ án "rất nghiêm trọng" này, hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng xấu, thất thoát đặc biệt lớn cho ngân sách Nhà nước. Do đó, việc xét xử nghiêm là cần thiết để răn đe và ngăn chặn những hành vi tương tự trong tương lai.
Bị cáo Hoàng Quốc Vượng bị đánh giá trong thời gian làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng Dự thảo Quyết định số 13 về khuyến khích năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông Vượng "biết rõ các chủ trương", chỉ đạo của Thủ tướng tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận đối với các dự án điện mặt trời. Nhưng bị cáo vì động cơ vụ lợi, đã nhận 1,5 tỷ đồng của Công ty Trung Nam Thuận Nam, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo theo hướng mở rộng diện đối tượng được hưởng giá điện ưu đãi.
Ông Hoàng Quốc Vượng cũng bị xác định đã thống nhất chủ trương đề xuất cho Dự án của Thuận Nam được phê duyệt bổ sung quy hoạch, xin cơ chế giá 9,35 UScents/kWh, dẫn đến hậu quả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị mua điện giá đắt, với tổng số tiền là 1.043 tỷ đồng, được tính là thiệt hại.
Với bị can Phương Hoàng Kim, VKS xác định, trong thời gian làm Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo đã được giao làm tổ trưởng soạn thảo Quyết định 13. Ông Kim biết rõ các chủ trương của Chính phủ nhưng vì "muốn tạo điều kiện không chính đáng" cho Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam nên cố ý đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Từ đó, dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 Uscents/kWh.
Đối với 6 cán bộ ở Công ty mua bán điện, EVN, đại diện VKS cho rằng, họ "muốn tạo lợi ích không chính đáng" cho doanh nghiệp, nên đã phê duyệt cấp phép hoạt động cho Dự án nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại Bình Phước dù không đủ điều kiện. "Nhà máy xin một nơi, lại được xây dựng một nẻo", các cán bộ xem xét hồ sơ thấy mâu thuẫn nhưng không đi thực tế kiểm tra. Tại tòa, họ khai duyệt nhanh do bị cấp trên thúc giục, cũng chỉ nghĩ sai sót do lỗi chính tả chứ không thể có chuyện như vậy.
Lộc Ninh 3 được bán điện cho EVN với giá cao hơn gần 28%. Số tiền chênh lệch 209 tỷ đồng EVN phải trả cho công ty điện này cũng được tính là thiệt hại.
Từ những sai phạm này, công ty được cục thuế tỉnh Bình Phước hoàn thuế trái quy định 145 tỷ đồng, khiến 3 cựu cán bộ cục thuế vướng lao lý. Số tiền này đã được Lộc Ninh 3 nộp lại.